Doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua nền tảng số

Nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu và quảng bá sản phẩm thông qua thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới, mới đây, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) phối hợp với Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương (IDEA), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) tổ chức Chương trình “Thúc đẩy kỹ năng phát triển thương mại cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số”.

Hội nghị “Nâng cao năng lực sản xuất và quảng bá sản phẩm thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới” là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các Hội nghị chuyên sâu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển TMĐT tại thị trường trong nước và xuất khẩu, ứng dụng các giải pháp công nghệ số để tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước giai đoạn 2021 – 2025.

Hội nghị nhằm tập trung cung cấp cho doanh nghiệp các giải pháp đồng bộ thúc đẩy phát triển TMĐT xuyên biên giới, nâng cao năng lực xuất khẩu và quảng bá sản phẩm của các chuyên gia cao cấp đến từ các sàn TMĐT Amazon; sàn thương mại điện tử Shopee International; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty DP Express; Lãnh đạo Tập đoàn Sunhouse cùng đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất địa phương, hợp tác xã …hướng tới xuất khẩu qua các nền tảng TMĐT quốc tế.

thuong-mai-dien-tu1-1665133134.png
TMĐT là xu thế tất yếu hiện nay

Theo số liệu của Cục TMĐT, năm 2021, TMĐT trong nước đã có những bước tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như tương lai nền kinh tế số Việt Nam trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19. Doanh thu TMĐT bán lẻ của Việt Nam tăng 16%, đạt 13,7 tỷ USD; quy mô thị trường B2C TMĐT ước tính chiếm 6,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự báo giai đoạn 2022-2025 TMĐT Việt Nam tăng trung bình 25%/năm, đạt 35 tỷ USD vào năm 2025 và chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Và cũng theo dự báo của Amazon Global Selling, doanh thu xuất khẩu B2C của người bán tại Việt Nam ước tính đạt 75,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 và có thể đạt 256,1 nghìn tỷ đồng trong 5 năm tới.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường TMĐT, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội cho biết: “Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 tác động rất lớn đến hoạt động thương mại, đầu tư, ngành dịch vụ của các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã nỗ lực, tận dụng cơ hội, ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi, đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến. Con số những doanh nghiệp thành công đạt doanh thu trực tuyến cao ngày càng đông. TMĐT xuyên biên giới vẫn là một vấn đề mới với doanh nghiệp, đòi hỏi kỹ năng tốt để tham gia nhưng ngày nay đang trở thành kênh kinh doanh hiệu quả và bền vững nếu doanh nghiệp tận dụng được lợi thế và nâng cao năng lực phát triển.”

Đồng quan điểm, theo Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh, TMĐT xuyên biên giới không những tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao doanh số bán hàng, mà qua đó còn tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời có thể chủ động xây dựng thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp.

Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, thông qua việc tham dự Chương trình, các doanh nghiệp được trang bị kiến thức chuyên ngành về xuất khẩu, cập nhật về chính sách, kỹ năng triển khai TMĐT xuyên biên giới, nắm bắt thông tin thị trường, từ đó giúp xây dựng danh mục sản phẩm chủ lực như: Nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp SME Việt Nam vận hành và trên sàn TMĐT Amazon, Chương trình “Xuất khẩu B2C cho doanh nghiệp sản xuất địa phương và hướng dẫn vận hành qua Sàn thương mại điện tử Shopee quốc tế (Shopee International Platform)”.

tmdt-1665133086.jpg
Bà Nguyễn Hoàng Việt Trang, Quản lý tài khoản cấp cao Amazon Global Selling Việt Nam

Chia sẻ thêm về cơ hội TMĐT mang đến cho các doanh nghiệp, Bà Nguyễn Hoàng Việt Trang - Quản lý tài khoản cấp cao Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ, Việt Nam cần tận dụng những tiềm năng của thị trường, Amazon với sự phủ sóng 200 quốc gia vùng lãnh thổ. Do đó khi bán hàng trên Amazon, doanh nghiệp có thể tiếp cận tệp khách hàng trên các thị trường của Amazon lên tới con số 300 triệu khách hàng tiềm năng. Đặc biệt, nền tảng đã có 200 triệu khách hàng thành viên trả phí prime trên toàn cầu với mức tiêu dùng và ưu đãi của họ rất lớn. Mặt khác, hiện nay sàn Amazon cũng tập trung phát triển cho nhà bán hàng thứ 3 từ quốc gia khác như từ Việt Nam, Trung Quốc, Đông Nam Á …, đã có hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ bán hàng trên Amazon với doanh số lớn đến từ các bên bán thứ 3 này. Có thể nói TMĐT là phương thức nhanh chóng và thuận tiện giúp doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với khách hàng toàn cầu với thương hiệu sản phẩm của chính doanh nghiệp.

Chương trình này không chỉ là cơ hội dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã, các cá nhân có sản phẩm chất lượng và biết vận dụng tốt TMĐT cho hoạt động kinh doanh của mình.

Tại Hội nghị nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp trao đổi, thảo luận, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, đông thời được các đối tác của chương trình tư vấn trực tiếp, qua đó giúp doanh nghiệp nghiên cứu và xây dựng chiến lược phát triển TMĐT xuyên biên giới một cách hiệu quả. Hội nghị đã góp phần tăng cường kết nối TMĐT, là cầu nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các sàn TMĐT quốc tế, các đối tác cung cấp giải pháp số để từng bước xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.

Đông Nghi