Doanh nghiệp năng lượng tái tạo “đón gió”

Điện gió được đánh giá là một loại hình năng lượng đang thu hút những khoản đầu tư lớn từ doanh nghiệp, thay cho công suất các nguồn điện than dự kiến sẽ cắt giảm trong nhiều năm tới.
bao-hiem-dien-gio-chau-a-1638918729.jpg
Ảnh minh họa

Đây chính là động lực tăng trưởng của các doanh nghiệp điện gió trong dài hạn, phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo trong tương lai. Các nhà máy điện gió có khả năng đóng góp một phần không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cho hệ thống điện quốc gia.

Trên thị trường niêm yết ghi nhận nhiều doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực phát triển điện gió (trên bờ và ngoài khơi) như Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (mã chứng khoán: REE), Công ty cổ phần Điện Gia Lai (mã chứng khoán: GEG), Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 (mã chứng khoán: TV2), Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 (mã chứng khoán: PC1)…

Thực tế, nhiều nhà máy điện gió của các doanh nghiệp này đã chính thức vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021. Theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, giá mua bán điện cố định ưu đãi đối với các dự án điện gió (giá FIT) sẽ hết hạn vào ngày 31/10/2021.

Riêng REE có 3 dự án điện gió tổng công suất 102 MW đã phát điện thương mại cuối tháng 10; trong đó, dự án điện gió ngoài khơi VI.3 tại Trà Vinh, tổng vốn đầu tư 87 triệu USD; hai dự án điện gió trên bờ Phú Lạc 2, Lợi Hải 2 tại Bình Thuận và Ninh Thuận, tổng vốn đầu tư dự kiến 80 triệu USD.

Trong số đó, nhà máy điện gió tại Trà Vinh là nhà máy điện gió gần bờ, có chi phí đầu tư thấp hơn so với điện gió xa bờ nhưng cao hơn điện gió trên bờ và cũng có công suất cao hơn 2 nhà máy điện gió trên bờ tại Bình Thuận và Ninh Thuận. Theo quan sát của Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset, với dự kiến hoạt động hết công suất trong năm 2022 cùng với ưu đãi thuế suất 0% cho 4 năm đầu tiên, các dự án này được kỳ vọng đóng góp lần lượt 141 tỷ đồng và 180 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho REE trong năm 2022 và 2023.

Các chuyên gia phân tích tại Mirae Asset cũng kỳ vọng doanh nghiệp này được hưởng lợi khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng mua điện tái tạo để bù đắp cho sản lượng điện thiếu hụt từ nhiệt điện và cũng như khả năng REE trúng các gói thầu cơ khí và điện (M&E) cho mảng đầu tư công trong tương lai.

Vừa qua, EVN vừa có văn bản số 6742/EVN-TTĐ gửi Bộ Công Thương về kết quả vận hành thương mại (COD) các dự án điện gió tính đến hết ngày 31/10/2021. Theo đó, trong số 146 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN với tổng công suất hơn 8.170 MW, có 84 dự án đã kịp vận hành thương mại.

Theo EVN, các nhà máy điện gió có khả năng đóng góp một phần không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cho hệ thống điện quốc gia, ngay cả khi có tiết giảm một số giờ phát điện trong ngày. Đặc biệt, trong bối cảnh điện than có nhiều khả năng sẽ bị cắt giảm đáng kể, dự thảo Quy hoạch Điện VIII mới được điều chỉnh cũng nhấn mạnh, điện gió là nguồn điện lý tưởng bổ sung cho lượng công suất còn thiếu.

Điện gió ngoài khơi sử dụng nguồn tài nguyên gió bản địa và vô tận. Do đó, việc triển khai các dự án này sẽ bảo vệ ngành năng lượng của Việt Nam khỏi các rủi ro của thị trường nhiên liệu thế giới nhiều biến động. Công ty cổ phần Điện Gia Lai (mã chứng khoán: GEG) cũng là một trong những doanh nghiệp đã đưa vào vận hành thương mại các nhà máy điện gió theo đúng kế hoạch để hưởng giá ưu đãi FIT áp dụng cho các dự án diện gió trên bờ 8,5 Cents/kWh và ngoài khơi 9,8 Cents/kWh trong 20 năm.

