Gắn trách nhiệm lãnh đạo địa phương trong bảo vệ môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải

Các địa phương, bộ, ngành đã quyết tâm nhưng hiệu quả chưa cao, đồng thời đề nghị các đơn vị chuyên môn của Bộ TN&MT cần tiếp tục chỉ ra đúng nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể gắn với các Bộ, ngành, đặc biệt là của các địa phương để xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.
bao-ve-moi-truong-he-thong-ba-hung-hai-01-1716428460.jpg
Cống Xuân Thụy (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) có nhiều thời điểm đen ngòm sủi bọt trắng. (Ảnh VOV)

Cần phối hợp đồng bộ xử lý ô nhiễm ở công trình Bắc Hưng Hải

Sau khi có Thông báo số 315/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Hội nghị về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, các Bộ, ngành và địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp, nhiệm vụ được phân công. Thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã chung tay và thực sự chuyển động để xử lý ô nhiễm ở công trình Bắc Hưng Hải.

Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), sau Thông báo số 315, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã trực tiếp đi thị sát và làm việc với các Bộ, ngành, địa phương về công tác xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Đến nay, các hoạt động về quản lý đã được thực thi, chất lượng nước đã được cải thiện, một số thông số ô nhiễm đã giảm, tuy nhiên, mức độ ô nhiễm vẫn ở mức cao.

Bộ TN&MT đã xây dựng dự thảo chỉ thị về các giải pháp cấp bách tăng cường kiểm soát ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông, trong đó có hệ thống Bắc Hưng Hải. Thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt hệ thống Bắc Hưng Hải”;

Điều tra, đánh giá và đề xuất phương án thí điểm phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm các sông Bắc Hưng Hải; xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia trong đó có quản lý các thông tin nguồn thải phát sinh nước thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải, năm 2024 sẽ hoàn thiện hệ thống và hướng dẫn các địa phương cập nhật thông tin và chia sẻ dữ liệu cho các Bộ, ngành, địa phương;

Rà soát, xây dựng dự thảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia đối với nước thải nhằm kiểm soát chặt chẽ nước thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả ra môi trường nói chung và hệ thống Bắc Hưng Hải nói riêng...

Cùng với đó, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường (C05) và công an 4 địa phương đã xử lý hàng trăm vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính gần 28 tỷ đồng. Về phía các địa phương cũng đã chủ động việc tích hợp trong quy hoạch tỉnh các công trình xử lý nước thải tập trung. Trước mắt, ưu tiên dự án đầu tư cho các khu đô thị, khu dân cư tập trung có hoạt động xả thải trực tiếp ra hệ thống Bắc Hưng Hải.

Tuy nhiên, hiện nay, mức độ ô nhiễm ở hệ thống Bắc Hưng Hải vẫn ở mức cao, đặc biệt vào mùa khô. Nguyên nhân là do lượng nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề, cụm công nghiệp không được thu gom, xử lý, vẫn xả thẳng ra sông.

bao-ve-moi-truong-he-thong-ba-hung-hai-03-1716428504.jpg
Cống Xuân Quan - công trình đầu mối hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải lấy nước từ sông Hồng. (Ảnh minh họa)

Các địa phương nằm trong hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đề nghị Trung ương chỉ đạo bố trí các nguồn lực đầu tư cho các công trình xử lý nước thải tập trung, chú trọng ở các khu đô thị cũ nằm ven sông. Tăng cường phối hợp giữa các địa phương đầu nguồn và cuối nguồn, vận hành điều tiết nguồn nước hợp lý để đảm bảo sinh hoạt, sản xuất cho người dân.

Đặc biệt, các địa phương đề nghị Hà Nội – nơi đầu nguồn của hệ thống, xả thải trực tiếp ra sông, phải thực sự quyết tâm xử lý các nguồn gây ô nhiễm. Cần kiên quyết hơn trong xử lý các vi phạm môi trường.

Theo Trung tướng Trần Minh Lệ - Cục trưởng Cục C05, Bộ Công an đang nghiên cứu đề nghị xử lý hình sự các đơn vị cố tình vi phạm xả thải gây ô nhiễm để giải quyết dứt điểm tình trạng cố tình vi phạm, tái phạm. Đối với Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải phải chủ động quan trắc, giám sát phát hiện các điểm ô nhiễm để đề xuất giải pháp xử lý.

