Ngành nông nghiệp chủ động ứng phó các đợt thiên tai giảm thiệt hại các tình huống khẩn cấp

Trước sự gia tăng của hiện tượng thời tiết cực đoan, các chuyên gia khuyến cáo, cơ quan quản lý và người dân cần có kế hoạch, lên kịch bản ứng phó kịp thời. Tăng cường cơ sở hạ tầng và sử dụng công nghệ trong ứng phó nhằm giảm đến mức thấp nhất tác động của các tình huống khẩn cấp.
thoi-tiet-cuc-doan-04-1711769334.jpg
Trước sự gia tăng của hiện tượng thời tiết cực đoan, các chuyên gia khuyến cáo, cơ quan quản lý và người dân cần có kế hoạch, lên kịch bản ứng phó kịp thời. (Ảnh minh họa)

Thời tiết buất thuận tác động tới nông nghiệp cả nước

Theo Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ đầu mùa khô tính đến ngày 26/3 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2023, nhưng không nghiêm trọng như các năm xâm nhập mặn lịch sử 2015 - 2016, 2019 - 2020.

Hiện có khoảng hơn 20.000 ha lúa (Tiền Giang 30 ha, Bến Tre 730 ha, Trà Vinh 13.000 ha, Sóc Trăng hơn 6.000 ha, Long An 720 ha) có nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Đây là các diện tích được người dân xuống giống muộn, không theo khuyến cáo (sau ngày 31/12/2023). Trong đó, đã có 621 ha lúa thuộc tỉnh Sóc Trăng bị thiệt hại.

Về nước sinh hoạt, có khoảng 50.500 hộ dân (chiếm 3,6% tổng hộ dân) bị thiếu nước sinh hoạt (Bến Tre 12.000 hộ, Kiên Giang 20.000 hộ, Sóc Trăng 6.400 hộ, Bạc Liêu 4.900 hộ, Cà Mau 3.900 hộ, Long An 3.300 hộ). Đây là các khu vực dân cư thuộc vùng nguồn nước dưới đất bị suy giảm, nguồn nước mặt tại một số công trình cấp nước tập trung có độ mặn vượt ngưỡng cho phép hoặc các hộ dân chưa được cấp nước từ công trình cấp tập trung và thiếu dụng cụ trữ đủ nước ngọt để sử dụng.

thoi-tiet-cuc-doan-01-1711769372.jpg
Theo Bộ NN&PTNT, hiện có khoảng hơn 20.000ha lúa có nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. (Ảnh minh họa)

Về tình hình hạn hán, tại khu vực Trung bộ, hiện có khoảng 2.400ha lúa và cây ăn quả (chiếm dưới 1% diện tích canh tác) ở các tỉnh Quảng Nam (1.500ha lúa) và Bình Thuận (909ha thanh long) bị hạn hán, thiếu nước. Dự báo, do mùa khô còn kéo dài đến hết tháng 7, 8 nên khu vực tiếp tục có nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước trong thời gian tới, đặc biệt nếu nắng nóng xảy ra gay gắt, lượng nước trữ trong các hồ chứa giảm nhanh.

Qua cân đối nguồn nước, diện tích nguy cơ bị ảnh hưởng ở vụ đông xuân 2023 - 2024 khoảng 3.700 - 5.700ha cây trồng (dưới 1% diện tích canh tác), tập trung tại Nghệ An 1.000 - 1.500ha, Quảng Nam 1.700 - 2.500ha, Phú Yên 500 - 700ha, Bình Thuận 500 - 1.000ha). Trong vụ hè thu 2024, vùng nguy cơ bị ảnh hưởng khoảng 15.500 - 21.000ha cây trồng (chiếm từ 2 - 3% diện tích canh tác) gồm Bắc Trung bộ 7.500 - 11.000ha, Nam Trung bộ 8.000 - 10.000ha.

Tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ, hiện có hơn 9.800ha cây trồng (chủ yếu là cây lâu năm) bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước (Gia Lai 101ha, Đắk Lắk 63ha, Lâm Đồng hơn 1.800ha, Bình Phước hơn 7.800ha). Trong đó, đã có 66ha lúa và hoa màu thuộc tỉnh Gia Lai bị mất trắng. Các diện tích bị mất trắng thuộc vùng sản xuất nằm ngoài vùng các công trình thủy lợi phục vụ tưới.

