Lào Cai: Lương Sơn bứt phá nhờ trồng chè công nghệ cao và theo tiêu chuẩn hữu cơ

Thời gian qua, cây chè đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xoá đói nghèo tiến tới làm giàu cho một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện vùng cao Bảo Yên (Lào Cai).

Cây xóa đói giảm nghèo

Nhờ biết chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả kinh tế sang trồng chè công nghệ cao đạt tiêu chuẩn VietGAP đã biến vùng đất nghèo khó năm xưa trở thành một vùng quê trù phú, mang lại cuộc sống mới cho bà con các dân tộc xã Lương Sơn, Bảo Yên, Lào Cai.

1-1651806392.jpg
Đổi đời nhờ cây chè.

Toàn xã Lương Sơn có 185ha chè, trong đó có hơn 20ha chè công nghệ cao. Bà con dân bản đã biết áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, trồng mới, cải tạo những đồi chè năng suất thấp thay thế bằng giống mới có năng suất chất lượng cao như: CLC, LDP1… Đồng thời, tham gia các lớp tập huấn trồng, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo nhờ cây chè đang tạo sức lan tỏa, để người dân học tập và làm theo.

2-1651806392.jpg
Bà con thu hoạch chè.

Đặc biệt, xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhiều năm trước, chất lượng thấp, đời sống của bà con các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn.

Để giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó tập trung phát triển cây chè công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP, theo tiêu chuẩn hữu cơ là cây trồng mũi nhọn.

3-1651806392.jpg
Nhiều hộ dân đã thoát khỏi cảnh đói nghèo nhờ sản xuất chè công nghệ cao.

Sau hơn 10 năm triển khai trồng chè công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP và theo tiêu chuẩn hữu cơ không còn cảnh đất trống đồi núi trọc mà thay vào đó là màu xanh của những nương chè bát ngát, Lương Sơn hôm nay đã thay da đổi thịt, trở nên ấm no, trù phú.

Đi dưới cái nắng ngọt ngào của những ngày cuối tháng tư, trước mắt tôi hiện lên một màu xanh bát ngát của cây chè, theo chân bà Nguyễn Vân Hạnh – Bí thư Đảng ủy xã Lương Sơn, chúng tôi tìm đến nhà ông Hoàng Văn Phúc ở thôn Phia, xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai người đã gắn bó với cây chè hơn 20 năm qua.

4-1651806392.jpg
Theo kế hoạch xã Lương Sơn đang hướng tới cho bà con dân bản trồng và chăm sóc 100% diện tích chè theo tiêu chuẩn hữu cơ. 

Ông Phúc kể, cách đây 15 năm về trước, cây chè trên đất Lương Sơn vẫn chưa thực sự trở thành nguồn thu nhập chủ đạo trong sản xuất kinh doanh của bà con. Nguyên nhân chính là do điều kiện canh tác của các hộ dân còn manh mún, thiếu đồng bộ từ chăm sóc, chặt đốn đến thu hoạch, chế biến. Phương thức sản xuất hoàn toàn thủ công, tiêu thụ chủ yếu qua thương lái hoặc bán chợ. Hiệu quả kinh tế thấp khiến cho nhiều hộ dân không còn mặn mà với cây chè.

“Nhưng từ khi có dự án phát triển cây chè công nghệ cao đạt tiêu chuẩn VietGAP, và có công ty thu mua nên diện tích chè của chúng tôi được khôi phục nhanh chóng, bà con phấn khởi, yên tâm sản xuất các sản phẩm chè”, ông Hoàng Văn Phúc cho biết thêm.

Là một trong những người có nhiều năm đồng hành cùng hoạt động sản xuất trồng cây chè hữu cơ, bà Hoàng Thị Nhàn thôn Phia, xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên chia sẻ về cách làm phân hữu cơ.

5-1651806392.jpg
Sức sống vùng chè Lương Sơn

Bà Nhàn chia sẻ: "Bà con dân bản chúng tôi tự ủ phân để bón cho cây trồng từ chất thải động vật, rơm rạ trấu hun và cây cỏ có sẵn tại địa phương. Tôi xin phân bò, phân giun trùn quế từ những hộ dân trong làng về ủ cùng các nấm đối kháng, vi sinh IMO và đặc biệt là trấu hun. Thời gian ủ phải đủ 3 – 6 tháng thì mới đưa vào sử dụng được".

