Một rào cản với dòng vốn ngoại

Số doanh nghiệp Việt Nam để nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào không nhiều, có thể chỉ 30-40 doanh nghiệp dù thị trường chứng khoán có cả trăm công ty.
hose-241-1698809656.jpg

Tại tọa đàm về động lực phát triển thị trường, các chuyên gia đã nhìn nhận những mặt được và chưa được đang tồn tại cần sự vào cuộc để nâng cao sức hút đầu tư trên thị trường.

Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia chứng khoán chỉ ra, qua 23 năm đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, giai đoạn đầu những quy định, luật chưa nhiều, còn phải chạy theo xu hướng của thị trường. Những năm gần đây, các chính sách bắt đầu linh hoạt hơn, mang lại những hiệu quả tốt hơn. Ví dụ, câu chuyện tin đồn hiện được hạn chế hoặc một số chính sách vĩ mô hơn, như về tỷ giá.

“Tỷ giá của VND với các đồng ngoại tệ khác, đặc biệt là USD trong những năm gần đây là ổn định. Các doanh nghiệp hay than phiền về lãi suất nhưng tỷ giá thì hiếm có đơn vị lên tiếng. Thậm chí, năm 2022, nếu chúng ta giữ VND, nhà đầu tư có thể thu lợi gấp đôi, bởi lãi suất cao nhất trong nhiều năm. Chưa kể, VND nếu so sánh với bảng Anh, EUR, JPY thì nhà đầu tư có thêm một đoạn lợi nhuận. Tỷ giá so với USD, năm ngoái và những năm gần đây vẫn giữ ổn định”, ông Khánh nêu.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng những vấn đề mang tính chất kỹ thuật đôi khi chúng ta hành động chưa nhanh. Như khoảng 1,2 năm trước có một giai đoạn khoảng gần cuối giờ mọi người đặt lệnh không được do kẹt lệnh, do hệ thống giao dịch không kịp với sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Hoặc hệ thống KRX dự kiến triển khai cuối năm nay cũng là một kế hoạch nhiều năm nhưng đến gần đây mới thực hiện được.

Một điểm nữa, giống như giai đoạn năm 2003-2005, thị trường vẫn là T+4, sau đó khoảng 10 năm sau mới thành T+3 và sau đó là T+2,5, T+2.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán phái sinh đã được nhắc tới vào năm 2005, nhưng tới năm 2017-2018 thị trường phái sinh mới bắt đầu có. Đến bây giờ cũng chỉ có 2 sản phẩm là trái phiếu Chính phủ và chỉ số Index chưa bổ sung thêm sản phẩm mới, quyền chọn, hoặc bổ sung thêm.

Vị này mong rằng có thêm sản phẩm từ thị trường cơ sở cho đến thị trường phái sinh để nhà đầu tư linh hoạt hơn. Cần làm cơ sở hạ tầng, nền tảng giúp thị trường phát triển thêm, tạo điều kiện đầu tư suôn sẻ trong tương lai.

Còn ông Đinh Đức Minh, Giám đốc Đầu tư, Công ty CP Quản lý Quỹ VinaCapital cho rằng, ngoài tính minh bạch thị trường, xử lý tin đồn thất thiệt trên thị trường, nỗ lực nâng hạng thị trường, cơ quan quản lý Nhà nước, Ủy ban chứng khoán, thậm chí về phía doanh nghiệp niêm yết cần phải có giải pháp nâng cao chất lượng về quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp niêm yết để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của nhà đầu tư.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán SSI nêu kiến nghị liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài - đối tượng mà ông tiếp xúc nhiều.

Theo đó, chuyên gia này đánh giá, số doanh nghiệp Việt để nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào không nhiều, có thể chỉ 30-40 doanh nghiệp dù thị trường chứng khoán có cả trăm công ty.

“Đầu tư được ở đây là doanh nghiệp quản trị tốt, minh bạch, công bố thông tin tốt, quy mô doanh nghiệp, cơ cấu cổ đông tốt… Và con số này không nhiều, nếu có thì cũng hết room", ông Đức nêu.

Nên chuyên gia SSI cho rằng, cần tạo thêm nhóm công ty có chất lượng quản trị tốt hơn, thay vì có 30-40 công ty có thể nâng lên thành 60-70 công ty và đặt ra tiêu chuẩn cao hơn với thị trường, tiêu chuẩn lớn hơn về quản trị doanh nghiệp như ESG hay chế tài quản trị tốt hơn. Khi đó mới khôi phục, củng cố niềm tin của nhà đầu tư và có thể đến với nhà đầu tư tổ chức rồi đến với nhà đầu tư cá nhân.

Ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia, bà Phạm Thị Thùy Linh, Vụ phó Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, bản thân bà tin tưởng vào chủ trương của Chính phủ trong việc làm sao để TTCK trở thành kênh huy động vốn phát triển một cách ổn định và bền vững và là kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế.

Đối với những kiến nghị về vấn đề quản trị công ty, bà Linh rất đồng tình bởi không chỉ để chúng ta thu hút những luồng vốn đầu tư từ nước ngoài mà đó cũng là quyền lợi cho chính bản thân doanh nghiệp niêm yết. Đấy cũng là một trong những mục tiêu của ngành, phải nâng cao chất lượng quản trị công ty cũng như công bố thông tin cho công chúng đầu tư có thể tìm kiếm và hiểu rõ về doanh nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường.

Nói về các biện pháp hỗ trợ thị trường, bà Linh cho rằng cần phải nhìn từ góc độ của các thành viên tham gia thị trường và nhà đầu tư. Cơ quan quản lý giám sát có nhiệm vụ làm sao để đảm bảo cho TTCK hoạt động an toàn, thông suốt, là kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp thông qua kênh tín dụng của hệ thống ngân hàng.

Huyền Châm