Hà Nội sẽ có 3 thành phố, trục sông Hồng sẽ là điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô

TP Hà Nội đề xuất áp dụng mô hình “thành phố trong Thủ đô”. Trong tương lai, Hà Nội sẽ có 3 thành phố trực thuộc nằm ở phía Bắc, phía Tây và phía Nam. Trục sông Hồng sẽ phát triển là không gian xanh, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế xã hội và là điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.
ha-noi-them-2-thanh-pho-1-1711466615.jpg
Hà Nội sẽ thành lập 3 thành phố trong Thủ đô (Ảnh minh họa)

Thành phố Hà Nội xác định quy hoạch đô thị theo 5 vùng.

UBND TP Hà Nội vừa trình HĐND TP đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Theo đó, vùng đô thị trung tâm gồm nội đô lịch sử và khu vực mở rộng đô thị về Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì.

Vùng đô thị phía Đông của Hà Nội gồm quận Long Biên, huyện Gia Lâm. Vùng đô thị phía Bắc gồm Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn. Vùng đô thị phía Tây gồm Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Chương Mỹ. Vùng đô thị phía Nam gồm Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên.

Trục sông Hồng sẽ là điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.

Đồ án định hướng TP Hà Nội có 5 trục không gian chính, trong đó trục sông Hồng sẽ phát triển là không gian xanh, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế xã hội và là điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.

Trục không gian sông Hồng được phát triển đô thị, công viên sinh thái 2 bên bờ sông, khai thác giá trị cảnh quan, cảng sông, du lịch.

Trong đồ án, TP Hà Nội cũng giải thích rõ lý do quy hoạch sông Hồng thành biểu tượng phát triển của Thủ đô. Cụ thể, sông Hồng hội tụ các yếu tố về tự nhiên, văn hóa lịch sử.

“Trục sông Hồng sẽ được xây dựng trở thành trung tâm hội tụ, điểm nhấn quan trọng của vùng đô thị hóa đồng bằng sông Hồng”, đồ án nêu rõ.

Trục sông Hồng được phân thành 3 khu vực gồm: Đoạn 1 từ huyện Ba Vì đến cầu Hồng Hà dài 90km; đoạn 2 từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở dài 40km qua đô thị trung tâm; đoạn 3 từ Mễ Sở đến hết huyện Phú Xuyên dài 30km.

song-hong-khong-gian-xanh-diem-nhan-cua-thu-do-ha-noi-2-1711467371.jpg
Trục sông Hồng sẽ phát triển là không gian xanh, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế xã hội và là điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Xây dựng hệ thống tàu điện treo 1 ray (sky-monorail) dọc 2 bên sông Hồng.

Để thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế - xã hội, TP Hà Nội định hướng xây dựng hệ thống tàu điện treo 1 ray (sky-monorail) dọc 2 bên sông Hồng. Hệ thống đường sắt này sẽ kết nối với tuyến xe buýt đường sông, triệt tiêu sự ngăn cách về không gian của hệ thống đê tả, hữu Hồng.

Tại các điểm kết nối nhà ga của tuyến đường sắt một ray sẽ kết hợp với dịch vụ du lịch văn hóa với các giá trị vật thể và phi vật thể như bãi tắm Chử Đồng Tử, khu di tích Bà Tấm Ỷ Lan, làng cổ Bát Tràng...

Trục không gian thứ 2 là hồ Tây - Ba Vì, được kết hợp đồng bộ không gian đại lộ Thăng Long, quốc lộ 6. Khu vực này được xây dựng trục kết nối văn hóa Thăng Long - Xứ Đoài và vùng miền núi, trung du phía bắc.

Trục không gian thứ 3 là hồ Tây - Cổ Loa. Đây là trục kết nối di sản đô thị lịch sử; kết hợp đồng bộ không gian kết nối hồ Tây - cầu Tứ Liên - Cổ Loa.

Trục không gian này được định hướng bố trí các công trình văn hóa, công trình biểu tượng, kết hợp với các làng truyền thống, cảnh quan mặt nước và khu di tích Thành Cổ Loa.

Trục không gian thứ 4 là Nhật Tân - Nội Bài, định hướng là trục phát triển kinh tế, đô thị thông minh, hiện đại, gắn với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và thành phố phía Bắc.

Trục không gian thứ 5 là trục phía Nam của Hà Nội, kết nối di sản Thăng Long - Hoa Lư, gắn với vùng di tích Hương Sơn - Tam Chúc. Gắn với cảng hàng không thứ 2 Vùng Thủ đô và đô thị Phú Xuyên, trục không gian này sẽ là động lực phát triển mới của Thủ đô.

ha-noi-thanh-lap-them-2-thanh-pho-2-1711467404.jpg
TP Hà Nội đề xuất áp dụng mô hình “thành phố trong Thủ đô”. (Ảnh minh họa)

TP Hà Nội đề xuất áp dụng mô hình “thành phố trong Thủ đô”.

Cụ thể, thời gian tới, Hà Nội sẽ dành nguồn lực xây dựng thành phố phía Bắc, nằm trên địa bàn các huyện Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn. Thành phố phía Tây thuộc khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất) và thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ).

Trong đồ án, TP Hà Nội cũng dự kiến sau khi hình thành sân bay thứ 2 vùng Thủ đô sẽ xây dựng thành phố khu vực phía Nam (huyện Phú Xuyên và Ứng Hòa). Cảng hàng không này có vai trò kết nối với ‘đô thị sân bay’ ở hai huyện phía Nam của Thủ đô.

Theo đồ án, việc hình thành khu đô thị phía Nam nhằm xây dựng trung tâm đầu mối dịch vụ vận tải tổng hợp về đường không, đường sắt (đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị), đường thủy (sông Hồng) và đường cao tốc (Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 5B - Tây Bắc).

TP phía Bắc của Hà Nội sẽ lấy sân bay Nội Bài là hạt nhân định hướng phát triển các ngành nghề, dịch vụ. Đồng thời TP phía Bắc sẽ là trung tâm dịch vụ về tài chính, công nghiệp công nghệ cao của Hà Nội. Thành phố cũng định hướng khu vực này có các trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao giải trí.

Theo quy hoạch thành phố phía Bắc Hà Nội có tổng diện tích khoảng 633km2, quy mô dân số đến năm 2045 khoảng 3,25 triệu người.

Đất đô thị của thành phố này khoảng 385km2, dân số khoảng 2,92 triệu người; khu vực khác rộng khoảng 248km2 với dân số khoảng 330 nghìn người. Thành phố phía Bắc có khoảng 45 phường và 24 xã.

TP phía Tây có trung tâm là khu công nghệ cao Hòa Lạc và thị trấn Xuân Mai. Hà Nội định hướng thành phố này sẽ là trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm bán dẫn, phần mềm, trí tuệ nhân tạo.

Thành phố này có diện tích khoảng 251km2, dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người. Trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 135km2, dân số 1,08 triệu người; khu vực ngoại thị khoảng 116km2 với dân số 120 nghìn người. Định hướng TP phía Tây có 16 phường và 8 xã.

Trong quy hoạch, thành phố cũng định hướng khu đô thị nông thôn ở phía Nam, gồm các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên. Nơi đây sẽ trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao và là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch tín ngưỡng của Thủ đô./.

Trường Giang