Theo GEG, doanh nghiệp có 3 dự án điện gió tại Bến Tre, Gia Lai và Tiền Giang, dự kiến mỗi năm các dự án đóng góp khoảng 416 triệu kWh sản lượng, chiếm 42% tổng doanh thu, nhiều gấp 2,2 lần so với thủy điện và tương đương điện mặt trời của doanh nghiệp hiện nay.

Trong khi đó, 9 tháng năm 2021, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 938 tỷ đồng; trong đó, có 669 tỷ đồng doanh thu từ nhà máy điện mặt trời và điện mặt trời mái nhà. Ngoài ra, báo cáo tài chính của doanh nghiệp này cũng chỉ ra rằng, biên lợi nhuận gộp của các nhà máy thủy điện và điện mặt trời vẫn duy trì ở mức cao khi lần lượt đạt 43% và 60%. Tính chung, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp tiếp tục duy trì ở mức hấp dẫn lên đến 58%, cao hơn nhiều so với mức 39% của trung bình ngành điện.

Về phía Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS) ước tính, 3 dự án điện gió với tổng công suất 130 MW thi công đúng tiến độ sẽ giúp GEG đóng góp thêm 396 triệu kWh sản lượng điện và gần 900 tỷ đồng doanh thu hàng năm, hướng đến mốc tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2025 lần lượt đạt 6.390 tỷ đồng và 1.010 tỷ đồng; trong đó, điện gió đóng góp khoảng 45% sản lượng điện và 53% doanh thu.

GEG cho biết, việc vận hành thương mại kịp thời hạn là cột mốc quan trọng trong chiến lược hiện thực hóa đa dạng các loại hình năng lượng tái tạo với tổng công suất 1.700 MWp vào năm 2025. Việc nhanh chóng triển khai điện gió ngoài khơi được các chuyên gia nhận định sẽ tạo đà cho sự phát triển của ngành này, qua đó dẫn tới việc giảm mạnh chi phí trong tương lai.

Giám đốc Trung tâm Phát triển xanh (GreenID) Ngụy Thị Khanh cho rằng, điện gió là nguồn năng lượng sạch, đáng tin cậy, có tính đoán định cao và có khả năng bổ trợ, củng cố cho hệ thống năng lượng Việt Nam. Đây chính là động lực tăng trưởng của các doanh nghiệp điện gió trong dài hạn, phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo trong tương lai.

Theo Báo cáo World Bank về lộ trình gió ngoài khơi cho Việt Nam, Việt Nam có thể phát triển từ 5-10 GW điện gió ngoài khơi đến năm 2030 và tạo ra khoảng 60 tỷ USD tổng giá trị gia tăng cho cả nền kinh tế. Với mục tiêu 5 GW điện gió ngoài khơi, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) nhận định, mục tiêu này là hoàn toàn khả thi và thậm chí, việc đặt mục tiêu tham vọng ở mức 10 GW sẽ giúp tạo niềm tin lớn hơn cho các nhà đầu tư. Đây cũng là yếu tố quan trọng đẩy nhanh sự phát triển của ngành này tại Việt Nam.

Ở một góc độ khác, ông Sean Huang, Quản lý Phát triển của Copenhagen Offshore Partners (COP) - đơn vị đang tham gia phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn tại Việt Nam cho rằng, với các yếu tố công suất cao có thể cạnh tranh với các nhà máy nhiệt điện (khoảng 50%) và khi đạt công suất phụ tải tối đa, điện gió ngoài khơi sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và tạo sự phát triển cho chuỗi cung ứng địa phương tại Việt Nam.

Trên thị trường niêm yết, nhóm cổ phiếu các doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực phát triển điện gió thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Đây cũng là nhóm có nhiều mã tăng trưởng trong thời gian qua.

Đóng cửa phiên giao dịch 30/11, cổ phiếu REE có thị giá 70.500 đồng/đơn vị, tăng hơn 35% so với phiên giao dịch đầu năm, với khối lượng giao dịch 816 nghìn đơn vị; cổ phiếu GEG giữ nguyên thị giá so với đầu năm, ở mức 20.000 đồng/đơn vị, với khối lượng giao dịch gần 989 nghìn đơn vị. Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) của REE và GEG trên thị trường lần lượt là 11,91 và 22,93../.