Hà Tĩnh: Tự ý san gạt hàng ngàn mét vuông đất trồng cây công nghiệp, có dấu hiệu của hành vi hủy hoại đất

Lợi dụng đất của gia đình ngay cạnh hồ thủy lợi Khe Giao (thôn Khe Giao 1, xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), một hộ dân đã san đất để trồng cây ăn quả. Việc san đất của hộ gia đình này đã gây bồi lắng lòng hồ và ảnh hưởng đến đường giao thông.

Vừa qua, Tạp chí Doanh nghiệp và kinh tế xanh nhận được phản ánh của người dân về việc hồ thủy lợi Khe Giao bị một hộ dân tự ý san gạt đất trồng cây công nghiệp (đất trồng chè) không xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có dấu hiệu của hành vi làm biến dạng địa hình, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định theo quy định của Luật đất đai năm 2013 và Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

z4281473526820-2e28cc351117ef69f80ef238bd0d691f-1681999469.jpg
Hồ thủy lợi Khe Giao có hiện tượng bị xâm lấn để trồng cây ăn quả. Ảnh: N. Duyên.

Tại hiện trường, theo quan sát của phóng viên, một lượng lớn đất đồi được san gạt kéo dài hàng trăm mét dọc bờ tả hồ thủy lợi Khe Giao. Có những điểm phần đất được hạ độ cao khoảng 4 - 5 m, chỗ rộng nhất khoảng 10m và chỗ hẹp nhất khoảng 3m. Đất vẫn còn mới và hàng trăm cây ăn quả các loại đã được trồng lên. Phía sát đường, được chôn cọc bê tông và làm rào bằng dây thép gai để bảo vệ.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Trần Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết: Người san đất và trồng cây đó là ông Nguyễn Văn Kiên. Đất đó là đất dự án 327 được cấp cho bố anh Kiên, sau khi đền bù lòng hồ thủy lợi Khe Giao thì còn lại một ít. Việc anh Kiên tiến hành san lấp như vậy là không đúng quy định, anh Kiên cũng không có báo cáo cho chính quyền địa phương. Họ tranh thủ làm vào 2 ngày nghỉ nên chúng tôi cũng không biết. Sau đó, chúng tôi đã lập biên bản và yêu cầu gia đình phải trả lại nguyên trạng ban đầu.

z4280678694513-741b818467d7b76460cf5009fdd56a23-1681999583.jpg
Phía bên tả hồ thủy lợi có hiện tượng bị xâm lấn. Ảnh: N. Duyên.

Theo đó, ngày 29/3/3023, UBND xã Ngọc Sơn, cùng đại diện Công ty thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã lập biên bản kiểm tra, biên bản xử lý vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Trong đó có nêu: ông Nguyễn Hữu Kiên tự ý san mặt bằng thửa đất cạnh đập thủy lợi Khe Giao với chiều dài 100m; diện tích ước tính 1.000m2. Đất san lấp ảnh hưởng bồi lắp đập, ảnh hưởng hành lang đường giao thông. Hiện tại, hộ gia đình đã trồng cây ăn quả, rào dây thép gai. Diện tích đất trên trước đây do Lâm trường Truông Bát giao cho hộ gia đình trồng cây công nghiệp (chè).

Cũng trong biên bản kiểm tra, ông Nguyễn Trọng Hồng - Cán bộ địa chính nêu: Diện tích đất này do Công ty cao su bàn giao cho xã quản lý từ đầu năm 2023.

Sau khi lập biên bản kiểm tra và lập biên bản xử lý vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Phía Công ty thủy lợi Nam Hà Tĩnh và UBND xã Ngọc Sơn đã yêu cầu gia đình ông Kiên phải hoàn trả lại nguyên trạng ban đầu trước ngày 30/4.

z4280678690501-dab759d9a019a98699c7cd0c81198aa6-1681999624.jpg
Phía trên anh Kiên trồng cây ăn quả, phía đất thoải xuống lòng hồ thủy lợi được trồng cây keo tràm. Ảnh: N. Duyên.

Hồ chứa nước Khe Giao trước đây do UBND huyện Thạch Hà quản lý, năm 2021, công trình được giao cho Công ty thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý, vận hành. Hồ có dung tích hơn 2,8 triệu m3, công trình phục vụ tưới cho xã Ngọc Sơn và một phần xã Thạch Ngọc của huyện Thạch Hà.

Ông Nguyễn Văn Hải - Trạm trưởng trạm Bắc Hà thuộc Công ty thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết: Phần diện tích ông Kiên san lấp đó do UBND xã Ngọc Sơn quản lý. Chúng tôi chỉ phản ánh về việc lòng hồ bị bồi lắng, còn họ có san lấp xuống lòng hồ hay không thì chưa xác định được. Và chúng tôi chỉ quản lý từ điểm cao trình trở xuống, còn từ phía cao trình đập trở lên chúng tôi không quản lý. Nhưng hiện nay vẫn chưa xác định được ranh giới của cao trình đập do lúc bàn giao UBND huyện Thạch Hà vẫn chưa cắm được mốc.

z4280678408006-171e9ee32b1327445bd97c237948a7b4-1681999655.jpg
Một khối lượng đất khá lớn được san gạt. Ảnh: N. Duyên.

Theo tìm hiểu, Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi hủy hoại đất đai như sau:

- Đối với trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì hình thức và mức xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ phụ thuộc vào diện tích đất bị hủy hoại mà được xác định như sau:

+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 héc ta;

+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

+ Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 01 héc ta trở lên.

- Đối với trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt đối với cá nhân vi phạm sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

- Ngoài ra, đối với các hành vi nêu trên người vi phạm còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Luật đất đai./.

Nguyễn Duyên