Malaysia thúc đẩy nông nghiệp thông minh

Chính phủ Malaysia đã thông qua Sáng kiến tăng trưởng cao, giá trị cao (HGHV) trong lĩnh vực nông nghiệp, như một nỗ lực của chính phủ nước này nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
kinhtemalaysia1202-15974437881631518468864-1636996289-1695178186.jpg

Sáng kiến được thông qua tại kỳ họp đánh giá giữa kỳ đối với việc thực hiện Kế hoạch Malaysia lần thứ 12. Đây là một trong những nỗ lực của chính phủ nước này nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp thuộc Bộ Kinh tế Malaysia, bà Datin Zaeidah Mohamed Esa cho biết, một số chương trình sẽ được triển khai theo sáng kiến nói trên, bao gồm phát triển nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, ít phát thải carbon, cũng như tăng cường sự tham gia của giới trẻ thông qua Sáng kiến khởi nghiệp nông nghiệp (INTAN).

Bà Zaeidah chia sẻ: "Mục tiêu của chúng tôi là mở rộng 809,3 ha diện tích trồng mới, sử dụng đất nhàn rỗi để tăng năng suất cây trồng cũng như thu nhập của người nông dân. Chúng tôi cũng hướng tới mục tiêu sản xuất nông nghiệp ít phát thải carbon theo định hướng của Kế hoạch Malaysia lần thứ 13". Sau 6 tháng triển khai, đã có tổng cộng 12 dự án với 323,7 ha đất đã được phê duyệt thông qua INTAN.

Theo bà Zaeidah, các dự án nói trên sẽ tập trung vào phát triển các cây nông nghiệp mà Malaysia có thể trồng trọt, song lại đang phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Bà Zaeidah dẫn số liệu năm 2021 cho thấy Malaysia nhập khẩu ở mức 63,6 tỷ RM (tương đương khoảng 13,5 tỷ USD) và con số này đã tăng lên 75,6 tỷ RM vào năm 2022. Điều này cho thấy, nhu cầu của người dân đối với các sản phẩm nông nghiệp đang ngày càng tăng. Nếu vấn đề này không được giải quyết, an ninh lương thực của đất nước sẽ không được đảm bảo. Quan chức này nhấn mạnh thông qua HGHV, Malaysia đặt mục tiêu tăng cường khả năng tự sản xuất, tiếp cận, tiêu dùng và tính bền vững của ngành nông nghiệp.

Người đứng đầu Bộ phận Hệ sinh thái Công nghệ thiết bị bay không người lái và Nông nghiệp kỹ thuật số thuộc Tập đoàn Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia (MDEC), ông Navin Sinnathamby khẳng định, Malaysia đang có vị thế tốt để triển khai nền nông nghiệp hiện đại. Dự kiến tính đến tháng 12 năm nay, Malaysia sẽ triển khai được tổng cộng 69 dự án nông nghiệp thông minh dựa trên công nghệ số như tự động hóa, cơ giới hóa và số hóa.

Trước đó, nhờ ứng dụng các công nghệ thông minh như Internet vạn vật và dữ liệu lớn Big Data, năng suất tại các trang trại sầu riêng tại Malaysia đã được cải thiện đáng kể. Nhiều nông dân đã mạnh dạn ứng dụng các công nghệ mới vào canh tác. Trong những năm qua, xuất khẩu sầu riêng của Malaysia đã tăng gấp đôi. Năm 2021, xuất khẩu mặt hàng này đã đem về cho nước này khoảng 35 triệu USD. Để phát triển và khai thác tiềm năng của cây sầu riêng, Chính phủ Malaysia đã cam kết sẽ trợ cấp đất canh tác cho người sản xuất để áp dụng công nghệ mới và các khóa học để hướng dẫn nông dân về kỹ thuật sản xuất mới./.