Định vị thương hiệu OCOP trên thị trường nông sản - Bài 4: Muôn nẻo đường tiêu thụ sản phẩm

Bằng nhiều phương pháp, các chủ thể OCOP đã tìm con đường ngắn nhất để đưa sản phẩm đến được với người tiêu dùng.
3-1695902179.jpg
Xã viên HTX sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình trồng cà gai leo, với sản phẩm cao cà gai leo đạt chuẩn 4 sao - Ảnh: Trần Hùng.

Các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tổ chức các sự kiện, diễn đàn, hội chợ OCOP thường niên, cấp quốc gia, cấp vùng, cấp địa phương để quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm OCOP. Nhưng chừng đó vẫn là chưa đủ để sản phẩm OCOP được định vị trên thị trường nông sản Việt Nam. Bằng nhiều phương pháp, các chủ thể OCOP đã tìm con đường ngắn nhất để đưa sản phẩm đến được với người tiêu dùng.

Chủ yếu tự thân vận động

Theo số liệu của Trung tâm Khuyến nông quốc gia - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nông sản Việt Nam đa dạng chủng loại với hơn 1.500 sản phẩm nông sản tiêu biểu đa dạng, phong phú. Mặc dù vậy, trong xu thế hội nhập, việc nhập khẩu hàng hóa cùng chủng loại từ các nước là điều tất yếu, nhất là nông sản xanh, thực phẩm sạch từ các nước có nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến. Số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong 7 tháng năm 2023, trị giá nhập khẩu hàng thủy sản đạt gần 1,5 triệu USD, hàng rau quả đạt gần 1,1 triệu USD, hàng bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc đạt hơn 260 nghìn USD…

4-1695902459.jpg
Trong xu thế hội nhập, việc nhập khẩu hàng hóa cùng chủng loại từ các nước là điều tất yếu, nhất là nông sản xanh, thực phẩm sạch từ các nước có nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến - Ảnh: Trần Hùng.

Còn trong năm 2022, trị giá nhập khẩu hàng thủy sản là hơn 2,7 triệu USD, hàng rau quả là gần 2,08 triệu USD, hàng bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc là gần 600 nghìn USD,… Trước đó, trong năm 2021, trị giá nhập khẩu hàng thủy sản đạt gần 2 triệu USD, hàng rau quả là hơn 1,48 triệu USD, hàng bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc là hơn 488 nghìn USD.

Chỉ tính sơ sơ thì hằng năm, nước ta nhập khẩu rất nhiều hàng nông sản, trị giá hàng chục triệu USD, trong khi đây hầu hết là những loại nông sản có sẵn trong nước. Theo số liệu Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng sản lượng thủy sản 7 tháng đầu năm 2023, ước đạt gần 5,1 triệu tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái; hàng rau quả 8 tháng năm 2023 đạt trị giá xuất khẩu vượt của cả năm 2022 (đạt 3,45 tỷ USD), ngành hàng bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc (hơn 90% sản xuất trong nước) dự kiến tạo ra doanh thu 8,5 tỷ USD trong năm 2023,…

6-1695902549.jpg
Sản phẩm OCOP 3 sao Đông trùng hạ thảo Đăng Khoa (Thanh Hóa) thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Canada rất chú trọng đến mẫu mã sản phẩm cũng như hình ảnh quảng bá trên các trang mạng xã hội - Ảnh: Hà Khải.

Trong khi đó, rất nhiều nông sản Việt chất lượng cao, trong đó có các sản phẩm OCOP, lại chưa tạo được nhiều giá trị gia tăng ngay trên sân nhà. Hiện chưa có một thống kê nào về doanh thu từ hàng nghìn sản phẩm OCOP đã được công nhận của cả nước, một phần nguyên nhân là do phần lớn sản phẩm OCOP được tiêu thụ chủ yếu tại các kênh bán hàng truyền thống nên rất khó nắm bắt số liệu. Nhưng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) bước đầu đã có số liệu thống kê về doanh thu của sản phẩm OCOP.

