Lâm Đồng có nhiều tiềm năng phát triển các loại cây dược liệu quý

Được thiên nhiên ưu đãi với nhiều lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, Lâm Đồng là địa phương có rất nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu, cho giá trị kinh tế vượt trội so với cây trồng khác.
cay-atiso-1693972152.jpg
Atiso là thực phẩm được sử dụng nhiều trong các bài thuốc trị bệnh. Ảnh minh họa

Lâm Đồng là tỉnh có thế mạnh về phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, tổng diện tích sản xuất cây dược liệu tại Lâm Đồng khoảng 332 ha, với tổng sản lượng khoảng 9.500 tấn/năm. Khoảng 263 ha cây dược liệu được trồng trên đất nông nghiệp, 68 ha trồng dưới tán rừng.

Nhiều loại cây dược liệu được người dân đưa vào sản xuất từ lâu đời như atiso, diệp hạ châu, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, đảng sâm, trà hoa vàng, tam thất… Vùng sản xuất tập trung chủ yếu tại Thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Đam Rông, Cát Tiên, Di Linh. Trong số đó, một số loại dược liệu được trồng phổ biến, mang lại giá trị kinh tế cao.

Cây atiso (Cynarascolymus L): Loại cây vừa sử dụng ăn tươi, vừa sử dụng làm dược liệu và rất thích hợp với điều kiện khí hậu Đà Lạt, Lạc Dương. Cây atiso thích hợp trồng trên đất thịt trung bình, giàu hữa cơ, giữ ẩm và thoát nước tốt, độ pH khoảng 6-6,5. Cây là vị thuốc giúp tăng cường sức khỏe, chống mệt mỏi, tăng sự thích nghi và khả năng miễn dịch của cơ thể, tốt cho tim mạch, hệ tiêu hóa và hệ thần kinh. Diện tích atiso năm 2018 là 160 ha; năng suất bình quân 384,5 tạ/ha, sản lượng 6.152,5 tấn. Sản phẩm atiso rất đa dạng, các bộ phận như thân, lá, hoa,rễ đều sử dụng được

Cây đương quy (Angelica acutiloba Sieb. et Zucc) là cây thân thảo sống lâu năm, cây cao khoảng 40 – 80cm, khi ra hoa thân cây cao 1m, thân có màu tím. Rễ cọc có rễ phụ, rễ chất thịt màu vàng hoặc vàng đất. Đương quy là cây mọc ở độ cao 2.000 – 3.000m so với mặt nước biển. Theo y học cổ truyền và y học hiện đại, đương quy là vị thuốc có tác dụng giảm đau, bổ huyết hoạt huyết, nhuận táo hoạt trường, điều huyết thông kinh, làm tăng chức năng miễn dịch không đặc hiệu của cơ thể... Đương quy được trồng phổ biến tại các huyện như Đam Rông, Lâm Hà, Đơn Dương, Lạc Dương.

Cây diệp hạ châu (Phyllanthus amarus Schum. et Thonn.) là cây thân thảo, thân cứng màu xanh, lá dạng thuôn hoặc bầu dục ngược kèm hình tam giác nhọn, cuống rất ngắn. Cây mọc hoang ở khắp các vùng nhiệt đới. Thành phần dược liệu của cây là vị thuốc có tác dụng điều trị viêm gan giải độc, điều trị các bệnh đường tiêu hóa, giảm đau, giải độc, lợi tiểu,...

Cây đảng sâm (Codonopsis javanica (Blume) Hook. f. & Thoms) là một cây thuốc quý, dạng dây leo, sống lâu năm, leo bằng thân quấn. Rễ hình trụ dài, đường kính có thể đạt 1,5-2cm, phân nhánh, đầu rễ phình to có nhiều vết sẹo lồi của thân cũ, cây thường chỉ có một rễ trụ mà không có rễ nhánh, càng nhỏ về phía đuôi, lúc tươi màu trắng, sau khô thì rễ có màu vàng, có nếp nhăn. Thành phần dược liệu gồm saponin, alkaloits, sucrose, glucose, inulin,… là vị thuốc giúp tăng cường sức khỏe, chống mệt mỏi, tăng sự thích nghi và khả năng miễn dịch của cơ thể, tốt cho hệ tim mạch, hệ tiêu hóa và hệ thần kinh.

Nấm Linh chi (Ganoderma lucidum) thuộc họ nấm lim, còn có những tên gọi khác như Tiên thảo, Nấm trường thọ, Vạn niên thanh. Trênthế giới có hơn 200 loài, Việt Nam có hơn 60 loài, riêng ở Lâm Đồng có hơn 30 loài, trong đó có giá trị phải kể đến nấm linh chi đỏ, nấm linh chi đen và nấm linh chi tím. Có tác dụng chống ung thư, rối loạn miễn dịch và làm chống cao huyết áp, nâng cao sức đề kháng, phòng trừ bệnh tật, phòng chữa bệnh tiểu đường, ngăn chặn quá trình làm lão hóa, giúp cơ thể tươi trẻ, chống ung thư tuyến tiền liệt, chống đau đầu và tứ chi, giảm mệt mỏi... Nấm linh chi được trồng chủ yếu tại TP Đà Lạt, Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng, Bảo Lộc.

Theo Trung tâm khuyến nông Lâm Đồng, tiềm năng phát triển cây dược liệu của tỉnh là rất lớn. Tuy nhiên, cần có quy hoạch cụ thể, xây dựng thương hiệu sản phẩm để đảm bảo đầu ra ổn định, tạo điều kiện mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hương Lan