Nhiều bất cập trong việc xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội

Tiêu chí xác định đối tượng nhà ở xã hội hiện nay còn nhiều bất cập, ngoài đáp ứng điều kiện về thuế thu nhập, cư trú ra cần phải chứng minh nhà ở, nơi cư trú.
101-1609922377868-1697260130.jpg
Nhiều bất cập trong việc xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội - Ảnh minh họa.

Chủ trương phát triển nhà ở xã hội của Chính phủ là đúng đắn, nhưng để nhà ở xã hội đáp ứng đúng đối tượng, phát triển đúng lộ trình thì còn nhiều bất cập cần được khắc phục xử lý kịp thời.

Đối tượng của nhà ở xã hội (NƠXH ) phải đáp ứng điều kiện về thuế thu nhập cá nhân, cư trú, nhà ở... Tuy nhiên, chỉ riêng tiêu chí nhà ở mà nhiều trường hợp đã rất khó xác định được có nhà hay không, vì có thể không có nhà ở quận này song lại có nhà ở quận khác, hoặc không có nhà ở thành phố thì có nhà ở quê. Nên xác định đúng đối tượng đủ điều kiện mua cực khó.

Bất cập về tiêu chí đánh giá

Thời gian qua thường xuất hiện tình trạng người có điều kiện kinh tế tốt tranh suất mua (NƠXH ), hoặc có người giàu nhưng lại là chủ sở hữu căn hộ chung cư (NƠXH ). Nguyên nhân do các tiêu chí điều kiện của những đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội tưởng chừng rất chặt chẽ, nhưng cuối cùng lại lỏng lẻo, chưa sát với thực tế và có thể lách.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Thanh Hóa, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 08 dự án (NƠXH ) hoàn thành và đưa vào sử dụng, đều thuộc địa bàn thành phố Thanh Hóa, với tổng diện tích đất xây dựng là 68.499m2, tổng diện tích sàn 205.470m², với khoảng 3.712 căn hộ.

Có 13 dự án (NƠXH ) đã có Nhà đầu tư, đang triển khai thực hiện, đều thuộc địa bàn thành phố Thanh Hóa (có dự án đã đưa vào sử dụng một phần hoặc toàn bộ) với tổng diện tích đất xây dựng 244.735m² và 12.248 căn hộ; 14 dự án (NƠXH ) độc lập cho người thu nhập thấp, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% với tổng diện tích xây dựng 248.063 m2 và khoảng 7.491 căn hộ.

Tuy nhiên, tại Điều 20 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi khoản 13 Điều 1 Nghị định số 49/2021 quy định: “Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng (NƠXH ) có trách nhiệm gửi danh sách đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo thứ tự ưu tiên về Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án để kiểm tra nhằm xác định đúng đối tượng được hỗ trợ và loại trừ việc người được mua, thuê, thuê mua (NƠXH ) được hỗ trợ nhiều lần hoặc đã có nhà ở, đất ở; đã được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở, đất ở; có phát sinh nộp thuế thu nhập cá nhân tại địa phương…”, rất bất cập trong triển khai tại các địa phương.

Hay như, Điểm a Khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở 2014 và Điểm a Khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đều quy định đối tượng hưởng chính sách (NƠXH ) “phải chưa được hưởng chính sách hỗ trợ dưới mọi hình thức tại nơi ở và nơi làm việc”. Quy định này rất khó kiểm tra trong nhiều năm qua, nhất là đối với người thay đổi nơi làm việc nhiều lần.

Tương tự, Điểm a Khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở 2014 và Điểm a Khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đều quy định đối tượng hưởng chính sách (NƠXH ) “phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua hoặc thuê (NƠXH )” hoặc “có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà tối thiểu”.

Một nguyên nhân khác đến từ tiêu chí “điều kiện về thu nhập”. Cụ thể, Điểm b Khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở 2014 và Điểm b Khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đều quy định đối tượng hưởng chính sách (NƠXH ) “phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân”. Đây là lỗ hổng dẫn đến tình trạng “người giàu tranh suất mua (NƠXH )” hoặc có “người giàu ở lẫn” trong các chung cư nhà ở xã hội.

Ngoài ra, việc rà soát đối tượng xem có nhà ở, đất ở hay chưa còn vướng mắc như: sổ đỏ thường cấp cho hộ gia đình, trong đó có bố mẹ và đối tượng đăng ký mua nhà, dữ liệu đất đai của các địa phương chưa hoàn thiện nên thời gian kiểm tra, xác minh nhà ở, đất ở không đảm bảo quy định, đối tượng đăng ký mua có dữ liệu liên quan đến thuế ngoài tỉnh sẽ khó khăn khi kiểm tra, xác minh…

Sửa đổi để sát với thực tế

Xuất phát từ những thực tế nêu trên, địa phương đã kiến nghị và cho rằng rất cần thiết để sửa đổi một số nội dung trong luật để đảm bảo tính minh bạch cho các đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận với (NƠXH ).

Cụ thể, các địa phương cho rằng, cần sửa đổi Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân và khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đặc biệt, Điểm a và Điểm b khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), nên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.

Cụ thể, đối với điều kiện về nhà ở: các đối tượng quy định tại khoản 5, 6 và 8 khoản 1 Điều 73 của luật này để được mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức tại các nơi sinh sống, làm việc hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực.

Riêng điều kiện về thu nhập: các đối tượng quy định tại khoản 5, 6 và 8 khoản 1 Điều 73 của luật này để được mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập hoặc thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân bậc 1 của các bậc chịu thuế đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương hoặc các khoản thu nhập chịu thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

Hà Khải