Kiến nghị bổ sung chính sách an sinh xã hội cho tài xế công nghệ

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đề xuất chính sách an sinh xã hội đối với tài xế công nghệ, từ đó làm cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm xã hội.

Đề xuất được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu trong văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH góp ý về chính sách an sinh, cải thiện điều kiện việc làm cho đối tượng tài xế xe công nghệ. Kiến nghị này dựa trên kết quả nghiên cứu “Khảo sát thực trạng và tăng cường sự tham gia của lái xe công nghệ Grab tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, cải thiện điều kiện việc làm”, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển cộng đồng thực hiện.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện cả nước có khoảng 200.000 tài xế xe công nghệ (gồm ôtô, xe máy). Trong đó, gần 50% số tài xế hành nghề tại Hà Nội và TP.HCM. Cuối năm 2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Trung tâm Tư vấn sức khỏe và Phát triển cộng đồng khảo sát về hiện trạng việc làm, khả năng tiếp cận chính sách an sinh xã hội của tài xế xe công nghệ với sự tham gia của 500 tài xế Grab.

img6676-16534054-1651745552.jpeg
Kiến nghị các chính sách an sinh xã hội cho tài xế công nghệ. Ảnh VTC News

Kết quả khảo sát cho thấy, có 2/3 số tài xế đã có gia đình và 60% nuôi dưỡng từ 2 người trở lên. Thu nhập của họ khá thấp, với tài xế xe máy là 318.000 đồng/ngày, khoảng 7 triệu đồng/tháng; tài xế ôtô là 564.000 đồng/ngày, khoảng 12 triệu đồng/tháng. Các khoản "thưởng", "trợ cấp", chương trình hỗ trợ... từ công ty cung ứng dịch vụ đối với đối tượng này không thường xuyên và khá thấp.

Thu nhập của tài xế xe công nghệ không cao nhưng áp lực làm việc rất lớn. Thời gian làm việc bình quân mỗi ngày của tài xế xe máy là 9,2 giờ, ôtô là 11,2 giờ; các ngày lễ, Tết dường như không có. Ngoài ra, họ còn phải làm việc trong điều kiện vất vả, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.

Về chính sách an sinh xã hội, chỉ có 7% số tài xế tham gia bảo hiểm xã hội. Lý do không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là do không đủ tiền (chiếm 68%), không thấy nhiều lợi ích (21%), không hiểu biết hoặc không có nhu cầu (11%).

Khảo sát trên cũng thể hiện có tới 66,7% số tài xế xe công nghệ mong muốn được tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, đặc biệt là các chương trình hỗ trợ trực tiếp; 45,5% hy vọng được Công ty Grab tư vấn, hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội; 24,2% mong muốn được địa phương hỗ trợ và 53% mong muốn tham gia một hội, nhóm, câu lạc bộ... dành cho người lái xe.

Từ thực tế nghiên cứu, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá thực trạng việc làm, điều kiện làm việc, an sinh xã hội, quản lý nhà nước về lao động tại các công ty đang cung cấp dịch vụ nền tảng, ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử - lái xe công nghệ (Grab, Now, Be, Gojek, Aha…) để hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội.

Đồng thời, tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế và các chính sách khác để tăng cường khả năng tiếp cận các chương trình an sinh xã hội cho đối tượng lao động tự do nói chung và nhóm lái xe công nghệ nói riêng, theo hướng mở rộng, linh hoạt, phù hợp đặc điểm, điều kiện thực tế về việc làm, thu nhập của các đối tượng trong thời gian tới.

Lái xe công nghệ là những người có thiết bị và hiểu biết nhất định trong sử dụng thiết bị và nền tảng công nghệ. Do vậy, cần hỗ trợ lái xe công nghệ đăng ký tham gia và hướng dẫn họ thụ hưởng các chế độ Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế thông qua các app công nghệ.

Tận dụng lợi thế này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị cơ quan bảo hiểm xã hội nên nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ nền tảng hỗ trợ các lái xe công nghệ tiếp cận, tham gia vào quá trình phát triển hệ thống an sinh.

Anh Vân (t/h)