Năm Quý Mão 2023: Vị thế mới, thành tựu mới

Theo quy luật của thời gian, năm Nhâm Dần đã trôi qua, xuân Quý Mão đang tràn về trong cảnh sắc thiên nhiên rực rỡ của muôn màn hoa lá và lòng người cũng ngập tràn niềm tin và hy vọng.

Năm 2022, có thể nói là một năm “đặc biệt” vì chiến tranh, bệnh tật, thiên tai khắc nghiệt diễn ra trên thế giới quá nhanh, quá bất thường. Xung đột Nga - Ukraine ngày càng khốc liệt, kéo dài. Lạm phát thế giới tăng cao. Hậu quả của đại dịch Covid-19 đã làm giảm tăng trưởng toàn cầu. Lạm phát đã kéo theo giá xăng dầu, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng biến động. Những thay đổi bất thường, nhanh chóng đó đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của 100 triệu dân, doanh nghiệp và các ngành kinh tế, dịch vụ, văn hóa, du lịch ở nước ta.

Tuy nhiên, nhờ có các quyết sách lớn đúng đắn, sáng tạo và kịp thời của Đảng, Chính phủ, của đội ngũ doanh nhân, sự đồng thuận của nhân dân và sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng quốc tế nên kinh tế - xã hội của Việt Nam vẫn đứng vững và có phần phát triển so với dự kiến đầu năm, cả nước đã đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch lớn. Theo đánh giá và báo cáo của nhiều tổ chức Quốc tế thì Việt Nam có mức tăng trưởng GDP thuộc nhóm nước cao tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dự báo năm 2022 tăng 7,2% và năm 2023 là 6,7%.

phao-hoa-1674428640.jpg
Ảnh minh họa.

Ngoài những thành tựu chung, to lớn đã đạt được ở tầm vĩ mô với góc nhìn của một Tạp chí chuyên ngành, chuyên biệt về “tam nông”, chúng ta vui mừng khẳng định: Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) vẫn tiếp tục đạt được những kết quả rất đáng tự hào.

Đến nay, cả nước đã có 5.854/8.255 xã, chiếm 71,2%; 255/664 đơn vị cấp huyện, chiếm 39,6% và 18 tỉnh có 100% xã đạt chuẩn NTM. Theo NQ25/2021/QH15 của Quốc hội đã phê duyệt cho Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 là hơn 196.000 tỷ đồng. Nghị quyết chỉ rõ: Đến năm 2025 cả nước phấn đấu có 80% số xã đạt tiêu chuẩn NTM. Tiếp tục xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Được sự quan tâm và đầu tư nguồn lực to lớn, chắc chắn sẽ làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện bộ mặt nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại.

Đi đôi với phong trào xây dựng NTM, xu hướng chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bước đầu đã được hình thành với sự xuất hiện của nhiều mô hình, điển hình trong ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mua bán sản phẩm nông lâm nghiệp. Đây là một tín hiệu đáng mừng, minh chứng nông dân đang ngày được “tri thức hóa”, thị trường nông thôn kể cả ở vùng sâu, vùng xa đang kết nối với internet, với sàn giao dịch nông sản hàng hóa toàn quốc và toàn cầu. Nhờ đó, năm 2022 mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, nhưng GDP vẫn ước đạt 8% (mục tiêu đề ra là 6-6,5%), riêng nông nghiệp đạt 2,99% - 9 tháng đầu năm đã xuất 5,4 triệu tấn gạo, xuất khẩu nông sản đạt 40,8 tỷ USD.

cong-a-1674428741.jpg
Năm Quý Mão 2023 mở ra những cơ hội để đất nước sẽ có những thành tựu mới, vị thế mới. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, Quốc hội và Chính phủ đang đầu tư nguồn lực và huy động, khai thác trí tuệ của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, của toàn dân tập trung nghiên cứu, thảo luận, bổ sung hoàn thiện Luật đất đai (Sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua. Đây là bộ luật cực kỳ quan trọng, khi được thi hành nó có tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội nhất là đối với nông dân, nông nghiệp và nông thôn. Luật đất đai (sửa đổi) sẽ giúp cho nhà quản lý và người sử dụng đất đai đúng đối tượng, đúng mục đích và phát huy tối đa hiệu quả của nguồn lực cực kỳ to lớn đó trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông lâm nghiệp.

Những thành tựu đạt được trong năm 2022, bước sang năm 2023, với vị thế mới vững chắc của đất nước và những bài học kinh nghiệm quý báu được đúc kết ở tầm vĩ mô, chúng ta tin tưởng sự điều hành linh hoạt nhưng kiên quyết và hiệu quả, Chính phủ sẽ ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế, củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các đột phá chiến lược. Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, tinh giảm biên chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biển đối khí hậu. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Là một nền kinh tế năng động có độ mở lớn và là điểm đến của nhiều tập đoàn đa quốc gia. Việt Nam đã ký kết và thực thi 60 hiệp định khuyến khích bảo vệ và thực thi 15 hiệp định Thương mại tự do, trong đó có các Hiệp định thế hệ mới và tiêu chuẩn cao như: CPTPP, EVFTA, RCEP.W... Hiện tại, Việt Nam đang tạo điều kiện và mong muốn thu hút các Dự án FDI với công nghệ cao, nhằm thúc đẩy nhanh, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển tạo tiền đề, điều kiện cho doanh nghiệp nước ta tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Triển khai mạnh mẽ, quyết liệt những quyết sách, định hướng trên đây, hy vọng năm 2023, năm có nhiều vị thế mới, niềm tin mới, đất nước ta, nhân dân ta sẽ gặt hái được nhiều thành tựu mới, thành công mới hơn nữa.

Lê Hữu Quế