Kiên Giang tăng sức cạnh tranh cho kinh tế nông nghiệp

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Kiên Giang định hướng phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của kinh tế nông nghiệp; trong đó, tập trung tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

* Ứng dụng công nghệ vào sản xuất

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, sản xuất lúa chất lượng cao năm 2021 chiếm trên 90% tổng diện tích gieo trồng gần 715.500 ha; trong đó, chú trọng đầu tư sản xuất mô hình cánh đồng lớn theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tạo giá trị gia tăng. Tỉnh đã xây dựng hơn 780 cánh đồng lớn liên kết sản xuất, với diện tích gần 75.000 ha.

Cùng đó, giá trị nuôi trồng thủy sản trên 1 ha đất mặt nước năm 2020 đạt 130 triệu đồng/năm. Sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch, năm sau cao hơn năm trước; đặc biệt, tôm nuôi nước lợ dự kiến năm 2021 đạt trên 105.000 tấn, vượt 7.000 tấn so với kế hoạch.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Nguyễn Văn Dũng cho biết, tỉnh có hơn 400 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp; điển hình về hoạt động hiệu quả là huyện Vĩnh Thuận, Tân Hiệp, Hòn Đất, Giồng Riềng, Gò Quao... Các hợp tác xã đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp thành viên giảm lượng giống gieo sạ, nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, làm lợi cho nông dân, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống...

Hiện Kiên Giang phát triển 1.044 trang trại với 907 trang trại trồng trọt, 86 trang trại nuôi trồng thủy sản, 48 trang trại chăn nuôi, số còn lại là trang trại tổng hợp. Hàng năm, những trang trại này sản xuất sản phẩm hàng hóa nông sản chất lượng cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu; thu nhập bình quân một trang trại hơn 1,4 tỷ đồng/năm.

tho-6420-11-12-06-086-1636965082.jpeg
Kiên Giang tăng sức cạnh tranh cho kinh tế nông nghiệp

Đặc biệt, tỉnh còn phát triển một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm: vùng nông nghiệp công nghệ cao Trung Sơn - Kiên Giang trên địa bàn huyện Kiên Lương nuôi trồng, chế biến thủy sản; vùng lúa ứng dụng công nghệ cao Trung An - Kiên Giang trên địa bàn huyện Hòn Đất sản xuất và chế biến lúa gạo; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Minh Phú - Kiên Giang trên địa bàn huyện Kiên Lương nuôi trồng, chế biến thủy sản.

Ngoài ra, tỉnh đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Ngành chức năng đã nghiên cứu thành công việc chọn, tạo, nhân giống lúa bằng công nghệ sinh học có thời gian sinh trưởng ngắn, thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu, có khả năng chống chịu mặn, chống chịu tốt với dịch bệnh cho năng suất cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh như: GKG1, GKG9.

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã ứng dụng mô hình nuôi tôm 2 và 3 giai đoạn, nuôi cá lồng bè ngoài biển khơi đã cho hiệu quả kinh tế cao được nông dân, doanh nghiệp nhân rộng sản xuất.

Kết quả nghiên cứu khoa học giai đoạn 2016 - 2020 cũng được ứng dụng vào thực tế, tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao năng lực, trình độ sản xuất. Đặc biệt là đa dạng hóa, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của kinh tế nông nghiệp.

Đến nay, các địa phương và Trung tâm khuyến nông tỉnh xây dựng hơn 100 mô hình mỗi năm gồm: sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa… Việc phát triển nông nghiệp theo hướng cơ cấu lại sản xuất, nâng cao chất lượng tăng trưởng đã tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2020 của tỉnh đạt 46,2 triệu đồng/người/năm - tăng 1,57 lần so năm 2015; thu nhập cao nhất là huyện Kiên Lương với 57 triệu đồng và thấp nhất huyện Hòn Đất và U Minh Thượng với 42,1 triệu đồng.

* Khai thác hiệu quả cùng sinh thái

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Nguyễn Văn Dũng cho hay, để nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế nông nghiệp, trong 5 năm qua (2016 - 2020), tỉnh huy động nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất, phát triển các dịch vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản và nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư trọng điểm cho các dự án sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn…

Giai đoạn này, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn hơn 26.000 tỷ đồng, đạt 33,5% so với nhu cầu tổng vốn thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và dân sinh, hướng đến nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao.

Trong sản xuất nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế nông nghiệp, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông - thủy sản và xuất khẩu nông sản, nhằm tăng giá trị sản phẩm nông sản hàng hóa.

ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-trong-san-xuat-nong-nghiep-1636965168.jpeg
Kiên Giang tăng sức cạnh tranh cho kinh tế nông nghiệp

Theo đó, tỉnh đầu tư nâng cấp công nghệ, thiết bị các nhà máy chế biến xay xát gạo xuất khẩu; xây dựng nhà máy chế biến ván MDF công suất 75.000 m3/năm. Chế biến và xuất khẩu thủy sản của tỉnh tập trung đầu tư theo hướng đa dạng hóa sản phẩm với 14 nhà máy chế biến thủy sản có dây chuyền công nghệ khá hiện đại, tiêu chuẩn kỹ thuật cao, tổng công suất 138.000 tấn/năm. Tỉnh có hàng chục doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông sản chiếm tỷ trọng hơn 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh hàng năm.

Tuy nhiên, mặt hàng xuất khẩu nông sản của tỉnh hiện nay phần lớn là sản phẩm thô, sức cạnh tranh thấp, luôn đối mặt với nhiều thách thức bởi các rào cản kỹ thuật từ thị trường nhập khẩu; sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm cùng loại của các nước như: Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan… nên cần phải nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh trong thời gian tới.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang Mai Văn Huỳnh cho biết, phát triển nông nghiệp của tỉnh đến năm 2025 và định hướng năm 2030 tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phù hợp với cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của nông dân trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các tiểu vùng sinh thái, nhất là trên vùng Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu và U Minh Thượng để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao với sản phẩm chủ lực là lúa gạo và thủy sản.

Kiên Giang chú trọng chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng hiệu quả, chất lượng cao với các mô hình sản xuất luân canh lúa - màu, lúa - tôm, lúa - cá. Tỉnh xây dựng vùng lúa chuyên canh tập trung chất lượng cao theo mô hình cánh đồng lớn, sản xuất hợp tác, chuỗi liên kết gắn với bao tiêu sản phẩm; phát triển vùng cây ăn trái, sản xuất rau màu, nhất là rau sạch ở các vùng ven đô thị, khu du lịch. Riêng trên đảo Phú Quốc phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa, cây cảnh, phát triển cây ăn trái tạo cảnh quan du lịch…

Cùng với ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất tạo giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững, tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư tiềm năng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực thủy lợi, xây dựng hạ tầng nông thôn, khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật, nghiên cứu khoa học nông nghiệp, chế biến nông sản.../.