Thực tế cho thấy, từ khi phát triển cây chè, đời sống người dân xã Lương Sơn đổi thay một cách rõ rệt. Hàng nghìn hộ dân đã có “của ăn, của để”, một số mở rộng quy mô trồng và chế biến, không những thoát nghèo mà còn trở nên giàu có.

Chia tay bà Nhàn trong cái nắng chiều vùng cao, chúng tôi đến tham quan mô hình trồng chè công nghệ cao của ông Hoàng Văn Xoan thôn Sài 1 cũng là một trong những hộ có diện tích chè lớn nhất của xã. Trước đây, gia đình ông Xoan thuộc diện khó khăn nhất nhì xã nhưng giờ đây đã là “triệu phú” chè.

"Sau khi có chương trình trồng chè công nghệ cao, tôi đã quyết định chuyển đổi từ chỗ cấy kém hiệu quả sang trồng chè công nghệ cao. Trong quá trình triển khai tôi đã được cán bộ xã - huyện Bảo Yên về đến tận nhà tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chè. Đến nay, gia đình tôi trồng trên 2ha chè. Vì vậy, mỗi năm trừ tất cả các chi phí gia đình thu lãi gần trăm triệu đồng”, ông Xoan vui mừng nói.

Bứt phá đi lên từ cây chè

Diện mạo nông thôn mới ở Lương Sơn đã đổi thay rất nhiều. Đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, những ngôi nhà khang trang, các tuyến đường bê tông phẳng phiu, thuận tiện cho việc đi lại của người dân. Từ khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 3/2018.

6-1651806392.jpg
Lãnh đạo xã Lương Sơn và Phòng Nông nghiệp huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đang trao đổi với bà con về kỹ thuật chăm sóc cây chè công nghệ cao. 

Cùng với việc tiếp tục đầu tư nâng cấp các công trình phúc lợi công cộng, Lương Sơn đã triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất cho người dân.

Xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, xã phối hợp với Phòng NN – PTNT huyện Bảo Yên, các đơn vị, doanh nghiệp đưa nhiều loại cây, con giống mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Từ đó, hình thành nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như chăn nuôi Lợn nái sinh sản, Gà đồi, cá Bống; phát triển mở rộng diện tích trồng chè, cây quế, tổ chức vận động nhân dân tập chung chăm sóc mô hình trồng cây Cam Vinh, cây Mít Thái và bưởi Da xanh…

7-1651806392.jpg
Chè Lương Sơn được Công ty TNHH Chè Đại Hưng thu mua. 

Ngoài ra, địa phương còn phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, thu hoạch sản phẩm theo hướng ViệtGAP. Đối với cây Cam, hiện xã Lương Sơn có gần 30 ha được trồng ở 5 thôn và đem lại thu nhập cao cho người dân. Nhờ vậy, bình quân thu nhập theo đầu người đạt gần 40 triệu/người/năm.

Trò chuyện với PV, bà Nguyễn Vân Hạnh – Bí thư Đảng ủy xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên phấn khởi cho biết: "Nắm bắt được hiệu quả kinh tế của cây chè, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân nhân rộng cây trồng này. Ngoài ra, xã coi cây chè là một trong những cây trồng mũi nhọn, nhờ có cây chè mà đời sống của cư dân nông thôn khởi sắc hẳn.

8-1651806392.jpg
Bà Nguyễn Vân Hạnh - Bí thư Đảng ủy xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. 

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả cây chè, trong Đề án xây dựng Nông thôn mới, xã Lương Sơn xác định cây chè vẫn là cây chủ lực của người dân. Xã cũng đã đưa ra định hướng để tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm thương hiệu chè Lương Sơn".

Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục mở rộng diện tích cây chè để hình thành vùng chè tập trung, quy mô lớn; tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã đồng hành với người dân trong việc thu mua, bao tiêu sản phẩm. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách để hỗ trợ giúp người dân yên tâm, gắn bó với cây chè. Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng chè, đặc biệt là bê tông hóa các nền đường đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, chăm sóc, thu hoạch chè.

Cùng với định hướng đúng đắn, những giải pháp cụ thể, trọng tâm, trọng điểm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cây chè đã và đang trở thành cây trồng chủ lực, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững ở Lương Sơn.