Xác định doanh nghiệp làm trung tâm, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh

Đó chính là tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31/3/2023 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
anh-nha-may-san-xuat-thiet-bi-dien-tu-1680443123.jpg
Ảnh minh họa (Ảnh: Thu Hà/Báo Nhân dân)

Ngày 31/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Đồng thời, đề ra các mục tiêu sau:

- Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh khu vực kinh tế tư nhân. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt khoảng 55% đến năm 2025, 60-65% GDP đến năm 2023.

- Năng suất lao động tăng khoảng 5%/năm; hàng năm, khoảng 35-40% doanh nghiệp tư nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo; nhiều doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Chương trình hành động là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân. Đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế tư nhân.

Nghị quyết vạch ra 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu là:

(1) Hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai quyết liệt, thực hiện nghiêm túc theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao. Rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về đấu thầu, đối tác công tư (PPP); cắt giảm các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; đánh giá, tổng kết Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn; đề xuất khung pháp luật đối với hộ kinh doanh nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh mở rộng quy mô, thúc đẩy chuyển đổi thành doanh nghiệp; hoàn thiện cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất lĩnh vực nông nghiệp; phát triển các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp.

(2) Tiếp tục mở rộng khả năng tham gia thị trường của kinh tế tư nhân và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng. Trong đó, tập trung xây dựng giải pháp, chính sách khai thác hiệu quả thị trường nội địa; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ số truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tăng cường công tác phòng, chống gian lận thương mại, thao túng, chi phối thị trường, quan hệ cung - cầu hàng hóa, dịch vụ; tăng cường tính minh bạch và kiểm soát vị trí độc quyền kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics. Triển khai hiệu quả Chiến lược xuất khẩu hàng hóa. Tập trung triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

(3) Phát triển kết cấu hạ tầng và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất và hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo kết nối thuận tiện, tăng cường liên kết giữa các khu, cụm công nghiệp và khu kinh tế. Đẩy mạnh hoạt động của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng cường hoạt động cho vay trực tiếp và trài trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy cho vay gián tiếp để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp. Hoàn thiện pháp luật về đất đai, tài nguyên nhằm tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tiếp cận đất đai, tài nguyên một cách minh bạch, bình đẳng theo cơ chế thị trường. Tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tiếp cận nguồn tài chính xanh. Cơ cấu lại và phát triển an toàn, đồng bộ thị trường chứng khoán, kiểm soát chặt chẽ và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn trên thị trường chứng khoán. Hoàn thiện các chính sách về kinh doanh bất động sản, nhà ở, xây dựng tạo nền tảng cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện các hợp đồng mua sắm công theo quy định. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

(4) Tập trung hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Triển khai hiệu quả các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ. Hỗ trợ để hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực hoặc dẫn đầu trong chuỗi giá trị. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thúc đẩy tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo nhằm khuyến khích, nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo cho học sinh, sinh viên; đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng tăng thực hành, cải thiện chất lượng đào tạo nghề và kỹ năng. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao chất lượng môi trường.

(5) Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân. Tuyên truyền, phổ biến quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và chương trình hành động của Chính phủ nhằm quán triệt tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, là đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Tổ chức đối thoại công khai, đa dạng về hình thức, định kỳ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, đúng định hướng. Đồng thời, khuyến khích các chủ thể kinh tế tư nhân nêu cao tinh thần dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, đạo đức kinh doanh, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, cạnh tranh lành mạnh, liên kết hợp tác và đổi mới sáng tạo vì mục tiêu chung nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thương hiệu quốc gia, làm giàu cho đất nước./.

Trường Giang