"Nhiều tin đồn tiêu cực trực tiếp kích hoạt nhà đầu tư nhỏ lẻ bán FOMO"

Chuyên gia cho rằng sau nhiều phiên điều chỉnh mạnh, thị trường về vùng hấp dẫn hơn để nhà đầu tư đang cầm tiền có thể mua vào cổ phiếu, tuy nhiên khó kỳ vọng VN-Index hồi lại mạnh mẽ.
hoang-anh-tuan-mbs-1695711892.jpg
Nhiều tin đồn tiêu cực trực tiếp kích hoạt nhà đầu tư nhỏ lẻ bán FOMO.

Sau khi điều chỉnh giảm 2,8% ở tuần trước, VN-Index khởi động tuần cuối cùng tháng 9 với mức giảm mạnh xấp xỉ 40 điểm, tương đương 3,34%. Đà giảm dù đã phần nào được tiết chế trong phiên sáng nay (26/9) nhưng sắc đỏ vẫn bao trùm.

Chúng tôi có cuộc trao đổi nhanh với ông Hoàng Anh Tuấn, Chuyên viên tư vấn đầu tư KHCN cao cấp, CTCK MB (MBS) xoay quanh diễn biến thị trường.

Tuần qua, thị trường biến động mạnh, một số nhận định cho rằng nhà đầu tư (NĐT) đã bán tháo FOMO. Hoạt động này tiếp diễn ở phiên hôm qua cũng như trong sáng nay. Ông có cùng quan điểm rằng NĐT đã bán tháo không kiểm soát?

Tôi đồng ý với quan điểm nhà đầu tư đang bán tháo FOMO từ tuần trước và tiếp diễn cho tới phiên thứ 2 đầu tuần. Hoạt động bán tháo này bao gồm nhiều thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến quyết định bán của nhà đầu tư.

Đầu tiên, yếu tố khởi đầu chính là tỷ giá đã liên tục tăng từ đầu tháng 9, từ vùng 23.800 VND/USD lên mức 24.200 VND/USD vào ngày 20/9/2023. Việc tỷ giá tăng đã khiến nhà đầu tư lớn và nhà đầu tư nước ngoài cảnh giác hơn, họ đã bán ra liên tục nên thị trường đã giảm từ vùng 1.245 xuống 1.180 điểm

Thứ hai, thông tin về việc giữ nguyên lãi suất ở ngưỡng 5,25% – 5,5% trong kỳ họp vào ngày 21/9/2023 vừa rồi là một thông tin không tích cực, điều này cho thấy Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giữ mặt bằng lãi suất cao dài hơn kỳ vọng của nhà đầu tư. Điều này khiến áp lực bán dâng cao ở thị trường tài chính trên toàn thế giới, gián tiếp làm tăng tỷ giá VND/USD.

Thứ ba, cuối tuần vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bắt đầu can thiệp vào tỷ giá bằng cách hút tiền thông qua tín phiếu. Việc rút về 20.000 tỷ cho thấy NHNN đã bắt đầu siết dòng tiền rẻ để cứu tỷ giá. Vào thứ 5 tuần trước, ngày 21/9/2023, tỷ giá giảm từ vùng 24.440 về 24.400 VND/USD, tuy nhiên thứ 2 đã tăng trở lại, lên 24.550 VND/USD. Điều này càng dấy lên lo ngại rằng nhà nước sẽ tiếp tục can thiệp vào tỷ giá thông qua việc hút tiền về.

Cuối cùng, ngoài những yếu tố trên ảnh hưởng đến việc bán ra của nhà đầu tư lớn thì có nhiều tin đồn tiêu cực trực tiếp kích hoạt nhà đầu tư nhỏ lẻ bán FOMO theo như thông tin trục trặc về hệ thống KRX, thông tin căng margin và "cháy" các kho hàng, thông tin NHNN tiếp tục hút tiền về…

Ông nhắc tới hoạt động hút tiền về qua bán tín phiếu của NHNN, ông có bình luận gì thêm về điều này?

