Mức tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tại Việt Nam thấp hơn so với khu vực

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện bình quân tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi (người/năm) của Việt Nam đạt khoảng 55-57kg thịt hơi các loại, khoảng 130 đến 135 quả trứng và khoảng 13-5 kg sữa tươi. Mức tiêu thụ này đạt thấp so với khu vực, như mức tiêu thụ thịt chỉ bằng 84% Hàn Quốc, trứng bằng 50% Nhật Bản, sữa bằng 40% trung bình châu Á.

Cụ thể, theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn -NN&PTNT) cho biết, đến tháng 8/2022, tổng đàn lợn trên cả nước khoảng 28,7 triệu con, sản lượng thịt lợn hơi cả nước trong 8 tháng đầu năm ước đạt khoảng 2,94 triệu tấn. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2022, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 350 nghìn tấn/tháng.

Trong khi đó, đàn gia cầm đạt khoảng 530 triệu con, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1,35 triệu tấn, sản lượng trứng gần 12,3 tỷ quả. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2022, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt trên 160.000 tấn/tháng và sản lượng trứng ước khoảng 1,53 tỷ quả/tháng.

Đối với chăn nuôi gia súc ăn cỏ, nhìn chung có sự phát triển ổn định. Theo thống kê, đến nay đàn bò ước đạt gần 6,42 triệu con, trong đó đàn bò sữa trên 339 nghìn con. Sản lượng thịt bò hơi ước đạt 324 nghìn tấn, sản lượng sữa bò tươi ước đạt gần 786 nghìn tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Đàn trâu cả nước có khoảng 2,26 triệu con, sản lượng thịt ước đạt 85,3 nghìn tấn.

Được biết, cơ cấu thịt heo, thịt gia cầm và thịt gia súc ăn cỏ đang có xu hướng thay đổi trong giỏ thực phẩm của người dân, xu hướng tiêu dùng các sản phẩm chế biến có xu hướng tăng. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn tới sức khỏe, tiêu dùng các loại sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, có lợi cho sức khỏe. Đây cũng là xu hướng tiêu dùng hiện tại ở các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...

chan-nuoi-lon-1664090501.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, kế hoạch năm 2022, ngành chăn nuôi sẽ tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi khoảng 5 - 6% so với năm 2021 với sản lượng thịt các loại ước đạt 6,98 triệu tấn. Trong đó thịt lợn đạt trên 4,3 triệu tấn, thịt gia cầm đạt trên 2 triệu tấn, sản lượng trứng ước đạt trên 18,4 tỷ quả (tăng 4,6%), sản lượng sữa khoảng trên 1,16 triệu tấn (tăng 8,3%).

Trong năm 2023, ngành chăn nuôi tiếp tục tăng giá trị sản xuất từ 5,5 - 6,0% so với năm 2022. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7 - 7,5 triệu tấn, sản lượng trứng các loại khoảng 19,1 tỷ quả và 1,25 triệu tấn sữa, 60.000 tấn mật ong. Giai đoạn 2015 - 2020, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước tương đối ổn định, thậm chí có thời điểm giảm. Tuy nhiên từ tháng 10/2020 đến nay giá bắt đầu tăng và tăng liên tục. Trong đó giá ngô, giá khô dầu đậu tương tăng cao nhất, ông Chinh cho biết thêm.

Tháng 3/2022 là thời điểm giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao nhất khi giá ngô và bã ngô tăng 80 - 95% so với thời điểm chưa tăng giá (năm 2019); khô dầu đậu tương tăng khoảng 71%, thức ăn bổ sung tăng 46 - 50%. Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng 33 - 40%.

Thời gian này, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm dần. Cụ thể, thời điểm tháng 8/2022 giá ngô giảm 20,6%, khô dầu đỗ tương giảm 16,0%, cám gạo chiết ly giảm 20,3% so với tháng 3/2022, (tuy nhiên mức giá này vẫn cao hơn so với tháng 8/2021). Giá thức ăn thành phẩm tháng 8 chưa giảm nhiều do doanh nghiệp vẫn đang sử dụng giá nguyên liệu cao được nhập ở các tháng trước đó.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ, 8 tháng đầu năm 2022, ngành chăn nuôi đối diện nhiều khó khăn khi giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao như xăng, dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh Covi-19 diễn biến phức tạp cũng gây nhiều trở ngại. Một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi vẫn diễn ra tại một số địa phương ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và kế hoạch đảm bảo tăng trưởng ngành chăn nuôi.

Dù vậy, ngành chăn nuôi vẫn được duy trì, phát triển. Theo đó, sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục đạt được kết quả khả quan, xuất khẩu tăng mạnh với thặng dư thương mại 8 tháng tăng 94,6% so với cùng kỳ năm 2021.

“Ngành chăn nuôi cần phải thực hiện các biện pháp để đảm an toàn dịch bệnh. Đặc biệt chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Cùng với đó, ngành cũng cần tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và thực hiện tốt các đề án...”, Thứ trưởng Tiến cho biết thêm.

Thi Nguyên (t/h)