Gói vay ưu đãi 20 nghìn tỷ: Chỉ một phần nhỏ được hưởng lãi suất ưu đãi

Sau hơn 1 năm triển khai gói 20 nghìn tỷ đồng vốn vay ưu đãi dành cho người lao động, công nhân, kết quả đạt được đến nay không được như mong đợi.
cach0024-20220816100726990-avatar-15x10-20220816101538270-1698826853.jpeg
Gói 20 nghìn tỷ đồng vốn vay ưu đãi dành cho người lao động, công nhân chưa đạt kết quả như mong đợi.

Vay gói “ưu đãi” với lãi suất… thông thường

Tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước, Tổng liên đoàn lao động cùng với 2 công ty tài chính là HD Saison và FE Credit đã ký kết triển khai gói 20 nghìn tỷ đồng vốn vay ưu đãi dành cho người lao động, công nhân để phục vụ nhu cầu chi tiêu, sinh hoạt.

Đây là một trong những chính sách quan trọng nhằm đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen theo chỉ đạo của Chính phủ.

Với gói tín dụng này, người lao động có thể được vay với mức lãi suất thấp từ 15 -25%/năm, tương đương chỉ bằng 50% lãi suất thị trường, với mức vay lên tới 70 triệu đồng cho các nhu cầu tiêu dùng hàng ngày.

Gói này được giải ngân qua 2 công ty là HD Saison và Fe Credit, thông qua nhiều hình thức như cho vay bằng tiền mặt, cho vay trả góp, hoặc chi tiêu qua thẻ tín dụng.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai gói tín dụng, kết quả đạt được đến nay không được như mong đợi.

Phát biểu tại Hội thảo “Gỡ khó cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tín dụng đen” tổ chức mới đây, bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tới nay, gói này đã giải ngân được gần 7.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 300 tỷ đồng (tương đương 4,3%) được vay với mức lãi suất từ 15-25%/năm, còn lại 6.700 tỷ đồng cho vay theo mức lãi suất áp dụng cho khách hàng dân sự bình thường của các công ty tài chính.

“Đây là điều rất đáng tiếc vì đáng ra toàn bộ số 7.000 tỷ đồng đó công nhân phải được vay với lãi suất ưu đãi”, bà Hà nói.

Nguyên nhân khiến số lượng công nhân tiếp cận được với mức lãi suất ưu đãi thấp, theo bà Hà, là do nhận thức của người lao động với hoạt động tín dụng còn rất hạn chế.

“Người lao động chưa hiểu cặn kẽ về gói tín dụng này, ngay cả cán bộ công đoàn còn chưa phân biệt được mức lãi suất cho vay của công ty tài chính và mức lãi suất cho vay của ngân hàng”, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay.

Bên cạnh đó, nhiều công nhân cho rằng mức lãi suất ưu đãi còn cao. Mặt khác, chưa có sự hợp tác của các doanh nghiệp sử dụng lao động.

“Để người lao động được vay vốn với lãi suất ưu đãi, doanh nghiệp sử dụng lao động phải cung cấp thông tin người vay, thông tin về tiền lương của người lao động và thông tin về quản lý lao động của doanh nghiệp với 2 công ty tài chính. Tuy nhiên, người sử dụng lao động lại rất e ngại vấn đề này”, bà Hà nói.

Cũng theo vị này, mục đích vay của người lao động cũng đang có vấn đề. Những người lao động là đối tượng được vay ưu đãi là những đối tượng làm việc trong khu vực bền vững, thu nhập bền vững...

Tuy nhiên, phần lớn khách hàng vay vốn trực tiếp qua 2 công ty tài chính vay với mục đích không bền vững, không phải để tạo ra thêm việc làm hay sử dụng cho mục đích con cái, gia đình,… Chính điều này đã góp phần tạo ra nợ xấu cao cho các công ty tài chính tiêu dùng.

“Người đi vay quyết định lãi suất”

Dưới góc nhìn từ phía công ty triển khai gói tín dụng này, ông Nguyễn Đình Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty HD Saison chia sẻ, khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai đó là sự hợp tác, thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan các cấp và đặc biệt là công đoàn cơ sở.

"Quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy nhu cầu vay tín dụng tiêu dùng của công nhân hiện nay rất lớn, dự báo có thể lên tới 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong công tác triển khai còn nhiều khó khăn, nhưng khó khăn chủ yếu là nhận thức của người đi vay, cơ quan quản lý và công tác truyền thông còn hạn chế", ông Đức nói.

Để việc triển khai gói tín dụng 20.000 tỷ đồng hiệu quả, công nhân hưởng được mức lãi suất ưu đãi từ 15-25%/năm, ông Đức cho rằng cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông trong thời gian tới. Đồng thời, công đoàn cơ sở, chủ doanh nghiệp phải phân biệt được giữa tài chính tiêu dùng chính thống và tín dụng đen.

"Bản thân cán bộ công đoàn cơ sở, chủ doanh nghiệp phải nhận thức được lợi ích gói vay tiêu dùng thì mới đẩy lùi được tín dụng đen", ông Đức nhấn mạnh.

Về kiến nghị mức lãi suất cho vay còn cao, ông Đức cho rằng, mức lãi suất cao hay thấp không phụ thuộc vào các công ty tài chính.

“Đây là trăn trở lớn của chúng tôi. Với vai trò là người cho vay, chúng tôi luôn luôn mong muốn và cũng đã cam kết với Ngân hàng Nhà nước làm sao hạ mức lãi suất xuống mức thấp nhất có thể. Tuy nhiên, tôi khẳng định lãi suất không phụ thuộc vào các công ty tài chính mà phụ thuộc vào chính người đi vay. Nếu người đi vay có ý thức trả nợ tốt thì lập tức rủi ro mang lại cho các công ty tài chính được kiểm soát và từ đó lãi suất sẽ được hạ”, ông Đức nói.

Trần Thúy