Doanh nghiệp cần tránh điều gì để dễ tiếp cận tín dụng?

Mới đây, Hội thảo "Tháo van tín dụng - khơi thông tăng trưởng" do báo Dân trí tổ chức đã diễn ra tại TP.HCM. Tham gia hội thảo có sự góp mặt của các chuyên gia, đại diện ngân hàng cùng thảo luận về các giải pháp gỡ khó tín dụng cho doanh nghiệp.
h1-1700296747.jpg
Tham gia hội thảo có sự góp mặt của các chuyên gia, đại diện ngân hàng.

Theo thống kê, TP.HCM tính đến cuối tháng 10 tăng trưởng tín dụng 4,67% so với cuối năm 2022 và 7% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với tốc độ của cả nước. Xét về số tuyệt đối chiếm tỷ trọng tương đương 27% so với cả nước. TP.HCM chiếm tỷ trọng cao trong tổng tăng trưởng tín dụng cả nước.

Nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng tín dụng

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM chia sẻ về tình hình tăng trưởng tín dụng cũng như nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng chưa như kỳ vọng, những giải pháp của Ngân hàng Nhà nước trong thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đáp ứng vốn cho nền kinh tế.

Ở góc độ ngân hàng, tăng trưởng tín dụng gồm 2 yếu tố là chính sách tác động và môi trường kinh tế xã hội.

Hiện nay, chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã và đang tác động đến toàn bộ các doanh nghiệp trong vai trò hỗ trợ theo 2 xu hướng tích cực: đối với doanh nghiệp còn khó khăn, thì việc cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay cũ tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi hoạt động, tạo lập dòng tiền và trả nợ vay ngân hàng; đối với doanh nghiệp hoạt động tốt, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn, về lãi suất giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, mở rộng và tăng trưởng.

Quá trình này, theo ông Lệnh, đặc biệt có ý nghĩa đối với nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế: lĩnh vực xuất khẩu, lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

anh-1700297306.jpg
Các chuyên gia thảo luận đưa ra những giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tính dụng.

“Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm và trong năm 2023, ngoài việc tiếp tục các cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho các ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế thì rất cần các giải pháp, các chương trình hành động cụ thể về kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế. Thông qua đó sẽ giúp kích thích tăng trưởng tín dụng”, ông Lệnh nói.

Đến nay, tại TP.HCM đã thực hiện được 30 hội nghị kết nối ngân hàng doanh nghiệp tại các địa bàn quận huyện của thành phố. Giải ngân cho vay với số tiền đạt 581.000 tỷ đồng, cho gần 180.000 khách hàng, bằng 111,7% so với gói tín dụng ưu đãi các TCTD đăng ký theo kế hoạch năm, với quy mô gói là 520.000 tỷ đồng.

Cơ hội mới nào cho doanh nghiệp?

Tại hội thảo, TS Võ Trí Thành chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tóm lược về tình hình kinh tế thế giới trong năm qua với 3 điểm nhấn.

Đầu tiên là khó và cái khó có thể còn đeo đẳng tới năm 2024. Dự báo mới nhất của WB, IMF đều cho rằng tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay không chỉ mức thấp mà năm 2024 dự báo tăng trưởng có thể suy giảm. Thứ hai là điều kiện tài chính tiền tệ. Lạm phát đến năm 2024 ở châu Âu có thể không tăng nhưng ở các nước đang phát triển vẫn còn cao. Lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương nơi có các đồng tiền chủ chốt vẫn cao. Thứ 3 là đối đầu địa chính trị, căng thẳng, xung đột lan rộng.

Ngoài ra, hiện nay đòi hỏi sự phát triển bền vững bằng các xu thế chuyển đổi số. Đặc biệt là chuyển đổi xanh (sản xuất, đầu tư, tài chính, tiêu dùng), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng của các "đại gia".

a2-1700297013.jpg
Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành phát biểu tại hội thảo.

Qua đó, TS Võ Trí Thành đưa ra những từ khóa về cơ hội mới cho doanh nghiệp để làm “hành trang” phát triển kinh tế doanh nghiệp, kinh tế doanh nghiệp trong thời gian tới.

Thứ nhất là “phòng thủ”. Theo ông Thành, các doanh nghiệp phải biết chắt chiu, quản trị rủi ro, có kịch bản phát triển kinh doanh bền vững. Tình hình kinh tế bất ổn, doanh nghiệp phải có phương án tác chiến để phản ứng kịp thời, đồng thời học hỏi các công cụ quản trị rủi ro.

