“Giảm lãi suất không phải là đũa thần với doanh nghiệp bất động sản, họ sẵn sàng trả lãi cao”

Chuyên gia cho rằng, giảm lãi suất không phải là “đũa thần” khi mà họ không tiếp cận được vốn bởi tình hình tài chính suy giảm, không còn tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo giảm mạnh giá trị.
ts-tri-hieu-1695202808.jpg
Quan điểm được chuyên gia đề cập tại hội thảo về bất động sản diễn ra sáng ngày 20/9 tại TP.HCM.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính đề cập tới khả năng tăng lãi suất trong tuần này của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), trước đó Chủ tịch FED để mở khả năng tăng lãi suất. Chuyên gia này cho rằng, có khả năng Mỹ sẽ tăng 0,25% lãi suất để kiềm chế lạm phát, do hiện lạm phát Mỹ vẫn ở 3,3-3,5%, cao hơn nhiều mục tiêu 2%.

Nếu FED tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng ra sao tới Việt Nam? Theo chuyên gia, thứ nhất ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán. Nếu Mỹ tăng lãi suất sẽ làm cho thị trường này biến động vì giá trị của USD tăng lên, đẩy VNĐ xuống. Theo đó, các NĐTNN có thể rút bớt tiền ra khỏi thị trường Việt để đầu tư vào thị trường được định nghĩa bằng USD. Thứ hai là ảnh hưởng tới tỷ giá. NĐTNN đầu tư vào Việt Nam họ mong tỷ giá ổn định, khi tỷ giá tăng sẽ bất lợi.

Về tỷ giá, TS.Hiếu không đồng tình với quan điểm tỷ giá lên xuống hiện không đáng e ngại. Vị này cho biết, hiện tỷ giá VNĐ/USD là 24.300 đồng, nếu tăng lên 24.500 đồng đã có sự lo lắng và nếu tăng lên 25.000 đồng là rất quan ngại.

“Vì Việt Nam là nước dựa nhiều vào xuất nhập khẩu. Khi tỷ giá lên, dĩ nhiên có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng bất lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu. Trong khi hàng xuất khẩu của Việt Nam lại dựa nhiều vào hàng nhập khẩu, chúng ta nhập nhiều để phục vụ xuất khẩu và nhu cầu nội địa. Khi tỷ giá tăng, tất cả hàng hóa nhập khẩu đổi ra tiền đồng tăng lên, ảnh hướng tới lạm phát. Nên tỷ giá là vấn đề lớn”, TS. Hiếu nhận định.

Với kinh tế trong nước, chuyên gia này đồng tình với quan điểm chúng ta đang ở giai đoạn khó khăn. Khi mà GDP 6 tháng tăng 3,72%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6,5% cho cả năm. 8 tháng đầu năm, số doanh nghiệp phá sản bình quân 15.000 doanh nghiệp/tháng, cao hơn con số năm ngoái là 10.000 doanh nghiệp/tháng; vốn FDI đăng ký giảm…

“Thị trường chứng khoán lình xình quanh 1.200 điểm, tôi cho rằng để lên 1.250 - 1.300 điểm là khó. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng sau loạt vụ việc Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát khiến nhà đầu tư mất niềm tin. Trái phiếu riêng lẻ vừa qua ra mắt sàn giao dịch nhưng cũng không có sự sôi động…”, chuyên gia tài chính nêu.

Theo TS. Hiếu, vấn đề được quan tâm lớn hiện nay là ngân hàng. Từ đầu năm tới nay, NHNN đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, kéo lãi suất huy động giảm 3-4%, thậm chí có ngân hàng giảm mạnh hơn. Lãi suất cho vay theo đó giảm, ít nhất là 2%, là mức giảm chưa đủ để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Các ngân hàng hiện nhiều vốn, thanh khoản không phải là vấn đề. Tăng trưởng tín dụng toàn ngành thấp khi 8 tháng chỉ đạt 5,3%, mục tiêu cả năm là 14%, từ nay cuối năm phải chạy nước rút để tăng trưởng tín dụng như đề ra.

Ngân hàng ế vốn trong khi các doanh nghiệp bất động sản cần vốn tìm đến ngân hàng nhưng nhận được cái lắc đầu. Tại sao?

Theo TS. Hiếu, thứ nhất, rủi ro nền kinh tế đang tăng lên, rủi ro khách hàng của ngân hàng tăng lên. Nhìn lại con số 15.000 doanh nghiệp phá sản/tháng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lẫn nội địa không có đơn đặt hàng. Họ không cần thêm vốn vì càng sản xuất càng có hàng tồn kho trong khi không đẩy hàng ra bán được. Muốn có hàng tồn kho thì phải đi vay, càng vay càng lỗ nên họ không đi vay.

Nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn đi vay cũng khó vì không còn tài sản thế chấp hoặc giá trị tài sản thế chấp xuống thấp.

“Vay vốn là vấn đề lớn hiện nay của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản. Tình trạng của nhiều ngân hàng Việt, giá trị của tài sản thấp hơn dư nợ vì thế ngân hàng sợ cho vay. Nếu như trước đây, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu nhưng kênh này hiện không huy động được”, TS. Hiếu đánh giá.

Ngân hàng NHNN liên tục giảm lãi suất. Điều này, theo chuyên gia là tốt cho doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn, giúp họ giảm chi phí hoạt động. Nhưng với doanh nghiệp bất động sản, giảm lãi suất không phải là “đũa thần” khi mà họ không tiếp cận được vốn bởi tình hình tài chính suy giảm, không còn tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo giảm mạnh giá trị. Thực tế, doanh nghiệp bất động sản sẵn sàng trả lãi cao nếu họ bán được sản phẩm.

“Kết luận, tôi chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm với thị trường bất động sản, thị trường vẫn trầm lắng. Vấn đề khai thông nguồn vốn có lẽ kỳ vọng vào 2024, từ nay tới cuối năm vẫn nhìn thấy nhiều ách tắc về vốn. Tuy nhiên, tôi cho rằng phía Nam thấy cơ hội nhiều hơn phía Bắc, với các dự án sân bay Long Thành, Vành đai 3. Nhu cầu thị trường này cũng lớn hơn. Tôi không lạc quan nhưng tôi hy vọng thị trường bất động sản ấm dần lên, đặc biệt qua 2024”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Huyền Châm