Nhiều doanh nghiệp Việt Nam dồn dập huy động vốn quốc tế dịp cuối năm

Trong bối cảnh huy động vốn tại thị trường trong nước khó khăn, việc doanh nghiệp và tổ chức tín dụng huy động được nguồn vốn khủng từ thị trường quốc tế là điểm sáng, giúp doanh nghiệp tiếp tục thúc đẩy được hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo đà tăng trưởng cho năm tới.

Mới đây, hàng loạt ngân hàng, doanh nghiệp công bố các hợp đồng huy động vốn khủng từ thị trường quốc tế.

Cụ thể, ngày 11/11, VPBank công bố việc ký kết thành công thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD (tương đương gần 12.500 tỷ đồng) từ 5 định chế tài chính lớn, gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn tài chính Sumitomo. Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd.

Không chỉ ngân hàng, mà các doanh nghiệp cũng lần lượt công bố các hợp đồng gọi vốn khủng. Cụ thể, Công ty cổ phần Kinh doanh F88 cho biết vừa huy động thành công khoản vay 60 triệu USD từ Quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và Lendable. Tính từ đầu năm đến nay, F88 đã huy động được 70 triệu USD từ nguồn vốn quốc tế.

kcn-1668481250.jpeg
Việc huy động vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế góp phần giải bài toán vốn cho doanh nghiệp. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Cuối tháng 10/2022 vừa qua, Tập đoàn Lộc Trời đã tiếp cận thành công gói tín dụng 100 triệu USD do MB và 6 ngân hàng quốc tế cho vay hợp vốn để mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao.

Theo các chuyên gia, việc các tổ chức xếp hạng quốc tế đồng loạt nâng mức xếp hạng quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn quốc tế với lãi suất hợp lý. Trước đó, vào tháng 9/2022, Moody’s đã nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2, với triển vọng ổn định. S&P cũng nâng xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam lên mức BB+.

Theo ghi nhận, dòng vốn phục vụ các dự án phát triển bền vững, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, các dự án xã hội thường được các định chế tài chính quốc tế ưu tiên hơn trong giải ngân.

Vài thập kỷ qua, nhờ sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang tăng trưởng theo định hướng FDI hiện đại, Việt Nam đã được xếp hạng vào nhóm các quốc gia có thu nhập thấp - trung bình theo tiêu chuẩn quốc tế.

Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) tiếp tục đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế của đất nước. Những năm gần đây, Việt Nam nổi lên như một điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư M&A nước ngoài. Đầu tư nước ngoài là yếu tố chính, thúc đẩy cho hoạt động M&A tại Việt Nam. Các nhà đầu tư quốc tế có thể huy động vốn từ nước ngoài để đưa vào thị trường trong nước. Hầu hết các giao dịch M&A lớn tại Việt Nam cũng được tài trợ thông qua các khoản vay.

Có thể nói, việc tìm kiếm nguồn vốn từ thị trường quốc tế đang là hướng đi tích cực được nhiều doanh nghiệp lớn lựa chọn, trong bối cảnh thị trường vốn trong nước gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể huy động vốn quốc tế thành công, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào uy tín thương hiệu, năng lực quản trị, báo cáo tài chính, sự minh bạch về thông tin, khả năng luân chuyển vốn...

Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng, việc huy động vốn từ thị trường quốc tế cho thấy sự linh hoạt của các doanh nghiệp Việt khi biết cách tận dụng và tiếp cận các dòng vốn giá rẻ từ thị trường quốc tế, giảm bớt gánh nặng cho thị trường vốn trong nước.

Hoàng Hà (t/h)