Thứ 2 là “tích cóp, nhặt nhạnh cơ hội”. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều bất ổn. Khi mà thị trường này giảm, thị trường kia tăng thì doanh nghiệp cần có sự chuyển đổi linh hoạt tới những nơi tiềm năng.

Thứ 3 là “bắt nhịp xu thế”. Ông Thành nhấn mạnh: "Chúng ta không thể chờ quá 3 năm mà phải cố gắng nắm bắt cơ hội trong vòng 3 năm tới". Trong đó, các ngành được quan tâm là công nghệ cao, giáo dục, y dược, chất bán dẫn, hàng không… Chuyên gia dự báo sẽ có rất nhiều đại gia lớn của thế giới đến TP.HCM trong thời gian tới. “Đây là những cơ hội chưa từng có mà địa phương phải nắm bắt”, ông Thành cho hay.

Riêng về xu hướng “xanh”, các tập đoàn tài chính lớn cam kết chỉ cho vay nếu đảm bảo một số tiêu chí “xanh” nhất định. Chuyên gia lấy ví dụ chuyển sang xe điện xanh cũng là cách để huy động vốn. “Chúng ta có kinh tế tuần hoàn, đây không chỉ là cam kết mà là xu hướng chung của các hoạt động trên thị trường”, ông Võ Trí Thành nói.

Ông nhận định chúng ta đang đi cùng, ăn cùng chuỗi cung ứng nhưng 10-15 năm nữa phải làm chủ được công nghệ lõi gồm bán dẫn, chip, vi mạch… Song, để chơi cùng với “người lớn”, với “nhà giàu", ông cho rằng điều quan trọng số 1 là nền tảng để “bắt tay" doanh nghiệp lớn.

Để không rơi vào khó khăn, doanh nghiệp cần tránh điều gì?

Ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng ban Chính sách tín dụng Agribank cho biết, phía Agribank cũng không phải thời điểm này mà từ đầu năm đã thực hiện tuân thủ chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Đến tháng 10 vừa rồi, ngân hàng 7 lần giảm lãi suất cho vay.

Về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng của Covid-19 và gặp khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh, ngân hàng cũng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn. Kết quả, đến 31/10/2023, Agribank đã cơ cấu nợ hơn 34.000 tỷ đồng.

Đại diện Agribank nói luôn xác định rằng ngân hàng - khách hàng luôn đồng hành với nhau. “Ngân hàng huy động về là để cho vay chứ không để đó”, ông Bách nhấn mạnh. Ví dụ các doanh nghiệp không bán được hàng có thể không nhận đầu vào nhưng với ngân hàng thương mại, thì ngân hàng nhận tiền và phải giải ngân chứ không thể để đó.

a3-1700297083.jpg
Theo ông Trần Hoài Phương, ngân hàng định hướng phát triển xanh với đối tác quốc tế, xu hướng bền vững tương lai sẽ không thể thay đổi.

Theo ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp HDBank bật mí, để không rơi vào khó khăn, doanh nghiệp nên tránh những điều sau: Đầu tiên là không nên mất cân đối tài chính, vốn ròng phải lớn hơn 0, không lấy vốn ngắn hạn để sống trong dài hạn. Tiếp đó là không nên để nợ quá hạn. Cuối cùng là vòng quay vốn không dài.

“Phòng thủ đối với ngân hàng sẽ là thanh khoản cho dù tăng trưởng cuối năm không tích cực. Thanh khoản chính là tài chính của doanh nghiệp. Việc thanh khoản tốt sẽ khơi thông dòng tiền trên thị trường. Điều này rất quan trọng”, ông Phương chia sẻ thêm.

Về môi trường đầu tư, ngân hàng quan tâm đến khách hàng FDI. Khách hàng đến với Việt Nam vì sự ổn định của chính trị. Trên dòng chảy, các doanh nghiệp trẻ sẽ có nhiều cơ hội gặp gỡ đối tác nước ngoài.

Về “câu chuyện xanh”, ngân hàng định hướng phát triển xanh với đối tác quốc tế, xu hướng bền vững tương lai sẽ không thể thay đổi. Chúng tôi đang tập trung vào các ngành nghề chính tạo động lực tăng trưởng vay cuối năm 2023, ông Phương cho biết thêm.

Quốc Cường