Lương y Nguyễn Đức Nam với phương pháp điều trị đặc biệt: Liệu pháp dẫn nhiệt đẫy thuốc

- Con ơi.

Sinh thời, có lần sau khi từ phòng khám của Lương y Nguyễn Đức Nam về, Cha tôi – Nhà Ngôn ngữ học Nguyễn Tri Niên, gọi tôi vào nói chuyện. Dạo 2019, khi đó Cha tôi 89 tuổi bị gẫy cổ xương đùi, được Lương y bó cho chỉ một liều mà đứng dậy đi được, từ đó hôm thì ông xuống chơi, hôm thì xuống để Lương y chăm sóc sức khỏe. "Thầy ơi, hôm nay thầy xuống con chơi nhé", Lương y gọi cho Cha tôi. Có lúc lại nghe ông than "Nhớ thầy Nam quá!".

- Dạ con nghe. Tôi thưa.

- Thầy Nam không chỉ chữa gãy xương giỏi đâu con ạ. Thầy còn chữa cho rất nhiều người bị tai biến hồi phục về bình thường đó con.

Hóa ra những lần xuống đó, trong lúc ngồi bên bàn trà đàm đạo với Lương y, ông còn trò chuyện với nhiều người và biết thêm nhiều những ca bệnh thật khó.

Nguyễn Đức Nam quê gốc Bình Định. Là con trai của Đại tá Quân đội Nguyễn Sai – Nguyên Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 820 đặc công nước. Có lẽ vì thế nên anh thừa hưởng gen thông minh và đức tính mạnh mẽ của người cha. Nguyễn Đức Nam kể với tôi, dạo ngoài 30 tuổi, trong một lần đi công tác sang Campuchia, anh tình cờ vào chơi nhà một thầy thuốc nổi tiếng ở Campomcham. Ông Thầy này hiệu là Ba Thanh, là đời thứ 5 gia truyền của nghề thờ tổ thuốc ĐẠI Y QUANG. Được học truyền từ y tổ y sư truyền nghề là Cụ Viễn Thước Linh Đan - Thái Thượng Lão Quân. Quan sát thấy vừa đông vừa có vẻ lạ, trong lúc trà dư tửu hậu đang độ tâm đắc, sẵn cái máu phiêu lưu từ người cha truyền lại, anh bèn ngỏ lời xin theo học nghề. Vốn quý anh ngay từ phút đầu gặp, ông Thầy Ba Thanh bèn thử một vài khả năng và phản xạ quan trọng. Quả là hữu xạ tự nhiên hương, anh là người duy nhất ngoài dòng họ được truyền nghề.

duc-nam-2-1647351554.jpg
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (trái) dìu nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (giữa) từ nhà Lương y trở về trong lần đầu đến điều trị.

***

- Ô, chào em. Sao em xuống đây?

Đến lượt tôi tình cờ gặp cậu em rể họ tại phòng khám của Lương y.

- Ơ chị. Em xuống chữa thoát vị đĩa đệm chị ạ.

Lại nhớ Nhà thơ Võ Thi Nhung chính là người giới thiệu để bó gẫy xương cho Cha tôi. Thi Nhung bị thoát vị đĩa đệm nặng và đã chữa ở đây từ lâu, giờ rất ổn định. Nhà Thơ mừng lắm.

Tình cờ gặp nhau, chị em trò chuyện ríu rít. Tôi mới biết Cha em là Nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng bị tai biến nhiều năm nay, nằm một chỗ, đã từng cấp cứu tai biến lần thứ hai và điều trị 6 tháng tại Bệnh viện Bạch Mai. Khi đến đây phải ngồi xe lăn và mọi sinh hoạt đều phải nhờ sự giúp đỡ của người nhà. Vậy mà giờ chính mắt tôi trông thấy ông đã chống gậy đi lại được.

Tiếng lành đồn xa. Rất nhiều ca bệnh nhân nặng sau tai biến, đột quỵ, ca gãy xương khó, thoát vị đĩa đệm,… đã đến gặp thầy Nam. Có những ca ở trong nam, xa xôi, người nhà bệnh nhân mua vé máy bay để đón anh vào chữa bệnh.

