Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo: Người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn tại SCB

Trước thông tin tiêu cực trên mạng xã hội vào ngày 7/10/2022 về Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) dẫn đến hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn, Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra khuyến cáo.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khuyến cáo người dân không nên rút tiền trước hạn do lo ngại về những thông tin tiêu cực liên quan đến SCB.

Về việc này, NHNN khẳng định, sẽ theo dõi sát tình hình để ngân hàng hoạt động bình thường và có giải pháp, chính sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, giữ vững ổn định của SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.

NHNN khuyến cáo, người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền.

4545-10-4017-tien-14-rxnd-1665198060.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Trước đó, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 cách đây ít ngày, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết, mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ là điều hành các công cụ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ phục hồi kinh tế, đặc biệt ổn định các thị trường, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Thời gian qua, điều hành của NHNN cũng đã bám sát nhằm hướng tới mục tiêu này. Trong 8 tháng năm 2022, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành và đến tháng 9, lần điều chỉnh gần đây nhất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ, NHNN có tăng một số mức lãi suất trần tiền gửi cho các ngân hàng thương mại. Mục tiêu của việc này là bảo đảm nhiệm vụ đặt ra từ đầu là ưu tiên cho kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm duy trì lãi suất thực dương cho lãi suất tiền gửi để hài hòa lợi ích của các bên tham gia trên thị trường tiền tệ.

Đồng thời, theo Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn, việc này cũng tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục duy trì thu hút tiền gửi và có nguồn tài chính cho vay, hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Liên quan hoạt động của SCB, trong thời gian gần đây, nhà băng này liên tục ghi nhận xáo trộn trong danh sách nhân sự ban điều hành.

Cụ thể, ngày 12/8, SCB đã miễn nhiệm chức danh Quyền Tổng Giám đốc của ông Trương Hoàng Khánh và bổ nhiệm ông Diệp Bảo Châu làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách.

Tới ngày 30/8, ngân hàng này bổ nhiệm ông Trương Ngọc Lũy vào vị trí Phó Tổng Giám đốc.

Đến ngày 15/9, SCB tiếp tục có thay đổi khi miễn nhiệm bà Trần Thị Mỹ Dung khỏi vị trí Phó Tổng Giám đốc để giao nhiệm vụ mới theo phân công của HĐQT SCB. Cùng ngày, nhà băng cũng bổ nhiệm bà Nguyễn Kim Hằng làm Kế toán trưởng.

Cũng trong tháng 9, SCB còn liên tiếp bổ nhiệm thêm 3 Phó Tổng Giám đốc khác bao gồm ông Bùi Nhân, ông Hoàng Minh Hoàn và bà Đặng Thị Bảo Châu.

Mới nhất, SCB tiếp tục bổ nhiệm thêm một Phó Tổng Giám đốc là ông Đoàn Trung Kiên vào ngày 4/10. Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng, nhà băng này đã liên tiếp bổ nhiệm tới 7 thành viên trong ban điều hành, bao gồm 6 Phó Tổng Giám đốc và một Kế toán trưởng.

Thi Nguyên (t/h)