Cụ thể, thống kê mới nhất của Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông), kể sau 10 tháng triển khai Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn (từ tháng 8/2022 đến tháng 6/2023) đã có hơn 5,4 triệu tài khoản hoạt động trên 2 sàn Vỏ sò và Postmart. Kết quả tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho thấy, đã có tổng cộng 7.637 sản phẩm OCOP được lên sàn. Số giao dịch qua các sàn TMĐT đạt gần 1 triệu giao dịch, với tổng giá trị đạt 217,1 tỷ đồng, giá trị 1 giao dịch/sản phẩm khoảng 220 nghìn đồng/giao dịch/sản phẩm.

7-1695902605.jpg
Bánh ram Anh Thu (Hà Tĩnh) - một sản phẩm OCOP được xuất sang thị trường Hàn Quốc - Ảnh: Hồng Duyên.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, Chương trình OCOP được xác định là giải pháp trọng tâm để chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là các chủ thể OCOP vẫn đang gần như tự thân vận động trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh đã khảo sát một số chủ thể OCOP và ghi nhận thực tế này.

Theo bà Nguyễn Thị Đoàn - Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) Vương Đoàn (thôn Cừa Thôn, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), đơn vị có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, gồm mực khô xé sợi (3 sao), tôm khô và cá bờm trắng (4 sao). Dù rất muốn bán các dòng sản phẩm của mình cho các siêu thị, nhưng do nguồn vốn ít, không thể xoay vòng kịp nên HTX ưu tiên bán cho hệ thống các kênh bán hàng đặt và mua hàng trả tiền ngay ở trong và ngoài nước.

“Sản phẩm của HTX bán ra thị trường nhiều nhất cho các thương lái ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Lào Cai... Ngoài ra, thời gian gần đây đơn vị đã ký hợp đồng ghi nhớ và xuất hàng qua một số nước như Thái Lan, Lào, Hàn Quốc,… Tuy nhiên, đang gặp khó khăn về đường chính nghạch do đóng thuế quá cao”, bà Đoàn cho biết.

8-1695902829.jpg
Sản phẩm OCOP của HTX Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang (xã Tam Quang, huyện Núi Thành) - Ảnh: Đơn vị cung cấp

Tại Quảng Nam, theo ông Nguyễn Thanh Vũ - Giám đốc HTX Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang (xã Tam Quang, huyện Núi Thành), OCOP là sản vật bản địa được gia tăng giá trị qua Chương trình OCOP. Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, tư vấn, tập huấn,... để kiện toàn, hoàn chỉnh sản phẩm. Nhưng khi đạt OCOP rồi thì bản thân người dân, người tiêu dùng địa phương lại không biết đến sản phẩm đó, chưa nói là nhiều sản phẩm OCOP có giá thành cao, mẫu mã không chuyên nghiệp bằng sản phẩm công nghiệp, sản lượng thấp,... Đây là việc rất khó khăn để khắc phục.

“Các cơ quan chuyên môn, các hội, đoàn thể,… đã tổ chức rất nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo chuyên đề, tập huấn, tổ chức nhiều hội chợ,... Đây là các kênh quan trọng để chủ thể mang sản phẩm từ thôn quê ra phố, từ hương rừng xuống phố. Nhưng quay lại người bản địa thì chưa biết, chưa hiểu về sản phẩm của địa phương mình. Vậy ở đây, cần cơ quan truyền thông địa phương dành thời lượng để phát thanh định kỳ theo tuần để tuyên truyền, quảng bá về OCOP đang có tại địa phương”, ông Vũ kiến nghị.

9-1695903014.jpg
Các cơ quan chuyên môn, các hội, đoàn thể,… đã tổ chức rất nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo chuyên đề, tập huấn, tổ chức nhiều hội chợ,... Đây là các kênh quan trọng để chủ thể mang sản phẩm từ thôn quê ra phố - Ảnh: Trần Quỳnh.

Còn tại Lạng Sơn, theo đại diện Nhà hàng Hồng Xiêm (số 2A, đường Phai Vệ, phường Đông Kinh, TP. Lạng Sơn), với sản phẩm 4 sao vịt quay Hồng Xiêm - sản phẩm đạt danh hiệu Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2022, nếu khách hàng đặt trước thì cơ sở mới đáp ứng kịp, đủ số lượng còn ko đặt trước thì ko đảm bảo được hết vì lượng khách hàng ở các tỉnh đặt rất nhiều. Thông qua các sự kiện quảng bá, trưng bày lượng tiêu thụ rất cao bởi cơ sở trực tiếp chế biến tại chỗ, khách hàng có thể mua thưởng thức luôn.

