Nên hướng cho con học ngành, nghề gì?

Với quan điểm, học là để làm việc, thì ngành học tốt chính là ngành có thể giúp bạn thuận lợi tìm kiếm công việc, sau khi tốt nghiệp. Công việc tốt là công việc cần thiết cho xã hội và được trả lương cao. Hãy yêu thích công việc mình đang làm, rồi sẽ được làm công việc mình yêu thích.
hoc-nghe-co-rat-nhieu-loi-ich-nhung-khong-phai-ai-cung-biet-1-1634879279.jpg
Hãy tự phân tích trước khi chọn nghề

Nếu con cái xin một lời khuyên "Nên học ngành gì?", thì quý vị sẽ trả lời như thế nào? Hầu hết các phụ huynh, tham dự một hội thảo hướng nghiệp, đều trả lời:

1. Nên khuyến khích học ngành chúng đam mê.

2. Nên khuyến khích học ngành chúng có năng khiếu.

Hai tiêu chí lựa chọn này, mới nghe thì rất hay, nhưng ẩn chứa trong đó nhiều hệ lụy.

Học ngành chúng đam mê ư?

Đam mê là một khái niệm khá mơ hồ. Chúng sẽ đam mê một tuần, một tháng, một năm,... rồi chán, rồi bỏ, rồi đam mê những ngành khác; hay chúng sẽ đam mê suốt cuộc đời? Không ai biết trước được. Vì thế, mang một cái bất định, không chắc chắn như "đam mê" làm tiêu chí lựa chọn ngành nghề thì chẳng khác gì chúng ta đánh bạc với tương lai của con cái.

Học ngành chúng có năng khiếu ư?

Năng khiếu cũng mơ hồ không kém đam mê! Năng khiếu được phát hiện khi đứa trẻ giỏi hơn các bạn cùng trang lứa về một thứ gì đó. Và chúng ta, những người làm cha làm mẹ, vì yêu con, nên luôn có xu hướng khuếch đại thêm. Nhưng trong số trẻ hát hay hơn bạn bè, có bao nhiêu đứa sẽ trở thành ca sĩ; trong số trẻ vẽ đẹp hơn bạn bè, có bao nhiêu đứa sẽ trở thành họa sĩ? Khoảng cách từ "có một chút năng khiếu" cho tới “thực sự có tài năng” là rất lớn. Vì thế, lấy năng khiếu làm tiêu chí chọn ngành học cũng rất mạo hiểm.

Tôi quan niệm rằng, bé học để làm người, lớn học để làm việc. Vì vậy, chọn học gì, liên quan trực tiếp đến cơ hội nghề nghiệp sau này. Trước tiên, có ba môn, nhất định phải học thật tốt, vì nó cần thiết cho mọi công việc, mọi ngành nghề sau này. Đó là ngoại ngữ, tin học và rèn luyện thể chất, tinh thần.

Ngày nay, ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng, được coi là những kiến thức cơ bản. Giỏi ngoại ngữ, bạn dễ xin việc hơn. Giỏi ngoại ngữ, bạn có thể làm việc bên ngoài Việt Nam. Giỏi ngoại ngữ, bạn có thể tiếp xúc với các kiến thức khoa học công nghệ của thế giới, sớm hơn những người phải chờ bản dịch tiếng Việt. Giỏi ngoại ngữ, bạn có thể mở rộng quan hệ quốc tế. Giỏi ngoại ngữ là một lợi thế to lớn. Vì vậy, bằng mọi cách, bạn phải giỏi ngoại ngữ; nhà trường dạy không đủ thì phải học thêm bên ngoài.

Ngày nay, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra ở mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề. Từ dữ liệu, quy trình đến nghiệp vụ… của rất nhiều ngành nghề, đã được số hoá. Thiếu kiến thức và kỹ năng sử dụng công nghệ, bạn sẽ thực sự gặp khó khăn. Vì vậy, bằng mọi cách, bạn phải biết sử dụng máy tính.

Có một môn học không được các đại học Việt Nam coi trọng. Đó là môn thể dục. Đây là một thiếu sót lớn. Tôi rất thích cách đại học FPT đã làm: đưa môn Võ Việt Nam (Vovina) thành môn học chính thức. Vovina không chỉ rèn luyện các sinh viên về thể chất, mà cả về tinh thần. Một kỹ sư có kiến thức tốt, nhưng thể chất ốm yếu, tinh thần bạc nhược thì không thể làm việc tốt. Vì vậy, dù bạn làm việc trong bất cứ ngành gì, cũng nên coi trọng việc rèn luyện thể chất và tinh thần.

Khi chọn ngành học, cần chú ý những điều sau:

- Ngành học đang nóng chưa chắc là lựa chọn tốt. Ngành nóng sẽ thu hút nhiều người theo học. Cung sẽ lớn hơn cầu. Khó xin việc.

- Ngành học không hấp dẫn chưa chắc là lựa chọn tồi. Một CEO nổi tiếng của Ấn Độ từng đưa ra lời khuyên “boring is useful”, gần giống với thành ngữ “thuốc đắng giã tật” của Việt Nam. Học những ngành càng chán, sau này càng dễ xin việc. Con gái lớn của tôi học Luật. Cô bé nói: “Con hiểu tại sao luật sư ở Mỹ lương cao mà vẫn dễ kiếm việc: học luật vừa lâu, vừa khó, lại vừa chán”. Bài học là, ngành học càng chán, càng ít người học, sau này càng dễ xin việc.

- Ngành cũ đã ổn định, nhu cầu tuyển dụng thấp, khó xin việc.

- Ngành có tốc độ tăng trưởng thấp, nhu cầu tuyển dụng thấp, khó xin việc.

- Ngành mới, nhu cầu tuyển dụng cao, dễ xin việc.

- Ngành có tốc độ tăng trưởng cao, nhu cầu tuyển dụng cao, dễ xin việc. Ngoài ra, cơ hội thăng tiến, trong ngành có tốc độ tăng trưởng cao, là tốt nhất.

Với quan điểm, học là để làm việc, thì ngành học tốt chính là ngành, có thể giúp bạn thuận lợi tìm kiếm công việc, sau khi tốt nghiệp. Công việc tốt là công việc cần thiết cho xã hội và được trả lương cao. Hãy yêu thích công việc mình đang làm, rồi sẽ được làm công việc mình yêu thích.

Còn đam mê và năng khiếu thì sao?

Sau này ra trường, có công ăn việc làm tốt, tiền bạc dư giả, là lúc ta có điều kiện để bay bổng với đam mê và năng khiếu của mình. Đam mê và năng khiếu tuy không giúp ta kiếm tiền, nhưng nó giúp cuộc sống tinh thần của ta phong phú và lãng mạn hơn./.

PV (Tổng hợp)