Lào Cai: “Hái ra tiền” với loại cây trồng chỉ vào rừng tỉa cành, tỉa lá ở Cam Cọn

Với tổng diện tích canh tác hơn 50 ha quế, tuy chỉ mới đi vào hoạt động được gần 1 năm, nhưng HTX Nông nghiệp – Dịch vụ Cầu Mây, xã Cam Cọn, đang là một trong những điểm sáng gây ấn tượng đặc biệt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên huyện vùng cao Bảo Yên.
dsc-1176-1661770981.jpg
Nhờ cây quế mà nhiều hộ dân ở Cam Cọn đã xây dựng được nhà cửa khang trang. Ảnh: Xuân Hiền

“Cây vàng” giúp đồng bào người Dao xóa nghèo

Về thăm HTX Nông nghiệp – Dịch vụ Cầu Mây (xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) trước mắt chúng tôi hiện lên một màu xanh bạt ngàn của quế, khiến không gian nơi đây ấm áp, thơm đượm mùi quế. Nhà nào trong xã nói chung, HTX nói riêng cũng trồng hàng chục ha quế, ít cũng khoảng 2-4ha… Từ đó, đời sống của bà con dân bản trở nên khấm khá hơn.

Tiếp chúng tôi tại đồi quế của nhà mình, anh Lý Văn Trẻ - thôn Bỗng 2, xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên nhiệt tình giới thiệu từng loại cây, từng năm trồng, số cây cho thu hoạch hàng năm và lợi nhuận thu được bằng tất cả niềm say mê với trồng cây quế theo hướng hữu cơ.

Cách đây mấy năm về trước, anh Trẻ cũng thuộc diện kinh tế khó khăn trong xã, gia đình đã xoay sở đủ thứ nghề để kiếm kế, sinh nhai, nhưng cái đói, cái nghèo cứ bám riết mãi. Qua sự vận động, khuyến khích của Chính quyền xã Cam Cọn, phòng nông nghiệp huyện Bảo Yên, anh đã biết khai thác tiềm năng, lợi thế đất đồi rừng chuyển sang trồng cây quế theo hướng hữu cơ.

dsc-1133-1661770981.jpg
Toàn xã Cam Cọn đã trồng được 97 ha quế. Ảnh: Hoàng Thêm

Nhờ bản tính thật thà, cần cù, chịu thương, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, ham học hỏi và tích cực tìm tòi khoa học kỹ thuật, thông qua sách báo, đài, đất không phụ công người nên đồi quế rộng hơn 10ha của gia đình anh đã đơm hoa kết trái ngay sau khi bước vào vụ thu hoạch quế năm thứ 3.

Bên ấm trà thơn ngào ngạt vừa mới hãm xong, anh Trẻ không ngần ngại chia sẻ, cây quế rất phù hợp với thổ nhưỡng ở Cam Cọn, dễ trồng, dễ chăm sóc. Nếu như trước kia quế chỉ được biết đến là một vị thuốc nam của các thầy lang và làm hương đốt trong các lễ hội truyền thống thì nay, với nhu cầu ngày càng lớn của thị trường và việc được phát triển có quy hoạch tập trung, cây quế đã giúp nhiều hộ dân ở Cam Cọn có điều kiện vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững.

867de972dd9518cb41841-1661770980.jpg
Một ngày nắng đẹp bà con dân bản lên đồi quế để chăm sóc.

Chia tay anh Lý Văn Trẻ, chúng tôi đến thăm quan đồi quế của gia đình ông Lý Văn Sú, thôn Bỗng 2 có hơn 15 ha quế, gia đình anh thu về khoảng gần 30 tấn vỏ tươi có giá trị kinh tế từ 100 - 120 triệu đồng. Nhờ cây quế đã giúp vợ chồng anh có thêm tiền để chăm lo cho các con ăn học và mua sắm những trang thiết bị phục vụ cuộc sống hàng ngày.

Ông Sú bảo, người dân ở đây xưa kia chủ yếu trồng quế theo kinh nghiệm truyền thống, mạnh ai người ấy làm. Kỹ thuật canh tác, chăm sóc chưa đúng, dẫn đến năng suất, chất lượng không cao, sau đó, tôi được HTX cho đi tập huấn, tìm hiểu và quyết định trồng quế theo hướng hữu cơ nên năng suất tăng gấp 2-3 lần so với làm truyền thống.

