Luật Hợp tác xã năm 2023 kỳ vọng tạo động lực phát triển kinh tế hợp tác

Với rất nhiều điểm mới so với luật hiện hành, Luật Hợp tác xã năm 2023 sẽ tạo động lực để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển.
htx-1-1703669187.jpg
Khu vực kinh tế hợp tác sẽ có nhiều khởi sắc trong thời gian tới. Ảnh minh họa

Hiện cả nước có hơn 31.700 hợp tác xã, trong đó có 20.357 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm trên 64% tổng số hợp tác xã cả nước. Số lượng hợp tác xã tăng bình quân 4,8%/năm trong 10 năm qua (2013-2022). Đặc biệt sau Nghị quyết 20 được ban hành, số lượng hợp tác xã tăng mạnh, trong năm 2022 với 2.036 hợp tác xã, tăng trên 7,4% so với năm trước đó. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước sẽ có 45.000 hợp tác xã với 2 triệu thành viên tham gia.

Theo thống kê của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tính đến nay, các cấp Hội Nông dân cả nước đã vận động thành lập gần 3.800 hợp tác xã và khoảng 20 nghìn tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các ngành nghề liên quan. Bình quân hằng năm, doanh thu mỗi hợp tác xã và tổ hợp tác đạt lần lượt hơn 5,5 tỷ đồng và 400 triệu đồng. Ngoài ra, đã có hơn 700 hợp tác xã sở hữu sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (chiếm gần 20%). Các mô hình hợp tác xã nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng, nhiều hợp tác xã đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát triển khu vực kinh tế tập thể tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, theo các chuyên gia kinh tế, một trong những khó khăn của hợp tác xã ở Việt Nam là chính sách tiếp cận tín dụng và khoa học công nghệ. Hiện nay, các ngân hàng chỉ cho hợp tác xã vay theo hình thức thế chấp tài sản, chưa thực hiện theo hình thức tín chấp. Chính sách tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ còn phức tạp khiến việc mở rộng sản xuất, áp dụng công nghệ hiện đại, thuê đất cũng như xây dựng trụ sở của hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, các hợp tác xã chủ yếu hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, dựa trên các dịch vụ đầu vào; liên kết giữa các hợp tác xã và doanh nghiệp còn yếu, sức cạnh tranh trên thị trường thấp, chưa đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của thị trường hiện nay, sản phẩm cũng chưa tập trung vào nhu cầu của thành viên.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS. Mai Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam cho biết, thực tiễn khu vực kinh tế tập thể ở Việt Nam vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” do nguồn lực ít ỏi, trình độ quản lý hạn chế, cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật. Nếu không có trợ lực từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước với tầm nhìn dài hạn thì các hợp tác xã khó có cơ hội bật lên.

Đại diện các hợp tác xã cũng cho biết, họ mong muốn đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại để xuất khẩu nhưng lại gặp khó khăn trong vấn đề huy động vốn, vay vốn từ tổ chức tín dụng vì không có tài sản thế chấp. Trong khi các ngân hàng chỉ cho hợp tác xã vay theo hình thức thế chấp tài sản, chưa thực hiện theo hình thức tín chấp. Điều này khiến việc đầu tư trang thiết bị, máy móc, mở rộng sản xuất gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như giá của một máy sấy thóc hiện đại lên tới hàng tỷ đồng.

Trước những khó khăn nhiều hợp tác xã gặp phải, để tạo thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển, trong những năm qua, Luật Hợp tác xã đã qua 3 lần ban hành, sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên trong quá trình triển khai trong thực tiễn vẫn bộc lộ những bất cập. Mới đây, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Hợp tác xã 2023, với nhiều điểm mới đáng chú ý, như bổ sung quy định Quỹ chung không chia, quy định về tổng vốn góp của các thành viên liên kết không quá 30% vốn điều lệ hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã, quy định giao dịch nội bộ, chế độ kế toán, kiểm toán...; mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh tế tập thể; cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ...

Tuy nhiên, để các chính sách hỗ trợ trong Luật hợp tác xã 2023 đi được vào thực tiễn, theo đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam, cơ quan quản lý cần phải phân biệt rõ những chính sách nào cần thí điểm để đánh giá, sau đó nhân rộng thì mới hiệu quả. Chẳng hạn như chính sách miễn giảm thuế có thể thực hiện hỗ trợ trong 2-3 năm đầu, nếu sau khi hỗ trợ, hợp tác xã tiếp tục phát triển thì nên thực hiện miễn thuế để tạo động lực cho hợp tác xã phát triển.

Bên cạnh đó, trong thời điểm hiện nay, hợp tác xã không thể không chuyển đổi số nên điều quan trọng là cần tạo các nền tảng công nghệ, ứng dụng mà hợp tác xã có thể dùng chung được. Tiêu biểu như phần mềm quản lý chất lượng sản phẩm, cần có sự thống nhất để các hợp tác xã có thể dùng mới tạo được sự đồng đều, thống nhất trong chất lượng và quản lý. Và để làm được điều này cần có sự hỗ trợ cụ thể cho các hợp tác xã./.

Hương Lan