Dự báo, cuối mùa khô tình trạng hạn hán, thiếu nước nguy cơ tiếp tục xảy ra tại một số các công trình hồ chứa nhỏ, đập dâng và vùng ngoài công trình thủy lợi phụ trách tưới với tổng diện tích bị ảnh hưởng khoảng 23.000 - 37.000ha (Tây Nguyên 15.000 - 26.000ha, Đông Nam bộ 8.000 - 11.000ha), chiếm khoảng 1 - 2% diện tích gieo trồng.

Tại khu vực Bắc bộ, hiện tại dung tích bình quân các hồ chứa thủy lợi phổ biến từ 57 - 70% dung tích thiết kế, thấp hơn so với trung bình nhiều năm và các năm 2021 - 2023 từ 5 - 15%, bảo đảm phục vụ tưới cho cây trồng vụ đông xuân.

Tuy nhiên, các diện tích thuộc vùng công trình thủy lợi lấy nước từ sông Hồng, nguồn nước phục vụ tưới dưỡng lúa đang bị thiếu hụt do mực nước sông Hồng - Thái Bình ở mức thấp, không bảo đảm cho các công trình thủy lợi chủ động vận hành dẫn đến nguy cơ thiếu nước cục bộ tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương…

Chủ động dự báo để ứng phó với thiên tai, thời tiết cực đoan

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã ký Công điện số 04 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ xâm nhập mặn cao cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và hạn hán, thiếu nước ở miền trung, Tây Nguyên. Theo dự báo, mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, trong thời kỳ cao điểm (khoảng tháng 2-4/2024) có thể xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn vào sâu các cửa sông; tại khu vực miền trung và Tây Nguyên cũng có thể xảy ra hạn hán, thiếu nước ngọt cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong mùa khô. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức theo dõi, chủ động triển khai công tác ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong những tháng cao điểm mùa khô tới.

TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, năm 2024, hiện tượng El Nino có khả năng còn duy trì đến hết mùa xuân với xác suất khoảng hơn 90%. Dự báo, không khí lạnh hoạt động yếu hơn so với trung bình nhiều năm nên khả năng xảy ra rét đậm, rét hại (từ tháng 1-3/2024) ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, từ tháng 2-4, ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa, do vậy tình trạng khô hạn còn tiếp diễn trong thời kỳ này. Từ tháng 1-6, trên phạm vi toàn quốc nắng nóng, nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn khoảng 1-1,5 độ so với trung bình nhiều năm.

thoi-tiet-cuc-doan-03-1711769318.jpg
Các tỉnh miền Trung thường xuyên đối mặt với tình trạng lũ lụt gây thiệt hại rất lớn. (Ảnh minh họa)

Trước sự gia tăng của hiện tượng thời tiết cực đoan, các chuyên gia khuyến cáo, cơ quan quản lý và người dân cần có kế hoạch, lên kịch bản ứng phó kịp thời. Tăng cường cơ sở hạ tầng và sử dụng công nghệ trong ứng phó nhằm giảm đến mức thấp nhất tác động của các tình huống khẩn cấp. Xây dựng hệ thống cấp nước và thoát nước bền vững để ứng phó với hạn hán và bảo đảm nguồn nước cho cộng đồng. Chủ động việc cung cấp nhu yếu phẩm như lương thực, nước uống, đội ngũ chăm sóc y tế và các nguồn lực khẩn cấp khác cũng vô cùng quan trọng và thiết yếu.

Cùng đó, mỗi chúng ta cần nắm bắt, cập nhật thông tin thường xuyên về thời tiết và theo dõi đánh giá rủi ro của cơ quan chức năng để có biện pháp ứng phó hiệu quả. Nâng cao nhận thức và chuẩn bị sẵn sàng sẽ giúp bảo vệ cuộc sống và tài sản của chúng ta, đồng thời xây dựng tương lai bền vững, an toàn hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, các bộ ngành, địa phương cần lưu ý đến dự báo trong năm 2024 sẽ có một số đợt thiên tai cực đoan, mang tính chu kỳ lặp lại 60 năm nên có thể thiên tai sẽ khốc liệt, khó lường. Do đó, phải chủ động lường trước các đợt thiên tai này để chủ động ứng phó./.

Bình Châu