Giá tiêu hôm nay 16/7: Thị trường trong nước đi ngang

Theo ghi nhận thông tin tiêu dùng xanh hôm nay (ngày 16/7), giá tiêu hôm nay giảm ở một số địa phương trong khoảng từ 66.500 – 70.000 đ/kg.

Theo khảo sát, giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương, giao dịch từ 66.500 – 70.000 đ/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai, Đồng Nai, thấp nhất thị trường khi ở mức 66.500 đ/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (67.500 đ/kg); Bình Phước (68.500 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 70.000 đ/kg.

Với tình cảnh hiện nay của giá tiêu trong nước, các chuyên gia khuyên nông dân trồng hồ tiêu chỉ nên bán vừa đủ chi tiêu, khi giá tăng thì bán, khi giá giảm thì ngưng. Quan trọng là không vay tiền ôm tiêu.

gia-tieu-hom-nay-117-khong-co-bien-dong-1657930920.jpg
Giá tiêu hôm nay đi ngang ở thị trường trong nước. Ảnh minh họa.

Hiện, giá cả thị trường hàng hóa hầu hết đã tạm thời chững lại do đầu cơ rút vốn vì lo ngại rủi ro sẽ tăng cao trước phiên họp chính sách tiền tệ tháng 7 của Fed.

Trong 6 tháng đầu năm nay Việt Nam đã xuất khẩu hồ tiêu được 125.553 tấn, tiêu đen đạt 106.705 tấn, tiêu trắng đạt 18.848 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 568,8 triệu USD, tiêu đen đạt 456,4 triệu USD, tiêu trắng đạt 112,4 triệu USD.

So với cùng kỳ, lượng xuất khẩu tiêu giảm 19,1% tương đương 29.621 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu 6 tháng tăng 13,5% tương đương 67,6 triệu USD so với cùng kỳ 2021.

Về nguồn cung tiêu, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam ước tính sản lượng tiêu Việt Nam trong năm 2022 có thể giảm 10% còn 175.000 tấn. Hiện Việt Nam đang chiếm tới hơn 50% thị phần tiêu trên toàn thế giới.

Về niên vụ 2023, trong nước hiện đã ghi nhận những tín hiệu khả quan đầu tiên. Đó là việc mùa mưa đến đúng lúc, và quá trình thụ phấn của cây tiêu tốt hơn so với năm ngoái. Tuy vậy thời gian qua, tại một số huyện, thị xã vùng Tây Nguyên đã xuất hiện nhiều loại sâu bệnh gây hại cây trồng.

Bên cạnh đó, đến thời điểm này, diện tích trồng tiêu một số nơi ở Tây Nguyên cũng giảm so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân là khi được giá, nông dân đầu tư trồng tiêu trên nhiều loại đất khác nhau, chăm bón nhiều phân vô cơ, phân bón lá, kích thích sinh trưởng, sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật... Khi giá tiêu giảm mạnh nông dân đã không chăm sóc, không phòng trừ sâu bệnh dẫn đến cây tiêu bị suy kiệt, giảm sức chống chịu với dịch bệnh nên tiêu chết hàng loạt.

Trên thị trường thế giới, theo Antara News, trong quý I/2022, xuất khẩu hạt tiêu đen của Indonesia tăng hơn 40% so với mức ghi nhận được vào cùng kỳ năm ngoái.

Bà Rini Satriani, Giám đốc Viện Tài trợ Xuất khẩu (LPEI) của Ngân hàng Eximbank Indonesia (IEB), cho biết: “Sức cạnh tranh của tiêu đen Indonesia trên thị trường toàn cầu khá cao, trở thành một lợi thế cho nước này trong xuất khẩu”.

Bà nói thêm rằng, điều này cũng được hỗ trợ bởi việc sử dụng các sản phẩm tiêu đen trong ngành thực phẩm và đồ uống.

Anh Vân (t/h)