Trồng loại cây mở mắt ra là …thấy tiền

dsc-1164-1661770981.jpg
Anh Đặng Tiến Vạn -ở thôn Bỗng 2 xã Cam Cọn có hơn 10 ha quế, mỗi năm đút túi hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Xuân Hiền

Để làm được điều đó, Cam Cọn đã tập hợp những tổ nhóm cùng sở thích trồng quế trên địa bàn xã, thành lập HTX Nông nghiệp – Dịch vụ Cầu Mây chuyên cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho người dân; đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm từ cây quế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ngay sau khi thành lập, HTX đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, bao tiêu sản phẩm và các dịch vụ cho bà con xã viên; tập trung xây dựng vùng sản xuất quế theo hướng hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn và hợp tác với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để chế biến sản phẩm quế, phấn đấu xuất khẩu sang thị trường EU…

Dẫn chúng tôi đi tham quan các đồi quế trồng theo hướng hữu cơ, ông Lý Văn Cầu – GĐ HTX Nông nghiệp – Dịch vụ Cầu Mây chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc cây quế bằng phân hữu cơ. Ông Cầu cho biết, hiện HTX sử dụng phân bón hữu cơ và phân chuồng được ủ với chế phẩm men vi sinh để hoai mục, trong phòng trừ sâu bệnh, HTX đều dùng thuốc bảo vệ thực vật bằng chế phẩm sinh học, là loại thuốc thân thiện với môi trường.

dsc-1155-1661770981.jpg
Anh Đặng Tiến Vạn đang chăm sóc đồi quế của gia đình. Ảnh: Hoàng Thêm

Bên cạnh đó, HTX đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, ứng dụng công nghệ vào chế biến, tạo ra các loại sản phẩm quế chất lượng cao, với các mặt hàng chủ lực như: Quế ống điếu, quế ống sáo, quế thuốc lá, quế lát vuông, quế tăm, tinh dầu quế… Các sản phẩm quế của HTX đang có sức cạnh tranh mạnh và giá bán ổn định.

Theo ông Hồ Viết Hùng – Chủ tịch UBND xã Cam Cọn, lợi ích kinh tế của cây quế khá ổn định, ngoài vỏ quế, người dân có thể tận dụng bán lá, cành và gỗ quế, 1ha quế cho thu nhập bình quân đạt từ 80-100 triệu đồng, cây quế chính là vị “cứu tinh” trong việc tìm hướng phát triển kinh tế - xã hội ở xã Cam Cọn.

“Trồng quế chỉ vất vả trong 3 năm đầu khi thường xuyên phải chăm sóc, phát cỏ còn các năm sau chỉ vào rừng tỉa cành, tỉa lá là ...có tiền. So với các cây trồng khác, cây quế có đầu ra ổn định bởi đang có nhiều doanh nghiệp muốn ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm quế với người dân lâu dài.”, ông Hùng cho hay.

dsc-1137-1661770981.jpg
Anh Lý Văn Cầu - GĐ HTX Nông Nghiệp - Dịch vụ Cầu Mây đang giới thiệu cây quế có tuổi đời hơn 30 năm. Ảnh: Xuân Hiền

Cạnh đó, cây quế là loại cây đa tác dụng, cung cấp tinh dầu làm dược liệu cho các ngành dược phẩm, mỹ phẩm. Đồng thời, cũng là nguyên liệu gỗ cho chế biến lâm sản, sản xuất đồ mỹ nghệ và có tác dụng phòng hộ, che phủ rừng, có tiềm năng xuất khẩu rất lớn. Mặc dù vòng đời của cây quế là 15 năm nhưng việc thu hoạch sản phẩm có thể thực hiện từ năm thứ 5 khi tiến hành tỉa thưa và tỉa cành, lá.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Việt Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết: “Phát triển cây quế đã mang lại hiệu quả đối với bà con dân bản ở Cam Cọn nói chung HTX Cầu Mây nói riêng. Không chỉ giúp đồng bào Dao trên địa bàn xã Cam Cọn và các thành viên của HTX xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, cây quế còn góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái, giúp giữ đất, giữ nước ở những vùng đồi núi dốc; bảo tồn và phát triển đa dạng các nguồn gen quý của cây bản địa…”.

“Thời gian qua, chính quyền xã Cam Cọn, HTX Nông nghiệp – Dịch vụ Cầu Mây đã phối hợp chặt chẽ cùng cơ quan chức năng của huyện Bảo Yên, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cách trồng quế sạch; phương pháp khai thác, chế biến, bảo quản sản phẩm để thu được giá trị kinh tế cao nhất…”, ông Hà nhấn mạnh.

dsc-1139-1661770981.jpg
Bạt ngàn màu xanh của quế. Ảnh: Xuân Hiền

Đến nay, bà con các dân tộc người Dao xã Cam Cọn và HTX Nông nghiệp – Dịch vụ Cầu Mây, nhiều người dân địa phương đã chuyển đổi diện tích đất hoang, đất đồi bạc màu sang trồng quế. Đồng thời, cây quế có đóng góp rất lớn trong việc thực hiện 2 tiêu chí về hộ nghèo và thu nhập trong quá trình xây dựng nông thôn mới của xã. Đồng thời, HTX Cầu Mây đã tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho người dân, giúp xã vươn lên xây dựng quê hương Cam Cọn ngày càng giàu đẹp, văn minh hiện đại.