Doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận tìm cơ hội thúc đẩy kết nối giao thương thị trường TP.HCM

Tỉnh Bình Thuận có nhiều sản phẩm đặc trưng, lợi thế từ thủy sản, nông sản, sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đây là lợi thế để các doanh nghiệp tìm cơ hội thúc đẩy kết nối giao thương với các doanh nghiệp, nhà phân phối tại TP.HCM.
1-1713831629.jpg
Ông Trần Phú Lữ - Giám đốc ITPC phát biểu tại “Hội nghị kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận với các doanh nghiệp, nhà phân phối của thành phố Hồ Chí Minh”.

Ngày 22/4/2024, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức “Hội nghị kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận với các doanh nghiệp, nhà phân phối của thành phố Hồ Chí Minh”.

Lợi thế sản phẩm thủy sản

Bình Thuận là 1 trong 3 ngư trường trọng điểm của cả nước, là một trong những vùng biển được đánh giá giàu về nguồn lợi thủy sản ở Việt Nam, do đó ngành thủy sản Bình Thuận được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Những năm gần đây, cơ cấu tàu thuyền được chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước giảm dần tàu thuyền công suất nhỏ, tăng nhanh tàu công suất lớn khai thác xa bờ.

Sản lượng khai thác hải sản hàng năm đạt 200.000 - 210.000 tấn. Trên địa bàn tỉnh có 207 cơ sở, doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản xuất khẩu. Sản phẩm thủy sản chế biến theo chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như: HACCP, Halal, ISO 22000:2005 đảm bảo tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước. Thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Italia, Mỹ…

2-1713831693.jpg
Ông Biện Tấn Tài - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận phát biểu tại “Hội nghị kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận với các doanh nghiệp, nhà phân phối của thành phố Hồ Chí Minh”.

Thành phố Phan Thiết là địa phương có truyền thống sản xuất nước mắm lâu đời tại Việt Nam. Nước mắm Phan Thiết được sản xuất theo phương pháp cổ truyền độc đáo, kết hợp với khí hậu thời tiết phù hợp. Có nhiều đơn vị đã sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng HACCP. Nước mắm truyền thống của Phan Thiết mang chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết”, tiêu thụ nội địa trên cả nước thông qua các kênh phân phối như Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Co.op Mart), Trung tâm thương mại Lotte Mart và xuất khẩu chính sang Nhật Bản và Philippines; một ít sản phẩm được mang ra nước ngoài theo dạng quà biếu.

Lợi thế sản phẩm nông sản

Tỉnh Bình Thuận có thế mạnh phát triển nông nghiệp thông minh, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại (công nghệ tưới tiêu tự động, tiết kiệm nước; công nghệ kiểm soát côn trùng theo phương pháp sinh học; công nghệ bảo quản sau thu hoạch), xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang giá trị kinh tế cao; là vùng đất phù hợp để phát triển nông nghiệp với nhiều sản phẩm nông sản có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước như: Thanh long, cao su, hạt điều, trong đó, chủ yếu là thanh long mang chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận”.

3-1713831737.jpg
Hội nghị đã thu hút lãnh đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận với các sản phẩm chế biến từ trái thanh long, các sản phẩm từ tổ yến, nước mắm, các loại nông sản tham dự.

Thanh long của tỉnh Bình Thuận được Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định là loại trái cây có lợi thế cạnh tranh trong 11 loại trái cây ở Việt Nam. Cây thanh long không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập đáng kể cho người dân Bình Thuận mà còn góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp và làm thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh. Đến nay, diện tích thanh long của tỉnh Bình Thuận là 27.320 ha với sản lượng hơn 600.000 tấn quả/năm.

Ông Biện Tấn Tài - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết: “Để nâng cao sức cạnh tranh của trái thanh long trên thị trường, trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đẩy mạnh triển khai quy trình sản xuất an toàn trên trái thanh long. Toàn tỉnh hiện có 35 hợp tác xã , 1 Liên hiệp Hợp tác xã sản xuất thanh long, 240 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói thanh long, 30 doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tươi và 16 cơ sở chế biến các sản phẩm từ trái thanh long (thanh long sấy khô, sấy dẻo; nước ép thanh long, rượu thanh long, kẹo thanh long)”.

Đồng thời, Bình Thuận có 632 mã số vùng trồng thanh long (trong đó: mã số vùng trồng thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc là 99 mã số, Hàn Quốc 131 mã số, Nhật Bản 10 mã số, Úc 153 mã số, New Zealand 158 mã số, Mỹ 81 mã số). Có 312 cơ sở đóng gói được phê duyệt mã số (trong đó: Thị trường Trung Quốc là 301 mã số, 11 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu đi các thị trường khác). Thị trường xuất khẩu chính bao gồm: UAE, Hồng Kông, Trung Quốc, Malaysia, Quatar, Philippine, Ấn Độ, Myanma, Thái Lan, Singapore, Hà Lan, Đức, New Zealand, Nga, Canada, Mỹ và Úc.

Sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Tỉnh Bình Thuận có 128 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (trong đó có 94 sản phẩm 3 sao; 32 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao) và 60 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Bình Thuận rất đa dạng và phong phú, từ miền biển, hải đảo đến các vùng đồng bằng, miền núi gắn với lợi thế của tỉnh như nước mắm, sản phẩm chế biến từ thủy sản, sản phẩm chế biến từ thanh long, sản phẩm từ yến và các sản phẩm từ nông sản khác.

4-1713831782.jpg
Các doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận ký kết hợp tác, cung cấp các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP với doanh nghiệp, nhà phân phối TP. Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại hội nghị, ông Biện Tấn Tài - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết: “Triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Bình Thuận và các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ giai đoạn 2023-2025, thời gian qua, Sở Công Thương Bình Thuận đã liên kết với Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong việc giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ ngày càng tăng lên, được người tiêu dùng trong cả nước biết đến. Với sự nỗ lực vươn lên không ngừng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm của tỉnh Bình Thuận đã từng bước đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và giữ vững được thương hiệu trên thị trường”.

“Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện để các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh đến tay người tiêu dùng qua nhiều kênh phân phối khác nhau, Sở Công Thương Bình Thuận phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức “Hội nghị kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận với các doanh nghiệp, nhà phân phối của thành phố Hồ Chí Minh nhằm đẩy mạnh giao thương giữa doanh nghiệp, nhà phân phối của 2 địa phương”, ông Biện Tấn Tài nhấn mạnh.

5-1713831829.jpg
Doanh nghiệp, nhà phân phối TP. Hồ Chí Minh tìm hiểu các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận.

Tham dự “Hội nghị kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận với các doanh nghiệp, nhà phân phối của thành phố Hồ Chí Minh” ngoài lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận còn có đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và đặc biệt là sự hiện diện của 21 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh với các sản phẩm chế biến từ trái thanh long, các sản phẩm từ tổ yến, nước mắm, các loại nông sản. Hội nghị này là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Bình Thuận giới thiệu, quảng bá, kết nối với hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử và các kênh phân phối khác ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và cả nước, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh.

“Đồng thời, hội nghị cũng là dịp để các hệ thống phân phối, bán lẻ và người tiêu dùng có điều kiện để tìm hiểu, nắm bắt rõ hơn về các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh; là nơi để gặp gỡ, trao đổi thông tin, kết nối, tiến tới ký kết các Biên bản ghi nhớ, Hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, từng bước hình thành chuỗi cung ứng bền vững giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản xuất của tỉnh Bình Thuận với các nhà phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành”, ông Biện Tấn Tài cho biết thêm./.

Đạm Quang Lê