Kinh tế Trung Quốc có đi vào "vết xe đổ" như Nhật Bản thập niên 1990?

Trung Quốc ngày nay và Nhật 30 năm trước đây có nhiều điểm tương đồng, trong đó nổi bật nhất phải kể đến nợ công cao, dân số già và các dấu hiệu giảm phát.
trungquocgt-1695179587.jpeg
Trung Quốc ngày nay và Nhật 30 năm trước đây có nhiều điểm tương đồng - Ảnh minh họa.

Bắt đầu từ thập niên 1990, mỗi khi nhắc đến Nhật, người ta chỉ nhắc đến sự trì trệ về kinh tế. Sau quá trình kinh tế tăng trưởng nóng là đến tăng trưởng èo uột, dân số sụt giảm và giảm phát kéo dài.

Phần lớn các chuyên gia kinh tế tin rằng tình hình ở Trung Quốc hiện tại cũng tương tự. Trên thực tế, nhiều vấn đề của Trung Quốc tệ hại hơn rất nhiều so với Nhật trước đây.

Vấn đề nhân khẩu học của Trung Quốc cũng tệ hại hơn. Căng thẳng địa chính trị mà Trung Quốc đang đương đầu hiện tại tệ hại hơn rất nhiều so với tình trạng đối đầu thương mại mà Nhật từng trải qua với Mỹ.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng cũng cần phải kể đến việc chính phủ Trung Quốc sẽ không mạnh tay đưa ra chính sách hỗ trợ tăng trưởng như Nhật trước đây.

Tuy nhiên, chẳng có yếu tố nào cho thấy Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng suy giảm kinh tế tồi tệ mà Nhật dường như đang dần thoát ra. Trung Quốc có một số lợi thế mà Nhật từng không có. Tăng trưởng kinh tế của Nhật những năm tới nhiều khả năng sẽ vẫn cao hơn so với Nhật thập niên 1990.

Dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng các yếu tố tương đồng có thể coi như lời cảnh báo cho những nhà quản lý kinh tế hàng đầu Trung Quốc rằng nếu họ không hành động mạnh tay, Trung Quốc có thể rơi vào khoảng thời gian suy giảm kéo dài giống như Nhật trước đây.

Giới chức Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế trong những tuần gần đây, trong đó đặc biệt phải kể đến việc hạ lãi suất, thế nhưng nhìn chung Bắc Kinh cho đến nay chưa đưa ra gói kích cầu lớn nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

“Phản ứng chính sách của Trung Quốc có thể khiến cho những câu chuyện với Nhật lặp lại”, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách châu Á tại Citigroup – bà Johanna Chua phân tích. Bà Chua tin triển vọng tăng trưởng kinh tế nói chung của Trung Quốc sẽ chững lại nhưng qua nhanh hơn so với Nhật trước đây.

Trung Quốc ngày nay và Nhật 30 năm trước đây có nhiều điểm tương đồng, trong đó nổi bật nhất phải kể đến nợ công cao, dân số già và các dấu hiệu giảm phát.

Trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Nhật trở thành cường quốc xuất khẩu tăng trưởng mạnh đến nỗi mà giới chính trị gia và doanh nghiệp Mỹ từng nghĩ rằng sẽ không có điều gì ngăn cản được Nhật tăng trưởng. Thế rồi đến thập niên 1990, bong bóng bất động sản và thị trường chứng khoán “xì hơi” đã tác động mạnh đến nền kinh tế.

Giới chức kinh tế Nhật khi đấy đã hạ lãi suất về sát ngưỡng 0%, tuy nhiên tăng trưởng khó phục hồi lại bởi người tiêu dùng và doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến việc trả nợ nhằm cân đối tình hình tài chính của họ chứ không muốn vay tiền cho các khoản chi tiêu và đầu tư mới.

Tại Trung Quốc, bong bóng bất động sản đã “xì hơi” sau nhiều năm tăng trưởng nóng, người tiêu dùng Trung Quốc hiện đang trả sớm các khoản tiền thế chấp, dù chính phủ cũng nỗ lực khuyến khích họ vay tiền và chi tiêu nhiều hơn.

Các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đồng thời cũng ngại đầu tư dù lãi suất ở ngưỡng thấp, ngoài ra cũng không ít người lo ngại về khả năng các biện pháp nới lỏng tiền tệ có thể không còn nhiều tác dụng.

Không ít ý kiến cho rằng bong bóng tài sản Trung Quốc thực ra không quá lớn, Morgan Stanley ước tính tỷ lệ giá trị bất động sản Trung Quốc so với tổng GDP lập đỉnh 260% vào năm 2020, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 170% GDP vào năm 2014. Từ mức đỉnh cho đến nay, giá nhà cũng chỉ giảm nhẹ.

Quy mô thị trường chứng khoán Trung Quốc lập đỉnh 80% GDP vào năm 2021 và giờ đây ở ngưỡng khoảng 67% GDP.

So sánh tương đương, vào thời điểm năm 1990, giá đất tính trong tương quan với GDP là 560% GDP và sau đó giảm xuống còn 394% vào năm 1994, theo tính toán của Morgan Stanley. Giá trị vốn hóa thị trường của thị trường chứng khoán Nhật tăng lên mức 142% GDP vào năm 1989 từ mức 34% vào năm 1982.

Tại Trung Quốc, tỷ lệ đô thị hóa cũng thấp hơn nhiều so với Nhật, thời điểm năm 2022 ở ngưỡng khoảng 65% trong khi đó Nhật năm 1988 lên đến 77%. Như vậy Trung Quốc có thêm tiềm năng để tăng năng suất lao động và tăng trưởng bởi có thêm người chuyển đến sống ở các thành phố và làm các công việc phi nông nghiệp.

Áp lực bên ngoài lên Trung Quốc dường như cũng đang lớn hơn. Nhật đương đầu với nhiều áp lực từ các nước đối tác thương mại, tuy nhiên với vai trò đồng minh thân cận của Mỹ, Nhật sẽ không bao giờ phải đương đầu với rủi ro của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Những nỗ lực của Mỹ và đồng minh trong việc ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với công nghệ phát triển cũng như giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc đã tạo ra tình trạng sụt giảm nghiêm trọng vốn đầu tư vào Trung Quốc trong năm nay và có thể trong dài hạn.

Nhiều chuyên gia phân tích lo ngại Bắc Kinh dường như đang đánh giá thấp rủi ro lạm phát đình đốn trong dài hạn và đưa ra biện pháp không đủ mạnh để ngăn cản nó. Các biện pháp hạ lãi suất chủ chốt, giảm tỷ lệ chi trả ban đầu với căn hộ và loạt tuyên bố ủng hộ lĩnh vực kinh tế tư nhân đã không thể giúp kích thích đầu tư tăng trưởng trở lại.

Chuyên gia kinh tế, ông Xiaoqin Pi thuộc Bank of America cho rằng sẽ cần đến các biện pháp kết hợp chính sách tài khóa, tiền tệ và bất động sản mới có thể đưa tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trở lại ngưỡng trước đây.