Đối thoại, tháo gỡ khó khăn trong việc làm và an toàn lao động cho doanh nghiệp

Việc làm, an toàn lao động không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm chung của cả doanh nghiệp, tổ chức, nơi sử dụng người lao động. Một môi trường làm việc an toàn không chỉ đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người lao động mà còn tạo điều kiện để họ phát triển và cố gắng hết mình trong công việc.
1-1716526442.jpg
Ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc ITPC phát biểu tại Hội nghị.

Ngày 24/5/2024, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hò Chí Minh đã tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa Doanh nghiệp và Chính quyền Thành phố nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư trên địa bàn Thành phố và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lao động, việc làm, an toàn lao động và giáo dục nghề nghiệp. 

Đây là hội nghị đối thoại trực tiếp lần thứ 245 của Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền Thành phố. Hội nghị đã thu hút hơn 400 đại diện của các doanh nghiệp đăng ký tham dự, tiếp nhận và giải đáp hơn 86 câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về chính sách, đào tạo nguồn nhân lực và giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; hợp đồng lao động; đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề; thử việc; trợ cấp thôi việc; di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; bảo mật thông tin trong quan hệ lao động; danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; kỷ luật lao động; khám bệnh nghề nghiệp.

Bên cạnh trả lời vướng mắc của các doanh nghiệp tại Hội nghị, đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố còn giải thích chi tiết, cụ thể các chính sách, quy định pháp luật, góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Thành phố trong việc thực thi các chính sách của Nhà nước một cách kịp thời, nhanh gọn và hiệu quả.

2-1716526473.jpg
Bà Lượng Thị Tới - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị.

Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố là thành viên Hệ thống đối thoại đã gắn bó với hoạt động của Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền Thành phố kể từ khi Hệ thống được thành lập đến nay. Tính từ năm 2002 đến nay, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố đã phối hợp với ITPC tổ chức hơn 35 Hội nghị đối thoại trực tiếp và trực tuyến, thu hút hơn 6.460 doanh nghiệp (7.685 người) tham dự và trả lời hơn 2.788 câu hỏi của doanh nghiệp. 

Đối thoại về pháp luật lao động luôn nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp, đã có hơn 400 doanh nghiệp 2 đăng ký tham dự Hội nghị đối thoại này và đã có 14 doanh nghiệp gửi trước 47 câu hỏi đến Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố để được hướng dẫn, giải đáp. 

Ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc ITPC cho biết: “Với vai trò là Trưởng ban Điều hành Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền Thành phố, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố cùng các Sở, ban, ngành là thành viên của Ban Điều hành Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền Thành phố không ngừng nỗ lực để cải tiến và đổi mới hoạt động của hệ thống trong giai đoạn sắp tới nhằm phục vụ tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố”. 

“Chúng tôi hi vọng, việc phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố tổ chức Hội nghị đối thoại này sẽ tiếp tục giải quyết kịp thời những khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp trong việc thực thi các chính sách lao động, việc làm, an toàn lao động và giáo dục nghề nghiệp. Nếu có câu hỏi nào vượt quá thẩm quyền, chúng tôi sẽ tập hợp và gửi các kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền để trả lời, sau đó sẽ phản hồi về cho doanh nghiệp bằng văn bản hoặc thư điện tử”, ông Đào Minh Chánh cho biết thêm.

3-1716526501.jpg
 
4-1716526517.jpg
Đông đảo các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị.

Tại hội nghị, Đại diện Công ty Kim & Chang Việt Nam đặt câu hỏi: “Theo quy định tại Điều 47.1 Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà thuộc trường hợp bị mất việc làm quy định tại Điều 34.11 của Bộ luật này thì cứ mỗi năm làm việc trả 1 tháng tiền lương, nhưng ít nhất bằng 2 tháng tiền lương. Vậy nếu người lao động có thời gian tính tiền trợ cấp mất việc làm theo Điều 47.2 của Bộ luật này bằng 0 thì người sử dụng lao động có phải trả tiền trợ cấp mất việc làm ít nhất 2 tháng lương hay không”? 

Trả lời câu hỏi này, bà Lượng Thị Tới - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Bộ luật Lao động: “Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại khoản 11 Điều 34 của Bộ luật này, cứ mỗi năm làm việc trả 1 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 2 tháng tiền lương.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 47 của Bộ luật Lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại khoản 11 Điều 34 của Bộ luật Lao động”. 

“Trường hợp người lao động có thời gian làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên mất việc làm nhưng thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm quy định tại khoản 3 Điều này ít hơn 24 tháng thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động ít nhất bằng 2 tháng tiền lương.

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp người lao động đã làm việc thường xuyên cho doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại khoản 11 Điều 34 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động, cứ mỗi năm làm việc trả 1 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 2 tháng tiền lương theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Bộ luật Lao động, kể cả trường hợp người lao động có tổng thời gian đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bằng với thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm”, bà Lượng Thị Tới cho biết thêm./.

Đạm Quang Lê