Ngành du lịch và vận tải sôi động trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán

Trong dịp Tết nguyên đán 2024, khách du lịch cả nội địa và quốc tế đều tăng mạnh. Nhờ lượng khách du lịch tăng mạnh đã giúp sản lượng vận chuyển hành khách dịp Tết năm nay tăng cao so với cùng kì năm ngoái.
du-lich-1708170405.jpg
Nhiều trải nghiệm văn hóa dành cho khách thăm quan tại các khu du lịch. Ảnh minh họa

Du lịch bội thu dịp Tết Nguyên đán 2024

Theo số liệu của Cục Du lịch quốc gia, trong dịp Tết Nguyên đán (từ ngày 8/02 - 14/02/2024), ngành Du lịch cả nước ước đón và phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa (tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách lưu trú (tăng 75% so với cùng kỳ năm 2023); công suất phòng trung bình ước đạt khoảng từ 45 - 50% tại hệ thống cơ sở lưu trú du lịch (trong đó cơ sở lưu trú du lịch cao cấp từ 4 - 5 sao ở một số địa phương trọng điểm du lịch đạt công suất cao hơn, tập trung vào các ngày 3, 4 tết).

Dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng ghi nhận số lượng khách quốc tế đến tăng cao ở nhiều địa phương: Đà Nẵng ước đón gần 177.000 lượt; Hà Nội ước đón gần 103.000 lượt khách, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023; Ninh Bình ước đón gần 100.000 lượt; Quảng Nam ước đón 97.000 lượt, tăng 42%; Quảng Ninh ước đón 89.767 lượt; TP. Hồ Chí Minh ước đón 75.000 lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023; Kiên Giang ước đón 44.370 lượt, tăng gấp 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2023; Lâm Đồng ước đón 20.000 lượt…

Nhờ các hoạt động du lịch đa dạng nên một số điểm đến đã thu hút đông lượng khách tham quan, vui chơi như Hà Nội, Tam Chúc (Hà Nam), Tràng An (Ninh Bình), Sapa (Lào Cai), Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), TP. Hồ Chí Minh… Số lượt khách tham quan, du lịch trong dịp Tết Nguyên đán 2024 tăng tại một số địa phương trọng điểm.

Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh ước đón và phục vụ 1,8 triệu lượt khách, tăng 5,9%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 6.550 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Quảng Ninh ước đón và phục vụ 803.570 lượt khách, tăng 56%. Hà Nội ước đón và phục vụ 653.000 lượt khách, tăng 21,6%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2.350 tỷ đồng, tăng 35,1%. Thanh Hóa ước đón và phục vụ 635.000 lượt khách, tăng 48,7%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 588 tỷ đồng, tăng 51,2%. Khánh Hòa ước đón và phục vụ 630.300 lượt khách, trong đó có 191.000 lượt khách có lưu trú, tăng 25,8%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 878 tỷ đồng. Bà Rịa - Vũng Tàu ước đón và phục vụ 592.650 lượt khách, tăng 36,0%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 409 tỷ đồng, tăng 12,7%.

Ninh Bình ước đón và phục vụ 580.000 lượt khách, tăng 46%. Tây Ninh ước đón và phục vụ 520.720 lượt khách, tăng 3,7%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 376 tỷ đồng, tăng 55%. Đà Nẵng ước đón và phục vụ 402.000 lượt khách, tăng 37%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 1.580 tỷ đồng. Quảng Nam ước đón và phục vụ 305.000 lượt khách, tăng 35%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 1.580 tỷ đồng. Kiên Giang ước đón và phục vụ 270.230 lượt khách, tăng 26,4%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 928 tỷ đồng; công suất phòng đạt 66,3%.

Bình Thuận ước đón và phục vụ 205.000 lượt khách, tăng 28%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 340 tỷ đồng, tăng 10%. Hà Giang ước đón và phục vụ hơn 141.200 lượt khách, tăng 64%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 350,1 tỷ đồng. Thừa Thiên Huế ước đón và phục vụ 102.000 lượt khách, tăng hơn 20%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 160 tỷ đồng.

Vận tải hành khách tăng trưởng mạnh

Để đáp ứng nhu cầu đi lại du lịch, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan, đơn vị liên quan, hoạt động vận tải trong cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã chủ động chuẩn bị, phối hợp tốt nên về cơ bản các bến xe, nhà ga, cảng, bến thủy nội địa trong cả nước đều đảm bảo thông suốt, thuận lợi. Trong đó, nổi bật nhất là sự vươn lên của vận tải hàng không và đường sắt.

van-tai-1708170405.jpg
Hàng không phục vụ gần 1,3 triệu lượt khách dịp Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình phục vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Sản lượng vận chuyển tổng thị trường hàng không trong 7 ngày Tết đạt gần 1,3 triệu lượt khách, tăng trưởng 9.6% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 633.000 lượt khách, tăng gần 49%, khách nội địa đạt hơn 628.000 lượt khách, giảm hơn 13%. Sản lượng hàng hóa đạt 7.540 nghìn tấn, tăng 6.7% so với cùng kỳ.

Ấn tượng không kém là vận tải đường sắt khi trong ngành đường sắt đã xuất ga 104 tàu khách thống nhất; 219 tàu khách địa phương, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm 2023, phục vụ gần 205.000 lượt khách, tăng 8.65% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, vận tải đường bộ dù không quá ấn tượng như đường sắt và hàng không nhưng cũng có những tăng trưởng đáng kể trong cao điểm Tết vừa qua.

Tại các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, vận tải khách liên tỉnh đều có sự tăng trưởng. Tại TP Hồ Chí Minh, lượng hành khách đi qua các bến xe đạt hơn 456.000 hành khách, so với cùng kỳ năm trước tăng bình quân 28%.

Tại Đà Nẵng, lượng hành khách đi qua các bến đạt gần 450.000 hành khách, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Còn tại Hải Phòng, lượng hành khách đi qua các bến hơn 17.000 hành khách, tăng bình quân khoảng 5%. Còn ở Cần Thơ, lượng hành khách đi qua các bến là hơn 50.000 hành khách, so với cùng kỳ năm trước tăng bình quân 18%.

Riêng TP Hà Nội do hành khách lựa chọn sử dụng xe ghép chuyến để đi về các tỉnh có cự ly gần khiến cho sản lượng vận tải khách giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tổng lượng hành khách đi qua các bến đạt vẫn đạt 106.000 hành khách, một con số cũng tương đối ấn tượng. Đặc biệt, dù sản lượng hành khách giảm nhưng số chuyến xe phục vụ lại tăng khoảng 5,3%, điều này cho thấy chất lượng dịch vụ cũng tăng đáng kể./.

Hương Lan