Đổi mới hoạt động và tư duy sản xuất của các hợp tác xã

Mô hình kinh tế tập thể, đặc biệt là các hợp tác xã nông nghiệp đã phát huy vai trò tiên phong trong việc nâng cao đời sống kinh tế, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo trong vùng nông thôn của tỉnh Gia Lai.
vna-potal-chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham-hieu-qua-chuong-trinh-ocop-va-phat-trien-hop-tac-xa-nong-nghiep-stand-1635069258.jpeg
Sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang, huyện Đăk Đoa (Gia Lai). Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Theo ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, hiệu quả hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể, đặc biệt là của hợp tác xã nông nghiệp ngày càng tăng về doanh thu và lợi nhuận. Từ các liên kết hợp tác đa dạng, các mô hình hợp tác xã nông nghiệp điển hình giúp kinh tế hộ phát triển, góp phần hình thành chuỗi liên kết sản xuất đến chế biến. Qua đó, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho người lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới cũng như ổn định đời sống kinh tế cho người dân trên địa bàn.

Hiện tỉnh Gia Lai, đang có lợi thế từ các doanh nghiệp lớn hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân như: các nhà máy đường (An Khê, Ayun Pa), các nhà máy sắn (An Khê, Krông Pa, Mang Yang, Chư Prông), công ty phát triển miền núi tạo công ăn việc làm, tạo cơ hội phát triển kinh tế ổn định cho hàng nghìn hộ gia đình tham gia chuỗi liên kết.

Ngoài ra, các hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp như: Hợp tác xã nông nghiệp Chư A Thai (huyện Phú Thiện) tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm gạo an toàn; Hợp tác xã nông lâm nghiệp Long Hưng (Chư Pưh) tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cây lúa ML48; Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Tân Phượng (Đak Đoa) và Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cây cà phê...

Mô hình hợp tác xã nông nghiệp hiện là mô hình nòng cốt trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Gia Lai. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, tư duy sản xuất để nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo ra được những sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh cao.

Điển hình như hợp tác xã Nông Nghiệp và Dịch Vụ Nam Yang, huyện Đăk Đoa, sau gần 3 năm thành lập hợp tác xã đã xây dựng những sản phẩm chủ lực là: tiêu hữu cơ Lệ Chí được chứng nhận theo tiêu chuẩn của Mỹ (USDA) và châu Âu (EU); đồng thời, đăng ký thương hiệu độc quyền với logo và hình ảnh, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc của VNPT. Đặc biệt, các sản phẩm tiêu đỏ hữu cơ, tiêu sọ hữu cơ, tiêu đen hữu cơ Lệ Chí đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2019 và đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và khu vực năm 2020. Cà phê Đak Yang phân hạng đánh giá OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020.

Ông Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã nông Nghiệp và dịch Vụ Nam Yang, huyện Đăk Đoa, Hợp tác xã Nam Yang đã cộng tác với những hộ nông dân trong hợp tác xã để thống nhất về quy cách, chất lượng sản phẩm từ đó nâng giá thành sản phẩm nông nghiệp. Ngoài việc cung ứng cho khách hàng những sản phẩm đảm bảo chất lượng, gia tăng vị thế đơn vị, hợp tác xã còn là nơi tạo công ăn, việc làm và tăng thu nhập cho hàng trăm thành viên.

Cùng với phát triển các hợp tác xã, hơn 400 tổ hợp tác với trên 1.200 tổ viên trên địa bàn tỉnh Gia Lai hoạt động phù hợp với yêu cầu và tâm lý, khả năng của nông dân trong cơ chế thị trường. Từ đó, khắc phục được một số mặt yếu kém của kinh tế hộ, phát huy tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, đời sống, góp phần xoá đói giảm nghèo.

Chị Đinh Thị Viên, Câu lạc bộ dệt xã Tú An, thị xã An Khê, cho hay, từ khi thành lập, câu lạc bộ chỉ có 10 thành viên, nay đã có hơn 50 thành viên tham gia. Ngoài bảo tồn văn hóa truyền thống về dệt thổ cẩm, việc tham gia câu lạc bộ này còn giúp cho chị em địa phương kiếm thêm thu nhập từ những đơn hàng sản phẩm thổ cẩm. Nhiều gia đình giảm bớt khó khăn và có thu nhập ổn định nhờ nguồn thu từ dệt thổ cẩm này./.