Giá trị sản xuất công nghiệp của Bắc Giang đạt hơn 60 nghìn tỷ đồng trong tháng 5

Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Giang (giá hiện hành) trong tháng 5/2024 ước đạt hơn 60,7 nghìn tỷ đồng; cộng dồn 5 tháng ước đạt hơn 266 nghìn tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, bằng 40,09% so với kế hoạch năm.
image-20231003115906-1-1716459702.jpeg
Bắc Giang tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển và mở rộng sản xuất. Ảnh minh họa

Đánh giá chung trong 5 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Giang vẫn tiếp đà tăng trưởng mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước ước đạt 4.900 tỷ đồng, tăng 9,5%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 26.969 tỷ đồng, tăng 14,3%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 235 nghìn tỷ đồng, tăng 27,9%.

Những nguyên nhân giúp cho giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Giang tiếp tục tăng cao chủ yếu là do một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh mở rộng sản xuất và hoạt động ổn định như: Công ty Luxshare ICT; Công ty Luxshare Vân Trung; Công ty Fukang.

Ngoài ra, có một số ngành sản xuất tăng chiếm tỷ trọng cao như: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất sản phẩm điện tử; ngành sản xuất chế biến thực phẩm; ngành sản xuất trang phục;...

Hiện nay, Bắc Giang là điểm sáng về phát triển kinh tế, trong thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghiệp, Bắc Giang tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất công nghiệp; kịp thời tháo gỡ những khó khăn về nhu cầu tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp, đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định cho sản xuất kinh doanh, các vấn đề liên quan đến mặt bằng, lưu thông phân phối... Đồng thời, đẩy mạnh rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục tập trung mở rộng quy mô, quan tâm nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, hướng đến xây dựng "hệ sinh thái công nghiệp bền vững"; thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư theo phương châm lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí ưu tiên; tập trung phát triển một số ngành mũi nhọn, có tiềm năng như: điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học, sản xuất pin năng lượng mặt trời, dệt may, cơ khí, chế biến nông sản, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án và phát triển sản xuất trên địa bàn./.

Trần Quỳnh