Dược liệu trồng tự phát, chưa thể xác định được đầu ra

Do chưa có quy hoạch nên việc phát triển cây dược liệu tại Việt Nam mang tính tự phát, đặc biệt do chưa xác định đầu ra cụ thể nên vẫn xảy ra tình trạng phá bỏ do không tiêu thụ được.
ray-gai-tac-dung-tieu-dom-1696215938.jpg
Cây ráy gai là một cây dược liệu giá trị kinh tế cao - Ảnh minh họa.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, phần lớn dược liệu Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Thêm vào đó, những sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe... vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ, theo kiểu “mạnh ai nấy làm”.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), thời gian vừa qua, các vùng trồng cà gai leo phát triển rất nhiều nhưng không có người thu mua, buộc họ phải phá bỏ. Hay ở Nam Định, những năm vừa qua trồng dây thìa canh để hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường nhưng cũng không có đầu ra, buộc người nông dân chặt bỏ. Người Việt Nam cứ thấy gì có lãi là ào ào vào trồng, đến một lúc nguồn cung thừa rất nhiều.

Do chưa có quy hoạch nên việc phát triển cây dược liệu tại Việt Nam mang tính tự phát, đặc biệt do chưa xác định đầu ra cụ thể nên vẫn xảy ra tình trạng phá bỏ do không tiêu thụ được. Đây là lý do khiến kim ngạch xuất khẩu dược liệu còn ở mức thấp.

Từ đó, Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền kiến nghị, các bộ, ngành phối hợp phát triển công nghiệp chế biến cây dược liệu. Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho bà con vùng trồng. Doanh nghiệp tăng cường tham gia triển lãm quốc tế nhằm tìm đối tác.

Nhà nước cần có chính sách khuyến khích nghiên cứu các dự án để nghiên cứu bảo tồn nguồn gen, giống cây thuốc xây dựng vườn cây quốc gia. Liên kết cá nhân trong và người nước phát triển dược liệu hướng đến xuất khẩu. Xác định chiến lược tiếp thị và quảng bá phù hợp. Tăng cường hiệu quả vận chuyển giao hàng, trao đổi thông tin về chính sách thương mại, nhất là chính sách mới.

Để tăng cơ hội và tạo điều kiện xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu của Việt Nam ra thị trường quốc tế, thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết, sẽ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm, bảo tồn gen, giống quý hiếm của dược liệu. Đào tạo nguồn nhân lực. Đẩy mạnh tăng cường liên doanh liên kết, phát triển thị trường xuất khẩu. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, ngành dược liệu Việt Nam. Phát triển dịch vụ logistics. Đặc biệt cần quy hoạch vùng nguyên liệu lớn nhằm tạo ra sản lượng thương mại đủ lớn, phục vụ cho xuất khẩu.

Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp, nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất, xuất khẩu sản phẩm của các địa phương. Bên cạnh đó, Bộ sẽ giữ kết nối chặt chẽ với Bộ Y tế, tạo mối liên kết với doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến dược liệu của Việt Nam...

Đông Nghi