Tôi cho rằng việc NHNN hút tiền về thông qua việc bán tín phiếu là một cách điều hành hợp lý. Ngày 21/9/2023, khi FED ra chính sách không tăng lãi suất và có khả năng sẽ duy trì mặt bằng lãi suất cao lâu hơn, NHNN đã thấy ngay vấn đề tỷ giá sẽ tiếp tục căng thẳng. Nếu không hành động thì tỷ giá sẽ tiếp tục tăng, ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại rất nhanh nhạy, nếu họ cảm thấy tỷ giá tăng, họ sẽ không đầu tư tiền vào Việt Nam nữa. Những dự án đang đầu tư của họ cũng sẽ ngừng và rút tiền về nước. Nếu việc này xảy ra đồng loạt thì hậu quả sẽ vô cùng lớn.

Chúng ta cùng điểm lại thời điểm khủng hoảng thanh khoản tiền mặt vào năm ngoái. Vào tháng 9 đến tháng 11/2022, khi lãi suất gửi tiết kiệm VND đang khoảng 7%/năm, lãi suất USD là 4,5%/năm, tỷ giá lúc đó tăng từ 23.800 lên 25.200 VND/USD. NHNN đã bán ra lượng USD lớn để cân bằng tỷ giá nhưng thất bại, sau đó phải nâng lãi suất gửi tiết kiệm lên mức 9-11%/năm gây ra tình trạng mất thanh khoản tiền mặt ở các ngân hàng, doanh nghiệp. Cũng đồng thời gây ra cú sập nặng nhất cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. May mắn là khi nâng lãi suất, chúng ta đã khống chế được tỷ giá, lúc đó tỷ giá giảm không phanh về lại ngưỡng 23.700 VND/USD.

Vì vậy, việc ưu tiên cân bằng tỷ giá là nhiệm vụ song song bên cạnh việc giữ mặt bằng lãi suất thấp để khôi phục nền kinh tế. Có 3 cách để cân bằng lại tỷ giá bao gồm: (1) Bán USD ra thị trường; (2) Hút tiền về thông qua tín phiếu; (3) Nâng lãi suất gửi tiết kiệm. Hiện tại NHNN đã rút ròng 20.000 tỷ ra khỏi thị trường, tuy nhiên tỷ giá vẫn tiếp tục tăng. Nên nhà đầu tư đang lo ngại NHNN sẽ rút mạnh tay hơn hoặc tăng lãi suất. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán.

Theo ông sau đợt điều chỉnh, thị trường đã về vùng hấp dẫn để nhà đầu tư tham gia mua vào?

Theo tôi đợt điều chỉnh này, thị trường sẽ về vùng hấp dẫn hơn để nhà đầu tư đang cầm tiền có thể mua vào cổ phiếu. Tuy nhiên, nếu lãi suất tăng lên lại sẽ gây áp lực lên lợi nhuận của doanh nghiệp. Kèm theo đó sẽ làm giảm định giá của cổ phiếu.

Vì thế, chúng ta khó có thể kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ hồi lại vùng VN-Index 1.245 điểm. Tôi cho rằng giá cổ phiếu chỉ có thể đi ngang hoặc xuống từ đây tới cuối năm, ngoại trừ những cổ phiếu có câu chuyện nổi bật.

Nhận định của ông về bức tranh kết quả kinh doanh quý 3?

Tôi cho rằng, bức tranh kết quả kinh doanh quý 3 năm nay sẽ không quá sáng sủa do chính sách giảm lãi suất chưa thể tác động tích cực ngay vào quý 3, tuy nhiên sẽ tích cực nếu so với cùng kỳ. Vì vậy nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng vào KQKD quý 3 này để ra hàng trong trường hợp đang nắm giữ cổ phiếu thua lỗ.

Thời điểm thị trường giảm cũng là cơ hội để nhà đầu tư có thể cơ cấu lại danh mục sang cổ phiếu tốt hơn, có kết quả kinh doanh tốt. Qua đó, khi thị trường hồi phục thì những cổ phiếu này sẽ tiếp tục tăng và vượt đỉnh trong khi những cổ phiếu có KQKD yếu chỉ đi ngang hoặc giảm tiếp.

Cảm ơn ông!

Huyền Châm