Lào Cai hướng tới xây dựng chuỗi sản xuất quế giá trị cao

Những năm gần đây, vùng nguyên liệu quế của Lào Cai vươn lên đứng thứ hai cả nước và cây quế đã mang lại cho ngành lâm nghiệp tỉnh một diện mạo mới.
que-lao-cai-1693211139.jpg
Lào Cai hướng tới xây dựng chuỗi sản xuất quế bền vững. Ảnh minh họa

Theo thống kê tại Hội thảo xúc tiến đầu tư, thương mại ngành hàng quế năm 2023, đến hết tháng 5/2023, tỉnh Lào Cai có 57.758,8 ha quế và là vùng nguyên liệu đứng thứ 2 toàn quốc (sau tỉnh Yên Bái). Vùng trọng điểm quế được xác định tại 4 huyện Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên, Bắc Hà với diện tích 51.279,0 ha (chiếm 88,78% diện tích quế toàn tỉnh). Hiện tỉnh đã có trên 3.600 ha quế được chứng nhận hữu cơ và diện tích quế hữu cơ đang tiếp tục mở rộng.

Theo dự báo, diện tích vùng nguyên liệu quế của tỉnh sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Cùng với đó toàn bộ diện tích quế của tỉnh được chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững, phấn đấu trên 30% diện tích trồng quế được cấp chứng nhận hữu cơ. Dự kiến từ năm 2024 đến năm 2030, mỗi năm Lào Cai có trên 4.000 ha quế đến tuổi được khai thác trắng và khoảng 10.000 ha quế trong giai đoạn tỉa thưa. Sản lượng khai thác dự kiến mỗi năm sẽ trên 40.000 tấn vỏ khô, 350.000 tấn cành lá và khoảng trên 210.000m3 gỗ; ước sản lượng tinh dầu quế sẽ đạt từ 1.600 đến 2.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, diện tích quế thành thục không nhiều và tiềm ẩn một số rủi ro như phát triển thiếu bền vững. Bên cạnh đó, kỹ thuật khai thác còn thô sơ, chưa áp dụng cơ giới hóa, dẫn tới năng suất lao động không cao, lãng phí sản phẩm. Chất lượng và giá trị sản phẩm quế chưa cao do công nghệ chế biến chưa hiện đại. Mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài. Thị trường tiêu thụ sản phẩm quế còn hạn hẹp, chưa tiếp cận được thị trường tiêu thụ lớn như các nước Bắc Âu, Mỹ, Nhật Bản...

Do đó, để ngành hàng quế phát triển bền vững, nhiều ý kiến cho rằng cần xác định thị trường sản phẩm, sản xuất ra các sản phẩm theo yêu cầu của thị trường. Có cơ chế chính sách phù hợp và làm tốt công tác truyền thông để thay đổi nhận thức của người dân. 

Đồng thời, cần có sự tham gia của doanh nghiệp, đây sẽ là cầu nối giữa hợp tác xã và thị trường xuất khẩu. Đẩy mạnh hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để thúc đẩy liên kết giữa các hộ nông dân tạo vùng nguyên liệu và tạo sự liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ.

Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư. Đặc biệt, tỉnh Lào Cai cần xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vùng quế hữu cơ của các địa phương, đồng thời nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với các cơ sở chế biến tinh dầu, tránh sự phát triển ồ ạt dẫn đến việc cạnh tranh thu mua sản phẩm không lành mạnh.

Hương Lan