Theo ông Ngô Trường Sơn – Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, hiện nay, hệ thống các chính sách, cơ chế hỗ trợ chủ thể OCOP phát triển sản phẩm còn thiếu đồng bộ và ổn định, dẫn đến sự lúng túng và khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai. Ngoài ra, nguồn lực triển khai Chương trình còn hạn chế, trong khi một số cơ chế hỗ trợ chưa được cụ thể hóa, chưa chú trọng đến phát triển chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu và cơ sở - qui trình chế biến,...

Cần một sự chăm chút cho sản phẩm OCOP

Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương Ngô Trường Sơn cho rằng, để phát triển Chương trình OCOP theo đúng lộ trình đề ra thì thời gian tới, một trong những giải pháp cần được triển khai có hiệu quả là cần tập trung tuyên truyền, xây dựng thương hiệu OCOP Việt Nam. Mục tiêu là để nâng cao hình ảnh, giá trị sản phẩm OCOP, đưa biểu trưng OCOP trở thành dấu hiệu nhận diện đối với người tiêu dùng. Đặc biệt, xây dựng hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP, góp phần tạo sự ổn định và khẳng định sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với sản phẩm.

5-1695903091.jpg
Xã viên HTX sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình trồng cà gai leo, với sản phẩm cao cà gai leo đạt chuẩn 4 sao - Ảnh: Trần Hùng.

“Đồng thời tập trung, ưu tiên thị trường trong nước, phát huy các yếu tố về văn hóa, cộng đồng gắn với đặc trưng của sản phẩm OCOP, khai thác tối gia các giá trị văn hóa trong sản phẩm OCOP, hình thành các sản phẩm tích hợp đa giá trị. Bên cạnh đó, tổ chức hệ thống các sự kiện, chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP thường niên, đồng bộ và kết nối từ trung ương đến địa phương”, ông Sơn cho biết.

Thực tế, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm OCOP là giải pháp được các bộ ngành, địa phương tích cực triển khai trong thời gian qua. Theo số liệu của Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương từ thống kê sơ bộ của các địa phương, hiện cả nước có hơn 633 Trung tâm/Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các trung tâm đô thị, điểm du lịch ở các địa phương (tăng hơn 4,4 lần so với năm 2020). Các bộ, ngành Trung ương và địa phương cũng đã tổ chức các sự kiện, diễn đàn/hội chợ OCOP thường niên, cấp quốc gia, cấp vùng, cấp địa phương để quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm OCOP;... Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được các địa phương triển khai hiệu quả như: Hội chợ OCOP thường niên của tỉnh Quảng Ninh; Chuỗi sự kiện kết nối sản phẩm các vùng miền của TP. Hà Nội; Nhịp cầu xúc tiến thương mại và đầu tư gắn với OCOP của tỉnh Đồng Tháp;...

“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số địa phương còn nhiều lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất, mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là khơi dậy các giá trị văn hóa, tri thức bản địa để nâng cao chất lượng, hình ảnh sản phẩm OCOP”, Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương Ngô Trường Sơn chia sẻ.

2-1695903185.jpg
Sản phẩm OCOP được trương bày và giới thiệu sản phẩm tại lễ khai mạc phố chuyên doanh ẩm thực tại TP. Hà Tĩnh năm 2023 - Ảnh: Hồng Duyên.

Trong lần trả lời truyền thông mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã chia sẻ những trăn trở trong công tác tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP. Ông cho rằng, một vấn đề trong tiếp thị, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP là lãnh đạo địa phương phải trở thành người đi tiếp thị sản phẩm cho bà con chứ không phải chỉ đóng vai trò phát động để bà con sản xuất, rồi bà con tự đi tìm kiếm thị trường.

