Gạo Việt đối mặt với canh tranh tại thị trường Philippines khi gạo Thái Lan tăng thị phần

Trong quý I/2024, lượng gạo Thái Lan xuất khẩu vào thị trường Philippines tăng cao so với trước đây. Đây là tín hiệu cảnh báo đối với gạo Việt Nam khi hàng Thái Lan bắt đầu gia tăng thị phần tại thị trường này.
xuat-khau-gao-01-1711613445.jpg
Những năm gần đây, Philippines vẫn là thị trường tiêu thụ gạo hàng đầu của Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Nhiều áp lực cho gạo Việt tại thị trường Philippines

Theo báo cáo của Cơ quan quản lý xuất khẩu nông sản - Bộ Nông nghiệp Mỹ, lượng gạo nhập khẩu của Philippines năm nay ở mức 4 triệu tấn, thay vì mức dự báo 4,1 triệu tấn như trước. Bởi, sản xuất lúa trong nước của Philippines hy vọng sẽ đáp ứng được mức tăng nhẹ của nhu cầu tiêu thụ nội địa.

Thương vụ Việt Nam tại Philippines dẫn số liệu từ Bộ Nông nghiệp Philippines cho hay, tính đến ngày 7/3, quốc gia này nhập khẩu tổng cộng hơn 793.753 tấn gạo. Vẫn như mọi năm, gạo Việt Nam chiếm phần lớn, với khối lượng gần 431.850 tấn, chiếm 54,4% tổng lượng nhập của Philippines. Tiếp theo là Thái Lan với 210.127 tấn, chiếm 26,5%.

Như vậy, trong quý I/2024, lượng gạo Thái Lan xuất khẩu vào thị trường Philippines tăng cao so với trước đây. Đây là tín hiệu cảnh báo đối với gạo Việt Nam khi hàng Thái Lan bắt đầu gia tăng thị phần tại thị trường này.

xuat-khau-gao-03-1711613428.jpg
Trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Philippines 3,1 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 1,75 tỷ USD.(Ảnh minh họa)

Trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Philippines 3,1 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 1,75 tỷ USD, tuy giảm 2% về lượng nhưng tăng tới 17,6% về giá trị so với năm trước đó. Gạo của Việt Nam chiếm thị phần trên 80% tại thị trường Philippines.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, sản xuất gạo của Philippines sẽ đạt 12,13 triệu tấn do El Nino khả năng sẽ giảm vào tháng 4 và tháng 5/2024, cũng như chương trình hỗ trợ ngành sản xuất lúa gạo của Chính phủ nước này bằng việc tăng cường sử dụng phân bón và giống tốt. Chính phủ Philippines, thông qua Bộ Nông nghiệp, đã hỗ trợ 30,8 tỷ pesos cho người trồng lúa trên cả nước. Số tiền này cao hơn rất nhiều so với 15,8 tỷ pesos hỗ trợ người trồng lúa trong năm 2022.

Cùng với sự gia tăng hỗ trợ từ chính phủ, năng suất và sản lượng lúa gạo của quốc gia này cũng tăng lên. Năm 2023, sản xuất lúa của Philippines lần đầu vượt mốc 20 triệu tấn, tăng 1,5% so với năm 2022.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần linh hoạt tiếp cận thị trường

Những năm gần đây, Philippines vẫn là thị trường tiêu thụ gạo hàng đầu của Việt Nam khi chiếm đến 38,5% tổng lượng và 37,5% tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt hơn 3,14 triệu tấn, tương đương 1,75 tỷ USD trong năm 2023, tăng 20,5% về trị giá nhưng giảm 2,46% về lượng so với năm 2022.

Tương tự đối với Philippines, Việt Nam cũng là nhà cung ứng gạo quan trọng, số 1 với 85% sản lượng gạo được nhập từ nước ta, chỉ 10% đến từ Thái Lan và số còn lại từ các nước khác như Ấn Độ, Bangladesh, Nhật Bản.

Trước đó, ông Phùng Văn Thành - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines nhận định, dư địa cũng như cơ hội vẫn còn để doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta tiếp tục khai thác mở rộng thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào Philippines.

xuat-khau-gao-02-1711613511.jpg
Đầu năm 2024, Thái Lan đang gia tăng thị phần xuất khẩu gạo tại Philippines cạnh tranh với gạo Việt Nam.(Ảnh minh họa)

Tham tán Thương mại tại Philippines dự báo, 2024 sẽ tiếp tục là năm có nhiều biến động, khi Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới duy trì lệnh cấm xuất nhập khẩu, gây ảnh hưởng đến nguồn cung; ngược lại, Trung Quốc và Indonesia có động thái gia tăng nhập khẩu, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Phùng Văn Thành kiến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước đừng vì tranh thủ những cơ hội mới ở những thị trường mới mà vơi bớt sự quan tâm tại thị trường Philippines. Phải đảm bảo vị thế số 1 xuất khẩu gạo của Việt Nam tại nơi đây, bởi hiện nay, Thái Lan cũng đang tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần xuất khẩu gạo vào Philippines và cạnh tranh với gạo của Việt Nam.

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành triển khai các chương trình xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm gạo của Việt Nam. Ngoài ra, cần đa dạng các mặt hàng, không quá tập trung vào gạo chất lượng cao mà khai thác cả các loại gạo chất lượng trung bình để phục vụ cho số lượng lớn người dân có thu nhập trung bình và thấp. Theo quy định tại Lệnh số 50 do Tổng thống Ferdinard R. Marcos Jr. ký, gạo từ các nước nhập khẩu vào Philippines đều phải chịu mức thuế nhập khẩu 35% - áp dụng đến cuối năm 2024./.

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, từ đầu năm đến nay, giá gạo xuất khẩu của nước ta biến động theo chiều hướng giảm mạnh. Đến ngày 27/3, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam giảm lần lượt về mức 582 USD/tấn và 558 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo cùng loại của Thái Lan lần lượt ở mức 599 USD/tấn và 551 USD/tấn.

Dù giá gạo xuất khẩu sụt giảm mạnh, nhưng thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta đã vượt mốc 1 tỷ USD tính đến ngày 15/3. Ngành lúa gạo đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn trong năm nay, kim ngạch ước đạt 5 tỷ USD.

Bình Nguyên