Du lịch Xanh cần đa dạng loại hình và những đột phá về chính sách

Việt Nam cần phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh đồng nghĩa với việc tạo ra các sản phẩm du lịch xanh, thân thiện với môi trường, du lịch có trách nhiệm, tạo cơ hội việc làm và chia sẻ lợi ích với cộng đồng.

Nội dung trên được các chuyên gia chia sẻ tại Diễn đàn "Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững" do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc - UNDP và Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam tổ chức.

du-lich-xanh-01-1713155513.jpg
Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn "Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững". (Ảnh BTC)

Du lịch xanh để chung tay bảo vệ môi trường

Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, trong Quyết định 882/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 -2030, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển sản phẩm du lịch xanh. Điều này cho thấy Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm chung tay cùng thế giới giải quyết khủng hoảng khí hậu và giảm phát thải khi tuyên bố Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đối với ngành du lịch, việc thích ứng với biến đổi khí hậu vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội để Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ở Việt Nam tác động tiêu cực của Biến đổi khí hậu, sự suy thoái của môi trường đã ảnh hưởng nặng nề đến du lịch. Do vậy, du lịch Việt Nam đã từng bước triển khai du lịch xanh, loại hình du lịch dựa trên khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhằm hạn chế những tác động xấu đến môi trường sống của con người.

"Hiệp hội Du lịch Việt Nam hướng hoạt động của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam theo 4 nội dung: Phát triển các hoạt động du lịch không sử dụng rác thải nhựa; Xây dựng các tour du lịch không sử dụng phương tiện cơ giới (đi bộ, đi xe đạp...); Phát triển Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và nông thôn; Vận động dọn rác thải ở các điểm du lịch... Đây là những hoạt động gần gũi với đời sống, dễ thực hiện hiệu quả và từng bước đưa du lịch xanh vào cuộc sống".

du-lich-xanh-02-1713155496.jpg
Phải có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển du lịch theo hướng chuyển đổi xanh. (Ảnh minh họa)

Thời gian qua, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã áp dụng tiêu chí và triển khai loại hình du lịch xanh. Tại Hội An, tỉnh Quảng Nam, hơn 20 doanh nghiệp đã liên kết thành một cộng đồng làm du lịch xanh, cùng nhau xử lý rác hữu cơ, làm đồ tái chế, loại bỏ đồ nhựa dùng một lần. Tại Ninh Bình, mô hình Giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch được thực hiện tại huyện Gia Viễn bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực cũng như tính khả thi để nhân rộng mô hình ra toàn quốc.

Tại Quảng Ninh, các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến như: kỹ thuật dầu nước phân ly để lọc nước thải trước khi đưa ra môi trường, không đổ rác thải trực tiếp ra vịnh, sử dụng chai nước thủy tinh, ống hút giấy, ly giấy… Huyện đảo Cô Tô đã rất quyết liệt trong việc nói KHÔNG với rác thải nhựa khi yêu cầu du khách không mang các sản phẩm như: túi nilon, ống hút nhựa, chai nước nhựa dùng 1 lần...

Những thách thức cần đột phá trong du lịch xanh

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hà Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh, hành trình này không ít khó khăn: Khi áp dụng tiêu chí xanh cho các sản phẩm, dịch vụ, không phải du khách nào cũng nhận thức được ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường, họ vẫn phản ứng rất gay gắt khi bị ngăn cản việc dùng sản phẩm nhựa một lần; các doanh nghiệp phải đầu tư một số vốn không nhỏ vào các sản phẩm thân thiện với môi trường mà chưa có sự hỗ trợ kinh phí từ phía cơ quan quản lý nhà nước; đặc biệt là chưa có bộ tiêu chí du lịch xanh áp dụng chung trên cả nước.

"Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nêu thực tế: Hai thách thức lớn nhất mà ngành du lịch Việt Nam đang gặp phải đó là nhận thức chuyển thành hành vi của các bên liên quan trong hệ sinh thái ngành du lịch còn chưa cao. Thách thức thứ hai là từ sự cạnh tran. Vì xanh bây giờ không chỉ là cam kết chính trị mà còn là chiến lược, hành động có tính quốc gia và quan trọng hơn là xuất phát từ thị trường, từ con người với lối sống mới, cách tiêu dùng mới" ông Nguyễn Hà Hải cho hay.

Nếu ta không bắt kịp thì năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam với các nước sẽ có những khoảng cách lớn. Tôi nghĩ những cái nhìn tổng thể về mục tiêu Net Zero vào năm 2050 đã có và đã bắt đầu lan sang các ngành trong quy hoạch, nhưng dưới góc độ những cam kết, chính sách để đi vào cuộc sống vẫn còn là câu chuyện dài trước mắt".

du-lich-xanh-04-1713155611.jpg
Thời gian qua, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã áp dụng tiêu chí và triển khai loại hình du lịch xanh. (Ảnh minh họa)

Để giải quyết bài toán chuyển đổi xanh trong du lịch, TS. Phạm Lê Thảo, Phó trưởng Phòng Quản lý lữ hành, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng Việt Nam cần phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh đồng nghĩa với việc tạo ra các sản phẩm du lịch xanh, thân thiện với môi trường, du lịch có trách nhiệm, tạo cơ hội việc làm và chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Một số dạng sản phẩm đang trở thành xu hướng là: du lịch sinh thái du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp…

TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam nhấn mạnh vai trò của chính sách. Phải có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp khi họ đứng ra đầu tư về năng lượng tái tạo, sử dụng nguồn nước sạch, xử lý hệ thống nước thải, chất thải ở các khu điểm du lịch, hoặc cần hỗ trợ về thuế, tín dụng...

Ví dụ, Phú Quốc là một khu du lịch lớn nhưng hiện nay chưa có hệ thống xử lý chất thải, rác thải mà trong điều kiện nhà nước hiện chưa làm được thì cần có chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và phải đảm bảo hiệu quả cho doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi xanh, thực hiện trách nhiệm xã hội. Tôi nghĩ đó là những chính sách rất cụ thể, cần thiết để giúp thực hiện được chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hay đề án kinh tế tuần hoàn mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Theo ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch ở Việt Nam cần tập trung vào một số các vấn đề về quy hoạch xanh, quản lý điểm đến hiệu quả, du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp, du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên. Đặc biệt, phải tăng cường hiệu quả của công tác quản lý điểm đến du lịch. Quản lý điểm đến là một quá trình cần có sự vào cuộc và dẫn dắt bởi các cấp chính quyền địa phương, có sự phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân và cộng đồng địa phương, để cho tiếng nói và quan điểm của các thành phần quan trọng này được lắng nghe và phản ánh trong các giải pháp quản lý du lịch của mỗi địa phương./.

Bình Châu