Quảng cáo #128

Giá cao là lý do khiến sản phẩm xanh vẫn chưa đủ hấp dẫn với người tiêu dùng Việt Nam

Kết quả khảo sát Tiêu dùng Xanh 2024 vừa được công bố đã hé lộ bức tranh đầy thách thức đối với hành vi tiêu dùng xanh của người Việt Nam. Theo đó, giá cả sản phẩm xanh được cho là rào cản lớn nhất, khiến người tiêu dùng phải ngần ngại khi đưa ra lựa chọn.
465021166-1069297535195345-5280363350731535138-n-1730457004.jpg
Theo thông tin từ Cuộc khảo sát tiêu dùng xanh 2024, rào cản lớn nhất đối người tiêu dùng hiện nay trong việc tiêu dùng xanh là sản phẩm xanh có giá cao. Ảnh minh họa.

Vừa qua, tại buổi họp báo thông tin về Vòng Chung kết cuộc thi Khởi nghiệp Xanh - Phát triển bền vững, Kết quả khảo sát tiêu dùng xanh 2024 vừa được công bố bởi Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao và Dự án Hàng Việt Nam Chất lượng cao - Chuẩn hội nhập. Báo cáo cho thấy, dù xu hướng tiêu dùng xanh đang ngày càng được chú trọng, nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam đối với sản phẩm xanh vẫn chưa thực sự bùng nổ.

Theo ông Nguyễn Văn Phượng, Phụ trách điều tra thị trường của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho biết, kết quả khảo sát cho thấy việc lựa chọn sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh chưa phải là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay.

Thực tế cho thấy tiêu dùng xanh trong các cộng đồng dân cư còn khá mờ nhạt. Thậm chí, ngay tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh - hai trung tâm kinh tế - văn hóa lớn nhất cả nước - tỷ lệ người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm xanh cũng chỉ đạt mức khiêm tốn, khoảng 12% - 18%.

Điều đáng chú ý là, người tiêu dùng tiếp cận thông tin về sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh chủ yếu thông qua không gian mạng, các nguồn thông tin khác như kinh nghiệm bản thân, người thân, người bán… chỉ chiếm tỷ lệ thấp hơn (dưới 40%). Điều này cho thấy, đối với phần lớn người tiêu dùng, vấn đề tiêu dùng xanh vẫn còn khá mới mẻ, họ chưa có nhiều trải nghiệm thực tế. Do đó, thông tin từ không gian mạng đã trở thành nguồn thông tin chủ đạo, khiến truyền thông xã hội trở thành công cụ quan trọng nhất trong việc lan tỏa thông điệp về sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh đến người tiêu dùng hiện nay.

464832829-8775701859118426-1328976548504346706-n-1730457781.jpg
Người tiêu dùng chủ yếu tiếp cận thông tin về sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh qua không gian mạng, các nguồn thông tin khác như kinh nghiệm cá nhân, người thân, người bán,...

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, sự lựa chọn kênh mua sắm sản phẩm xanh của người tiêu dùng phụ thuộc vào loại sản phẩm và mức độ cung ứng của các kênh phân phối. Cụ thể, cả kênh GT (kênh cung cấp hàng hóa truyền thống) và MT (kênh siêu thị) đều chiếm tỷ lệ tương đương nhau (67% và 66%) trong hoạt động cung ứng sản phẩm xanh. Đáng chú ý, kênh Online - kênh mới nổi những năm gần đây - đã chiếm tỷ lệ đáng kể với khoảng 45%.

Trong các kênh GT, đại lý và cửa hàng chuyên về sản phẩm xanh vẫn là điểm đến được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất (58%). Trong khi đó, hai kênh tạp hóa và sạp chợ khá lép vế trong việc cung ứng sản phẩm xanh. Đối với kênh MT, siêu thị vẫn là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng (49%), trong khi sàn Thương mại điện tử hiện đang chiếm vị trí chủ đạo trong các kênh Online.

Đối tượng khách hàng chính yếu của sản phẩm xanh hiện nay là những người tiêu dùng trong độ tuổi từ 31 đến 45 tuổi, có trình độ đại học, có nghề nghiệp ổn định và mức thu nhập từ 15 triệu đến 30 triệu. Tuy nhiên, tùy thuộc vào đặc trưng tiêu dùng của từng loại sản phẩm, đối tượng khách hàng chính yếu của từng ngành hàng có sự chuyển dịch nhất định.

Mặc dù nhận thức về lợi ích của tiêu dùng xanh ngày càng được nâng cao, song hành trình chuyển đổi sang lối sống bền vững vẫn còn nhiều thử thách. Rào cản lớn nhất đối với người tiêu dùng hiện nay là giá cả sản phẩm xanh. Theo kết quả được công bố, 78% người tiêu dùng cho rằng sản phẩm xanh có giá cao hơn so với sản phẩm thông thường, trở thành trở ngại lớn nhất trong việc lựa chọn tiêu dùng xanh.

sieu-thi-4198-1647597607-jpeg-7525-1655527056-1730458008.jpg
Theo khảo sát, hơn 20% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả tăng thêm trên 10% so với sản phẩm thông thường để sử dụng sản phẩm xanh. Ảnh minh họa.

Bên cạnh giá cả, sự sẵn có của sản phẩm xanh cũng là vấn đề khiến người tiêu dùng e ngại. Khảo sát cho thấy, sự thiếu thông tin định hướng, chưa có chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh và lòng tin vào chất lượng sản phẩm xanh cũng là những rào cản đáng kể. 18% người tiêu dùng bày tỏ sự phàn nàn về chất lượng hàng hóa không đúng như cam kết của nhà sản xuất, làm giảm niềm tin đối với sản phẩm xanh lưu thông trên thị trường.

Đặc biệt, nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng, chủ yếu là người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, vẫn còn hạn chế về vấn đề bảo vệ môi trường khi tiêu dùng. Mức độ hiểu biết của họ về tiêu dùng xanh còn khá thấp. Kết quả khảo sát cho thấy 7% người tiêu dùng cho biết họ cảm thấy chưa cần thiết phải tiêu dùng xanh.

Tuy nhiên, bên cạnh những rào cản, khảo sát cũng cho thấy sự sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm xanh của người tiêu dùng. Kết quả khảo sát cho thấy, hơn 20% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả tăng thêm trên 10% so với sản phẩm thông thường để sử dụng sản phẩm xanh. Mức độ chi trả tăng thêm được người tiêu dùng hưởng ứng nhiều nhất là chi tăng thêm từ 5% đến 10% so với sản phẩm thông thường.

Cuộc khảo sát Tiêu dùng xanh 2024 được tổ chức trên diện rộng, cung cấp cái nhìn toàn diện về nhu cầu, mong muốn, và hành vi của người tiêu dùng. Đây là cơ hội quý báu để doanh nghiệp tiếp cận những dữ liệu quan trọng, giúp cải tiến sản phẩm, đáp ứng đúng nhu cầu tiêu dùng bền vững, và từ đó, nâng cao uy tín thương hiệu./.

Lê Thu