Kiểm kê khí nhà kính doanh nghiệp chăn nuôi gặp khó vì chi phí cao, quy định chưa chi tiết

Doanh nghiệp chăn nuôi cho rằng, kiểm kê khí nhà kính là vấn đề mới, chi phí còn cao, quy định chưa chi tiết nên rất cần sự đồng hành của quản lý nhà nước. Cùng đó, việc bổ sung doanh nghiệp nông nghiệp vào danh mục kiểm kê khí nhà kính trong dự thảo thực hiện kiểm kê khí nhà kính sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.
kiem-ke-khi-nha-kinh-01-1712826518.jpg
Kết quả kiểm kê cho thấy phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi bò và chăn nuôi lợn luôn chiếm phần lớn nhất trong tổng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp. (Ảnh minh họa)

Yêu cầu các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn thực hiện kiểm kê khí nhà kính

Để làm rõ hơn về vấn đề kiểm kê khí nhà kính, sáng 11/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến có buổi làm việc với Cục Chăn nuôi, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng các doanh nghiệp, hiệp hội chăn nuôi liên quan.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, đây là vấn đề mới và là một phần trong tiến trình đưa phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP26.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng: “Việc bán tín chỉ carbon là câu chuyện dài hơi, việc bán thế nào, bán cho ai, cần đến sự cân đối ở quy mô quốc gia”.

Riêng về kiểm kê khí nhà kính, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nêu vấn đề xu hướng phát triển xanh đang phát triển ở mức độ toàn cầu, do đó đây là việc phải làm, nhưng trước mắt cần làm rõ về phương pháp đo, xác định các tổ chức cho khả năng công nhận.

Chỉ đạo chung về kiểm kê khí nhà kính, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Để làm được vấn đề này, trước tiên cần hiểu được thực trạng và xây dựng được lộ trình cụ thể cho ngành chăn nuôi. Ngoài ra, với các doanh nghiệp, hiệp hội, cần tiên phong và có thể chia sẻ được kinh nghiệm trong triển khai kiểm kê khí nhà kính."

Tại buổi làm việc, đại diện một số doanh nghiệp đã có ý kiến về lĩnh vực, đa phần đều ủng hộ về chủ trương và cam kết sẽ thực hiện. Tuy nhiên, do là vấn đề mới nên chi phí còn cao, quy định chưa được chi tiết. Do đó, các doanh nghiệp bày tỏ có thêm sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước, với sự định hướng, hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, còn có ý kiến nới thời gian, tiến độ thực hiện.

kiem-ke-khi-nha-kinh-02-1712826568.jpg
Hiện nhiều cơ sở chăn nuôi đang đối mặt với vấn đề chi phí kinh doanh lớn do các tác động từ dịch bệnh Covid-19. (Ảnh minh họa)

Trước đó, Cục Chăn nuôi đã kiến nghị Việt Nam cần áp dụng và yêu cầu các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Theo Cục Chăn nuôi, chăn nuôi công nghiệp là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường cũng như đã và đang đóng góp đáng kể vào tổng phát thải khí nhà kính Việt Nam.

Kết quả kiểm kê cho thấy phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi bò và chăn nuôi lợn luôn chiếm phần lớn nhất trong tổng phát thải khí nhà kính của ngành.

Phát thải khí metan từ phân động vật gây ra trong điều kiện yếm khí trong các hầm khí sinh học (biogas) hoặc ở những nơi chứa phân động vật số lượng lớn nhưng điều kiện thông khí kém. Do vậy, phát thải khí metan lớn nhất thường xảy ra đối với các động vật chăn nuôi tập trung và sử dụng nhiều nước để làm vệ sinh chuồng trại như chăn nuôi lợn thịt.

Nhìn từ kinh nghiệm giảm phát thải khí nhà kính của các nước có ngành chăn nuôi tiên tiến như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan…, quản lý khí nhà kính và các yêu cầu báo cáo khí nhà kính của các quốc gia phát triển và đang phát triển luôn bao gồm các cơ sở công nghiệp, nông nghiệp trong các giai đoạn phải báo cáo.

Trên cơ sở đó, đối với ngành chăn nuôi, kiến nghị Việt Nam áp dụng quản lý số liệu phát thải khí nhà kính của các cơ sở chăn nuôi trên cơ sở tính toán, số liệu hoạt động của Bộ NN-PTNT, trong đó cần yêu cầu các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Quy định cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính còn chưa thống nhất

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Dự thảo Quyết định ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.

Dự thảo quy định danh sách các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê thuộc các ngành công thương, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn. Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp thuộc các danh mục này.

Góp ý Dự thảo Quyết định ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng Điều 6 Nghị định 06/2022/NĐ-CP đã quy định các tiêu chí xác định cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Theo Điều 6.2 Nghị định 06/2022/NĐ-CP, Danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính nhằm mục đích chi tiết các cơ sở đáp ứng các tiêu chí tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP. Vì vậy, Danh mục trong dự thảo này cần phải đảm bảo tính thống nhất với các quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP.

kiem-ke-khi-nha-kinh-03-1712826612.jpg
Nhiều ý kiến cho rằng cần cân nhắc việc bổ sung doanh nghiệp chăn nuôi vào Danh mục kiểm kê khí nhà kính. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, qua rà soát sơ bộ, VCCI nhận thấy một số quy định còn chưa đáp ứng yêu cầu này. Như phụ lục IV Dự thảo về Danh mục cơ sở kiểm kê ngành xây dựng có quy định cả các cơ sở là bệnh viện. Quy định này là chưa phù hợp. Phụ lục I về phân loại công trình xây dựng Nghị định 46/2015/NĐ-CP quy định các bệnh viện thuộc loại các công trình y tế, không phải toà nhà thương mại.

Phụ lục III Dự thảo về Danh mục cơ sở kiểm kê ngành giao thông vận tải quy định cả các công ty kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hành khách. Quy định này là chưa phù hợp vì cơ sở kinh doanh lĩnh vực vận tải hành khách không thuộc các trường hợp phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các cơ sở trong Danh mục đảm bảo tuân thủ theo đúng các tiêu chí tại Điều 6 Nghị định 06/2022/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Dự thảo bổ sung các cơ sở trong lĩnh vực chăn nuôi. Đây là bổ sung hoàn toàn mới so với Quyết định 01/2022/QĐ-TTg, và không có trong các trường hợp tại Điều 6 Nghị định 06/2022/NĐ-CP.

Theo lý giải cơ quan soạn thảo, các cơ sở này có mức phát thải trên 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên. Tuy nhiên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc này, vì Nghị định 06/2022 không quy định các doanh nghiệp này thuộc các trường hợp kiểm kê khí nhà kính.

“Việc bổ sung doanh nghiệp vào danh mục này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ về kiểm kê và giảm phát thải tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP. Trong khi đó, không có sự tham vấn đầy đủ cũng như đánh giá tác động cụ thể đến doanh nghiệp. Khi đó, quy định này dường như chưa thống nhất với văn bản cấp trên (Nghị định 06/2022/NĐ-CP)”, VCCI nhấn mạnh.

Hơn nữa theo phản ánh của doanh nghiệp, hiện nhiều cơ sở chăn nuôi đang đối mặt với vấn đề chi phí kinh doanh lớn do các tác động từ dịch bệnh Covid-19 và các yêu cầu về di dời địa điểm chăn nuôi theo yêu cầu về bảo vệ môi trường. Quy định này sẽ ngay lập tức tạo thêm gánh nặng lên các doanh nghiệp tại thời điểm này./.

Bình Nguyên