Lào Cai: Tìm giải pháp tiêu thụ cây dược liệu cát cánh của nông dân Si Ma Cai

Trước thông tin tại 2 huyện vùng cao Bắc Hà và Si Ma Cai đang xảy ra một nghịch lý, cùng trồng cây dược liệu Cát cánh như nhau nhưng nông dân Bắc Hà tiêu thụ được, còn nông dân Si Ma Cai thì gặp khó khăn về đầu ra. Cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã chủ động vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân.
l-1679197916.jpg
Cây cát cánh trồng trên vùng đất Si Ma Cai phát triển tốt. Ảnh LCĐT

Theo số liệu thống kê báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, diện tích cây Cát cánh toàn huyện Si Ma Cai đạt 36,92ha, trong đó có 33ha trồng năm 2022 tại các xã (Lùng Thẩn, Cán Cấu, Quan Hồ Thẩn, Nàn Sán, Thào Chư Phìn, Nàn Sín). Đến thời kỳ thu hoạch, sản lượng dự kiến đạt 200 tấn củ tươi.

Đến nay, số lượng cát cánh của huyện đã bán được 21 tấn, cụ thể: Hợp tác xã sản xuất dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên thu mua 6 tấn; Công ty Tâm Phát Green thu mua 15 tấn. Thời gian tới, các Công ty, HTX sẽ tiếp tục thu mua cho người dân. Hiện nay, phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đang tiếp tục kêu gọi, kết nối các doanh nghiệp, HTX để thu mua, tiêu thụ hết sản phẩm cho nông dân.

Cũng theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, ngay sau khi có hiện tượng người dân trồng tự phát, không ký kết hợp đồng tiêu thụ, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã có văn bản gửi UBND các xã và tổ chức họp dân nhằm khuyến cáo những rủi ro.

Trong năm 2022, UBND huyện Si Ma Cai đã liên hệ với Công ty TNHH Lovefarm tham gia liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân. Theo đó Công ty hợp đồng liên kết với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện về bao tiêu sản phẩm cho nông dân, thời gian hợp đồng là 10 năm kể từ ngày ký. Bên Công ty cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho các hộ tham gia trồng, sau thu hoạch sẽ khấu trừ vào sản phẩm; Về đơn giá thu mua được xác định theo giá trị trường tại thời điểm thu hoạch (Cộng trừ 10% so với giá trị trường tại thời điểm đó).

Tuy nhiên, khi triển khai hầu hết các hộ gia đình không nhất trí tham gia ký kết hợp đồng với Công ty Lovefarm, với lý do thời gian hợp đồng dài (10 năm) khi muốn chuyển sang cây trồng khác sẽ vi phạm hợp đồng; mặt khác đất không liền khu, liền khoảnh, đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên khó khăn thực hiện điều khoản trong hợp đồng.

Trước khó khăn về đầu ra cho cây dược liệu Cát cánh tại huyện Si Ma Cai, Sở Nông nghiệp và PTNT đang chỉ đạo phòng chuyên môn đồng thời phối hợp với địa phương triển khai xây dựng kế hoạch sản xuất, phát triển ổn định vùng nguyên liệu trên cơ sở ký hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp, HTX để tiêu thụ sản phẩm; đồng thời tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân tham gia liên kết với các Công ty thu mua dược liệu; đồng thời làm việc với Công ty Lovefarm để thảo luận các giải pháp, tháo gỡ các băn khoăn của nông dân trong việc liên kết sản xuất cây dược liệu.

Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên ngành, trên địa bàn huyện Bắc Hà có 62 ha cây dược liệu Cát cánh, được trồng tại các xã: Tả Van Chư, Lùng Phình, Bản Phố, Tả Củ Tỷ, Hoàng Thu Phố, Lùng Cải của huyện. Sản lượng tươi đạt 480 tấn. Toàn bộ diện tích cát cánh được trồng theo Hợp đồng kinh tế đã ký kết giữa Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà với các công ty, gồm: Công ty TNHH Nam Dược, Công ty TNHH MTV dược liệu xanh Nam Hà, Công ty Cổ phần ANVY, Công ty TNHH Thuốc nam Nguyễn Kiều... Đến thời vụ thu hoạch, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bắc Hà phối hợp với HTX nông nghiệp Cờ Cải thu mua toàn bộ sản phẩm củ cát cánh tươi cho bà con để tiến hành sơ chế, sấy khô và xuất bán cho các Công ty dược theo hợp đồng đã ký kết. Vì vậy, toàn bộ sản phẩm cát cánh của bà con đều được các Công ty, HTX bao tiêu theo hợp đồng./.

Lê Hùng