Đề xuất xây dựng ”chung cư mini” cũng phải lập dự án

HOREA cho rằng, cần bổ sung quy định về đầu tư xây dựng “nhà chung cư mini” phải lập dự án, phải chấp hành và tuân thủ các quy định pháp luật về thẩm duyệt, nghiệm thu công trình, bao gồm công trình PCCC.
chung-cu-mini-1695719627.jpg
Đề xuất xây dựng ”chung cư mini” cũng phải lập dự án.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản 133 ngày 25/9 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật Quốc hội và Bộ Xây dựng kiến nghị một số giải pháp để bảo đảm chất lượng công trình xây dựng và an toàn phòng cháy chữa cháy cho “nhà chung cư mini” và đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 57 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và một số quy định pháp luật liên quan để quản lý chặt chẽ “nhà ở riêng lẻ” của cá nhân, hộ gia đình được phép xây dựng thành nhà chung cư.

Tại văn bản trên, đại diện HoREA đưa ra số liệu cho biết, năm 2018, Sở Xây dựng thống kê toàn TP.HCM có khoảng 60.470 khu nhà trọ hoặc nhà ngăn phòng cho thuê với tổng số khoảng 560.219 phòng trọ, bao gồm 38.800 khu nhà trọ với 357.246 phòng trọ và 25.670 nhà (căn hộ) ngăn phòng cho thuê với 202.973 phòng trọ.

Các khu nhà trọ tập trung, nhà chung cư mini đều là những cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ được quản lý chặt chẽ về PCCC theo quy định của pháp luật về PCCC.

Hiện không chỉ ở TP.HCM mà cả nước có hàng ngàn “nhà chung cư mini” với hàng chục ngàn người đang sinh sống và nhu cầu thuê, mua “nhà chung cư mini” trong xã hội rất lớn, do đó, buộc chúng ta phải tỉnh táo, lựa chọn giải pháp nên quản, không nên cấm ”nhà chung cư mini”, tương tự như các nước trên thế giới đều cho phép, nhưng phải quản lý thật chặt chẽ loại hình này để bảo đảm an toàn PCCC và phát triển lành mạnh.

Đề nghị “nên quản, không nên cấm nhà chung cư mini”, bởi đây là sản phẩm nhà ở rất cần thiết cho xã hội hiện nay và trong nhiều thập niên sau này, do có giá cho thuê, giá bán vừa túi tiền, phù hợp với nhiều đối tượng trong xã hội là người thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị, công nhân, lao động, sinh viên, học sinh, người độc thân, người mới kết hôn, người nhập cư.

Ngoài ra, hiện nay là thời điểm rất thuận lợi để xây dựng các quy định pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để quản lý loại “nhà chung cư mini”, bởi lẽ Quốc hội Khóa 15 tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10-11/2023 dự kiến xem xét, thông qua nhiều luật, trong đó có Dự thảo Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…", đại diện HoREA nhấn mạnh.

Bàn về giải pháp để quản lý nhà ở riêng lẻ và chung cư mini, HoREA đề nghị bổ sung quy định thật chặt chẽ đối với loại nhà ở riêng lẻ của cá nhân, hộ gia đình được phép xây dựng thành “nhà chung cư mini”. Đồng thời với việc sửa đổi một số quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật PCCC thì cần thiết phải luật hóa loại nhà ở riêng lẻ của cá nhân, hộ gia đình được phép xây dựng thành “nhà chung cư mini” để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, để “nhà chung cư mini” phát triển an toàn, lành mạnh.

Trong đó, cần bổ sung quy định về đầu tư xây dựng “nhà chung cư mini” phải lập dự án; phải chấp hành và tuân thủ các quy định pháp luật về thẩm duyệt, nghiệm thu công trình, bao gồm công trình PCCC; bổ sung quy định về kinh doanh cho thuê hoặc bán căn hộ “nhà chung cư mini” thì phải đăng ký kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật; bổ sung quy định về quản lý vận hành “nhà chung cư mini” tương tự như quản lý vận hành nhà chung cư.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cần bổ sung quy chuẩn kỹ thuật về nhà chung cư mini vào Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư để quản lý chặt chẽ và phát triển loại “nhà chung cư mini” an toàn, lành mạnh.

Huyền Châm