“Chúng ta nên biết rằng, thị trường là chuyện rất khó đối với người tạo ra sản phẩm OCOP. Bởi người tạo sản phẩm OCOP là nông dân, mà nông dân thì đâu có dịp để đi đây đi đó, chỉ có lãnh đạo hay doanh nghiệp mới có thể mở rộng các mối quan hệ tiếp xúc, quảng bá giới thiệu sản phẩm”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

“Tư lệnh” ngành Nông nghiệp chia sẻ, có những địa phương đã dành những vị trí đẹp nhất trong đô thị để mở các quầy giới thiệu sản phẩm OCOP, hoặc tất cả những khu du lịch đều ưu tiên dành không gian để giới thiệu các sản phẩm OCOP. Đó cũng chính là sự hỗ trợ kết nối thị trường, tạo ra thị trường, là sự hỗ trợ bền vững nhất.

1-1695903335.jpg
Sản phẩm OCOP được trương bày và giới thiệu sản phẩm tại lễ khai mạc phố chuyên doanh ẩm thực tại TP. Hà Tĩnh năm 2023 - Ảnh: Hồng Duyên.

“Quan điểm, tư duy và suy nghĩ giá trị của sản phẩm OCOP nằm ở đâu thì lãnh đạo địa phương sẽ hành động tới đó. Thấy nó là niềm tự hào thì chúng ta sẽ tìm những chỗ nào đẹp để trưng bày và giới thiệu, và đi đâu cũng mang theo niềm tự hào đó. Còn nếu chúng ta không tự hào và cho rằng nó có tạo ra được bao nhiêu GDP cho tỉnh đâu, vậy thì đương nhiên sẽ không có sự đầu tư chăm chút cho nó”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay.

“Sự chăm chút cho sản phẩm OCOP” như cách nói của người đứng đầu ngành Nông nghiệp đang được một số địa phương hưởng ứng. Tại Hà Tĩnh, theo đại diện Sở Công Thương, thời gian qua, bên cạnh đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các Hội nghị, triển lãm thì các sở ngành, địa phương liên quan của tỉnh đã quan tâm hỗ trợ chủ thể OCOP “số hóa” việc quảng bá, kết nối đưa nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh vào các hệ thống phân phối trong cả nước.

11-1695903605.jpg
Có những địa phương đã dành những vị trí đẹp nhất trong đô thị để mở các quầy giới thiệu sản phẩm OCOP, hoặc tất cả những khu du lịch đều ưu tiên dành không gian để giới thiệu các sản phẩm OCOP. Đó cũng chính là sự hỗ trợ kết nối thị trường, tạo ra thị trường, là sự hỗ trợ bền vững - Ảnh: Trần Quỳnh.

“Hiện tỉnh đã hoàn thiện 390 gian hàng OCOP trên sàn giao dịch TMĐT hatiplaza.com; quảng bá, kết nối các gian hàng OCOP của tỉnh trên 10 sàn giao dịch TMĐT các tỉnh trong cả nước (sàn giao dịch TMĐT các tỉnh: Huế, Yên Bái, Hà Nam, Phú Yên, Cần Thơ, Gia Lai, Thái Bình, Quảng Trị...). Đồng thời tổ chức tập huấn kỹ năng mở tài khoản, vận hành và quảng bá gian hàng sản phẩm OCOP trên các sàn TMĐT; phối hợp Bộ Công Thương và các sàn TMĐT lớn triển khai hiệu quả mô hình “Gian hàng Việt trực tuyến” đối với sản phẩm cam Hà Tĩnh và bưởi Phúc Trạch; hỗ trợ các doanh nghiệp đăng tải, vận hành gian hàng lên các sàn TMĐT lớn như: Sendo, Voso, Postmart, shopee…”, đại diện Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết.

Rõ ràng, vai trò định hướng của Nhà nước trong triển khai Chương trình OCOP cũng cần gắn liền với vai trò hỗ trợ. Bởi như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã khẳng định, lãnh đạo địa phương phải trở thành người đi tiếp thị sản phẩm cho bà con chứ không phải chỉ đóng vai trò phát động để bà con sản xuất, rồi bà con tự đi tìm kiếm thị trường. Và theo ông, thành công của Chương trình OCOP không phải là tạo ra một sản phẩm OCOP, mà là tạo ra một sự tự tin, tạo ra một sự thay đổi, một tư duy mới cho người nông dân, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Đây cũng chính là giải pháp để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; với mục tiêu nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.

Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh sẽ tiếp tục thông tin.

Vi Hoa - Hà Khải - Trần Quỳnh - Hồng Duyên - Trần Hùng