Theo Trung tướng Trần Minh Lệ, hiện nay Bộ Công an đã và đang làm quyết liệt việc kiểm soát hành vi xả thải gây ô nhiễm ra hệ thống Bắc Hưng Hải, tuy nhiên đó chỉ là “phần ngọn” còn “phần gốc” vẫn phải là sự quyết tâm của địa phương trong việc xây dựng các nhà máy thu gom, xử lý nước thải; và cũng đến lúc phải công khai các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm…

Gắn trách nhiệm lãnh đạo tỉnh trong việc hạn chế ô nhiễm tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh, các địa phương, bộ, ngành đã quyết tâm nhưng hiệu quả chưa cao, đồng thời đề nghị các đơn vị chuyên môn của Bộ TN&MT cần tiếp tục chỉ ra đúng nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể gắn với các Bộ, ngành, đặc biệt là của các địa phương để xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.

"Đề nghị nếu cần thiết sẽ thành lập Ban quản lý lưu vực sông và trao quyền, gắn trách nhiệm đối với lãnh đạo UBND tỉnh rõ ràng, để từ đó có sự vào cuộc quyết liệt và phối hợp, gắn kết tốt giữa các địa phương nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như có cơ hội cứu những dòng sông chết”, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.

Về cơ chế chính sách, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thông tin, hiện nay, Bộ TN&MT đang sửa Nghị định 08 trên tinh thần sẽ có gần 70% thủ tục hành chính về cấp phép, đánh giá tác động môi trường... được phân cấp cho địa phương. Bộ TN&MT sẽ ban hành kế hoạch phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quản lý theo Luật Bảo vệ môi trường 2020; phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường để khoanh vùng và có phương án giám sát đặc biệt (dùng ảnh viễn thám kết hợp số liệu quan trắc tự động) đối với những nguồn phát thải cao, có nguy cơ gây ô nhiễm trên toàn hệ thống Bắc Hưng Hải.

bao-ve-moi-truong-he-thong-ba-hung-hai-02-1716428544.jpg
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh: Cần tiếp tục chỉ ra đúng nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể gắn với các Bộ, ngành, đặc biệt là của các địa phương để xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.(Ảnh VOV)

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị các địa phương cần sớm triển khai các kế hoạch thực hiện quy hoạch của địa phương trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, rác thải, quy hoạch làng nghề, tránh tình trạng nêu lên nhưng không quyết liệt triển khai thực hiện và không chốt được thời gian đưa các công trình cải thiện môi trường vào sử dụng, giải quyết bức xúc của người dân.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh tán thành các giải pháp về truyền thông được các Bộ, ngành, địa phương đưa ra trong việc tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, đồng thời đề nghị các đơn vị cần đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ này để mỗi người dân, doanh nghiệp đều nắm được các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình trong bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường hệ thống Bắc Hưng Hải nói riêng./.

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải có 231 km kênh trục chính, trong đó có các tuyến kênh lớn chảy qua địa phận các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên như: Kim Sơn, Cửu An, Điện Biên, Tây Kẻ Sặt, Nam Kẻ Sặt, Đình Dù, Lạc Cầu, Đồng Than, Tràng Kỹ, Đình Đào, Lộng Khê-An Thổ, Lộng Khê-Cầu Xe.

Hiện nay trong “lưu vực” hệ thống Bắc Hưng Hải đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển các khu công nghiệp, đô thị, làng nghề, chăn nuôi, trồng trọt, phát triển nhanh nền kinh tế thị trường.

Cùng với sự phát triển ấy là tình trạng lấn chiếm, vi phạm công trình, xả rác thải, nước thải gây ô nhiễm nước kênh Bắc Hưng Hải. Tình trạng nêu trên xảy ra ngày càng nghiêm trọng, không thể kiểm soát, đã tác động lớn đến hiệu quả khai thác của công trình và sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi thủy sản của nhân dân.

Bình Châu