Nhiều tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nhưng ngành gỗ vẫn đối mặt với khó khăn

Ngành đồ gỗ và nội thất dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã có những điểm sáng về xuất khẩu và có dấu hiệu hồi phục, phát triển mạnh từ cuối năm 2023, đầu năm 2024.
go-1708936652.jpeg
Nhiều tín hiệu tích cục trong xuất khẩu nhưng ngành gỗ vẫn đối mặt với khó khăn. Ảnh minh họa

Năm 2023 là một năm hết sức khó khăn đối với ngành gỗ và sản phẩm gỗ. Đây là năm đầu tiên ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam đứng tốp 5 thế giới ghi nhận tăng trưởng âm sau khi duy trì đà tăng suốt 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, đầu tháng 1/2024 tình hình xuất khẩu của Việt Nam nói chung và xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nói riêng đã ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong tháng 1 đầu năm 2024, thị trường phục hồi tốt và mặt hàng xuất khẩu cũng tăng đột biến. Trong số đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thu về được 1,49 tỷ USD, tăng tới 72,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng chính là mặt hàng duy nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp, có kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD chỉ trong 1 tháng. Kết quả xuất khẩu của mặt hàng tiềm năng này chiếm 29% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp ở nước ta.

Kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng gỗ Việt đã có tín hiệu hồi phục từ những tháng cuối năm 2023. Cụ thể, trong bản tin thị trường Nông lâm thủy sản quý IV/2023, Bộ Công thương nhận định, xu hướng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực trong quý IV/2023.

Hiện nay, 4 thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng gỗ Việt là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong năm 2023, 4 thị trường này chiếm tới 85% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này của Việt Nam.

Đánh giá về tinh hình xuất khẩu gỗ trong tháng đầu năm 2024, tại phiên khai mạc Hội chợ Quốc tế Đồ gỗ và Mỹ nghệ Xuất khẩu Việt Nam (Vifa Expo) năm 2024, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho rằng, dù thu về gần 1,8 tỷ USD trong tháng đầu năm 2024 nhưng ngành gỗ và nội thất của Việt Nam đang đối mặt với một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới tính bền vững. Đó là rủi ro về nguyên liệu gỗ nhập khẩu, quy định chống phá rừng của EU, yêu cầu sản phẩm gỗ có phát thải carbon thấp. Ngoài ra, xung đột ở Biển Đỏ khiến một số hãng vận tải biển ra thông báo dừng vận chuyển hàng hoặc thay đổi lịch trình khiến cước vận tải gia tăng...

Bên cạnh đó, năm 2023, mặc dù có một số thị trường có sự tăng trưởng xuất khẩu đồ gỗ và nội thất tốt như Ấn Độ tăng 288%, Peru tăng 111%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 90%, Na Uy xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 52%... nhưng nhìn chung, tình hình xuất khẩu đồ gỗ và nội thất của Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức.

Trong bối cảnh đó, một trong những việc cấp thiết mà doanh nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ cần chú trọng đó chính là mở rộng những thị trường mới, tăng cường đa dạng hóa các kênh bán hàng từ truyền thống và phi truyền thống. Do đó, công tác xúc tiến thương mại nói chung và với ngành gỗ nói riêng là hết sức cần thiết.

Còn theo Bộ Công thương, dự báo kinh tế thế giới năm 2024 sẽ vẫn phải đối mặt với không ít thách thức đến từ nhiều nguyên nhân như suy thoái kinh tế, xung đột quân sự, căng thẳng địa chính trị…

Để tăng cường đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ vào Mỹ và các thị trường khác, Bộ Công thương đưa ra khuyến cáo rằng các doanh nghiệp phải không ngừng nỗ lực trong việc nghiên cứu và phát triển thị trường, đặc biệt cần đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng hàng hóa, nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thật và các quy định về phát triển bền vững. Ngoài ra, các doanh nghiệp của Việt Nam còn phải đảm bảo việc chăm sốc khách hàng một cách có hiệu quả./.

Hương Lan