Quảng cáo #128

Đóng góp ý tưởng cho đồ án quy hoạch thành phố Thủ Đức

Ngày 5/3, tại tọa đàm "Đóng góp ý tưởng đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức" do UBND thành phố Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh tổ chức, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức cho biết: Lãnh đạo, người dân và doanh nghiệp thành phố Thủ Đức kỳ vọng sẽ có đồ án quy hoạch chung vừa có tầm nhìn dài hạn, vừa mang tính thực tiễn đáp ứng được nhu cầu phát triển trong tương lai của thành phố Thủ Đức.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng: Định hướng thành phố Thủ Đức tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực như khoa học và công nghệ, công nghệ tài chính, y tế và chăm sóc sức khỏe, công nghệ sinh học và công nghệ sinh thái; giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao và hợp tác phát triển trong phạm vi vùng và cả nuớc. Thành phố Thủ Đức cũng hướng tới đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn, có văn hóa đặc trưng trên cơ sở bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, phát triển hạ tầng đô thị thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dưới góc độ quy hoạch, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức luôn đồng hành cùng cộng đồng doành nghiệp, mong muốn và quyết tâm lập đồ án quy hoạch phải đời thường, gắn với thực tiễn, thực thi. Vì thế trong thời gian tới, ngành quy hoạch kiến trúc sẽ biên dịch ý tưởng quy hoạch thành những sản phẩm dễ hiểu, dễ thực thi, phát triển được thành phố Thủ Đức như mong muốn và sẵn sàng mở cửa để tìm hiểu và chia sẻ nhiều hơn nữa nhằm tiếp thu tinh hoa trong đồ án quy hoạch.

Theo bà Phạm Thị Huệ Linh, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia, Bộ Xây dựng: "Việc quy hoạch thành phố Thủ Đức cần đáp ứng được nhu cầu, định hướng tương lai và cả ngắn hạn. Đây là một yêu cầu tương đối khó. Chúng ta thường có những tầm nhìn xa, do đó thường bỏ qua những giải pháp ngắn hạn". 

"Trong đợt quy hoạch chung thành phố Thủ Đức sắp tới, không chỉ áp đặt những gì áp đặt mà mở ra không gian cho sự sáng tạo, nơi cộng đồng doanh nghiệp, người dân có thể phát huy ở mọi lúc, mọi nơi. Đơn cử trên cùng một mảnh đất, chúng ta có thể phát triển, xây dựng với nhiều chức năng khác nhau tại mỗi thời điểm khác nhau. Từ quy hoạch chung đó sẽ lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết nhằm tạo công cụ khuyến khích sự phát triển", bà Phạm Thị Huệ Linh nêu ý kiến.

5b5150375dq2-2-tnwb-1646525359.jpeg
Ảnh minh hoạ

Dưới góc độ doanh nghiệp, chuyên gia, ông Jesse Boone, Giám đốc phát triển dự án Đại học FullBright bày tỏ quan tâm đến việc lập quy hoạch bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe, cung cấp thiết bị internet, quy hoạch tuyến giao thông vận tải kết nối với các tuyến metro, cao tốc cũng như phương án chống ngập lụt trong thời gian tối thiệu 100 năm do sự biến đổi khí hậu gây ra và sự bảo tồn các di tích lịch sử tại thành phố Thủ Đức.  

Còn theo bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phuc Khang Corporation, thành phố Thủ Đức cần quy hoạch theo hướng "đô thị xanh", tạo dựng những cộng đồng xanh, lan tỏa những giá trị sống xanh, bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Tươngtự, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, doanh nghiệp sẽ tham gia về mặt tài chính do đó thành phố Thủ Đức nên chú trọng huy động vốn để phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông kết nối như dự án đường Vành đai 2, Vành đai 3, cầu Cát Lái, tuyến Metro số 1…  mới tạo sức bật và đem lại thành công, sự phát triển cho thành phố Thủ Đức. 

Trong khi đó, theo đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn: Trong quá trình lập quy hoạch thành phố Thủ Đức cần xem xét đến vấn đề như các tuyến giao thông kết nối giữa thành phố Thủ Đức và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, phát triển các tuyến đường đề giảm tải cho Xa lộ Hà Nội. Bên cạnh đó, nghiên cứu quy hoạch phát triển các khu đậu, chờ cho tàu thuyền trả, lấy hàng hóa, hiện nay neo đậu rất manh mún…/.