Phàm cái gì là tốt, là thật, là tâm đức thì chắc chắn sẽ được mọi người biết đến. Tháng 9 năm 2019, Lương y Nguyễn Đức Nam là một trong hai thầy thuốc đại diện cho Việt Nam được chọn đi tham dự và trình diễn kỹ thuật điều trị tại “Hội nghị Y học cổ truyền, Y học dân gian các nước lưu vực sông Mekong mở rộng lần thứ 9”. Tại đây mỗi nước chỉ được chọn và cử hai môn chữa bệnh đặc thù dân gian theo phương pháp YHCT có hiệu quả cao, được nhiều người công nhận để trình diễn. Giữa một rừng những phương pháp chữa bệnh bằng YHCT ở Việt Nam, chỉ có hai môn được chọn lên báo cáo, trong đó có môn của Lương y Nguyễn Đức Nam. Anh đã giới thiệu và trình diễn “Kỹ thuật bó gãy xương và đẩy thuốc bằng nhiệt chữa bệnh xương khớp”, được các thầy thuốc trong nước và quốc tế đánh giá cao, cổ vũ và hoan nghênh nhiệt liệt.

duc-nam-1647351605.jpg
Lương y Nguyễn Đức Nam tham dự “Hội nghị Y học cổ truyền, Y học dân gian các nước lưu vực sông Mekong mở rộng lần thứ 9”.

Phương pháp chữa bệnh của Nguyễn Đức Nam rất đặc biệt. Đó là phương pháp dùng nhiệt để dẫn nhiệt đẩy thuốc. Với phương pháp này, anh đã rất thành công với những bệnh liên quan đến hệ thần kinh, xương khớp. Đặc biệt những bệnh nặng, khó chữa như bệnh nhân di chứng sau tai biến, đột quỵ, bệnh nhân bị bệnh xương khớp thoái hoá, thoát vị đĩa đệm, viêm đa khớp….

Sinh thời, Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bị tắc nghẽn trầm trọng, tai biến toàn thân, cấp cứu ở Bạch Mai rồi sau về đây, thầy Nam thực hiện phương pháp dẫn nhiệt đẩy thuốc. Chỉ 20 ngày sau ông đã chống gậy đi lại được và nói chuyện với nhiều người.

Trong những lần đưa Cha tôi xuống, tôi chứng kiến ngay gần phòng khám của Lương y, có ông cụ Diễn 85 tuổi, bị tai biến do phình mạch máu bán cầu não phải, liệt toàn thân. Sau cấp cứu phục hồi ở viện 103 thì về đây điều trị. Đúng một tháng 29 ngày sau cụ đi lại được, sau ba tháng thì hoàn thiện không để lại di chứng gì dù trước đó hai người con trai phải cõng sang điều trị hàng ngày. Lại có cụ bị tai biến, bệnh viện Việt Xô trả về. Cụ không nói được, liệt toàn thân. Vậy mà về đây điều trị sau bốn tháng thì cụ khỏe, đi lại được không phải dùng nạng, nhưng ngoạn mục hơn nữa là cụ còn ngồi đánh cờ hàng ngày, mặc dù trước đó gia đình đã chuẩn bị hậu sự. Hiện nay cụ 86 tuổi vẫn khỏe mạnh. Không chỉ bệnh nhân ở gần, ở quanh Hà Nội, mà còn rất nhiều người ở các tỉnh cũng tìm về. Có bệnh nhân ở Thái Bình, 65 tuổi bị tai biến kéo dài bảy năm rồi, vậy mà sau điều trị hai tháng đã ngồi nói chuyện và tập đi được. Đến cả các bệnh nhân Tây “mắt xanh” người Pháp, Nauy, Hà Lan,… cũng tìm đến thầy Nam. Rất thú vị là có hai nhà tạo mẫu người Pháp và Hà Lan sau khi điều trị thoát vị đĩa đệm khỏi và ổn định đã may áo vải đũi để tặng cho Lương y. Uy tín của Thầy Nam đến cả Đại tá, GS.TS, Thầy thuốc Nhân dân Vũ Hùng Liên (nguyên Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Thần kinh Bệnh viện Quân y 103) cũng tìm gặp. Khi bị tai biến đột quỵ liệt nửa người, nghe có người giới thiệu, ông đến và đã đồng ý với phương pháp điều trị này. Ông chữa được 8 tháng thì chống gậy đi lại, nói chuyện được và rồi ông còn xem cả phim cho một số bệnh nhân đến đây khám nữa. Năm đó Giáo sư gần nghỉ hưu. Cảm kích trước tài chữa bệnh của thầy Nam, Đại tá có một cuốn sách nổi tiếng về chữa bệnh đau đầu do một Giáo sư người Mỹ viết năm 1964 tặng ông, ông đem tặng lại cho Nguyễn Đức Nam.

Cha tôi kể có ông Tổng Giám mục, bắt đầu từ bị tiểu đường dẫn đến suy thận rồi ảnh hưởng đến tim mạch và huyết áp. Ông bị tai biến, đến đây điều trị và đã đi lại ổn định được. Tổng Giám mục quý và khâm phục Nguyễn Đức Nam lắm.

Có rất nhiều trường hợp cảm động. Như Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, tại chương trình CẤT CÁNH 21h 18/7/2020 VTV1 đã bày tỏ lòng biết ơn với thầy Nam vì đã bó xương sườn bị gãy cho ông và chỉ sau ba ngày là liền. Hay như cậu diễn viên trẻ đẹp trai Quang Anh (vai Bảo trong phim “Về nhà đi con”,…) phải thốt lên “Con cảm ơn chú nhiều lắm ạ! Thực sự là con không có duyên gặp chú sớm hơn, mà để hẳn sau 5 ngày bị ngã mới được gặp chú”. Chuyện về các bệnh nhân của Thầy Nam thì nhiều lắm và cũng ly kỳ. Kể mãi không hết được.

duc-nam-1-1647351539.jpg
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ sau khi được chữa khỏi tại phòng khám của Lương y Nguyễn Đức Nam.

Tôi nhớ Hippocrates có một câu nói nổi tiếng về nghề Y: “Cuộc đời quá ngắn, mà nghề thì quá dài để học”. Dường như Nguyễn Đức Nam rất ham học. Mặc dù đã là một lương y nổi tiếng, vậy mà khi biết tôi là Dược sĩ, anh bảo luôn: “Chị, chị có tài liệu nào hay về Bào chế Đông dược chị cho em đọc với nhé”. Anh kể,

Hồi mới vào nghề em thức hàng đêm để nghiền ngẫm chị ạ, mà bây giờ, gặp những ca khó cũng thế, cứ gọi là trằn trọc thâu đêm. Mà cái nghề này, chị bảo gần như ca nào cũng có cái khó của nó, em toàn đùa là “tuyền ca ung thư”. Nói rồi anh cười hiền.

Dạo đầu mới biết Lương y, tôi có hỏi về giờ làm việc tại phòng khám, anh bảo: “Em chỉ điều trị ở phòng khám vào buổi sáng thôi chị ạ”. Tôi hơi ớ người ra ngạc nhiên, rồi cũng hỏi: “Thế buổi chiều em không khám à?”.

Không chị ạ. Thầy Nam cho hay. Thường buổi chiều em đến với những bệnh nhân mà họ không thể tự đi được.

Lúc đó tôi mới hiểu, thảo nào khi nhận được tin Cha tôi bị gẫy cổ xương đùi, anh vội vàng nói: “Chị, chị để yên ông ở đó, không di chuyển, em sẽ lên ngay”. Trời, chỉ một tình tiết như vậy đã thấy Lương y thật quan tâm, để ý, lo lắng cho người bệnh như thế nào. Có thể thấy cái đức trong việc điều trị của anh thật sâu sắc và tinh tế. Tôi bỗng liên tưởng đến tên anh, và thầm nghĩ không biết ngày xưa khi đặt tên, Cha Mẹ anh có cân nhắc để chọn chữ “Đức” trong đó hay không.

Tên anh là Nguyễn Đức Nam. Lương y Nguyễn Đức Nam.

Hà Nội, 27/2/2022.

Nguyễn Phương Anh