Đầu tư công nghệ sau thu hoạch mang đến giải pháp tốt nhất nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có nhu cầu lớn về sự chuyển đổi từ ngành thực phẩm thô sơ sang ngành thực phẩm hiện đại, cùng lúc đó là có nhu cầu về chiến lược và giải pháp dài hạn cũng như việc đầu tư liên tục.
v-t04474-1699084637.jpg
Đầu tư công nghệ sau thu hoạch mang đến giải pháp tốt nhất nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam.

Tại hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam” được tổ chức bởi Hiệp hội Lúa gạo Việt Nam (VFA) và BizLIVE, các chuyên gia đã đưa ra nhiều quan điểm về vấn đề thất thoát sau thu hoạch trong hoạt động thu hoạch lúa gạo tại Việt Nam.

Theo kết quả khảo sát của ngành nông nghiệp Tiền Giang, tỷ lệ thất thoát trong và sau thu hoạch của nông dân trồng lúa rất cao, cụ thể thất thoát do thu hoạch, phơi sấy, tồn trữ không đạt yêu cầu là 10,8%. Như vậy mỗi năm chỉ riêng nông dân tại Tiền Giang có thể thiệt hại đến hàng trăm tỷ đồng. Nếu tính trên bình diện cả nước, con số thiệt hại sau thu hoạch có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Nhận xét về vấn đề này, ông Jena Vinther Jensen - giám đốc điều hành công ty cung cấp giải pháp nông nghiệp FTT của Đan Mạch nói: “Ở Việt Nam, các nông dân Việt Nam làm việc rất vất vả, sản xuất ra những hạt gạo có giá trị tốt nhất thế giới, tuy nhiên nhiều khi giá trị hạt gạo này chưa được đảm bảo chuẩn chất lượng tốt nhất nên uy tín của gạo Việt Nam chưa được thừa nhận đầy đủ. Bằng việc đầu tư tốt hơn vào công nghệ, từ sau khi thu hoạch cho đến khâu lưu trữ và sấy, chất lượng gạo Việt Nam sẽ được đảm bảo tốt nhất để phục vụ cho tiêu dùng và sản xuất”.

Cũng theo ông Jensen, lúa Việt Nam có giá trị cao nhưng còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có nhu cầu lớn về sự chuyển đổi từ ngành thực phẩm thô sơ sang ngành thực phẩm hiện đại, cùng lúc đó là có nhu cầu lớn về chiến lược và giải pháp dài hạn cũng như việc đầu tư liên tục.

Ông Jensen chia sẻ người tiêu dùng các nước phát triển yêu cầu rất cao về sự đồng nhất về chất lượng, tính sẵn có của sản phẩm mà họ mong muốn có trên thị trường. Người tiêu dùng trong khi đó cũng mong muốn có khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm mà họ sử dụng. Tất cả các ngành sản xuất đều phải có tiêu chí và tiêu chuẩn sản xuất rất cao. Tất cả doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ trong ngành đều hiểu rằng cần phải tích hợp công nghệ vào sản xuất.

Từ khi bắt đầu thu hoạch lúa đến khi sấy được lúa, cách thức xử lý trong giai đoạn này rất quan trọng để đảm bảo chất lượng lúa gạo. Việt Nam là quốc gia có điều kiện thuận lợi để có thể sản xuất lúa gạo ba mùa/năm, tuy nhiên thời tiết nóng ẩm lại là thách thức.
Để giúp cho giai đoạn này phát huy tác dụng tốt nhất trong việc đảm bảo chất lượng lúa gạo, người nông dân Việt Nam sẽ cần đến công cụ lập kế hoạch sản xuất, đảm bảo công suất sấy và khả năng lưu trữ, thông khí trước khi sấy, quản lý chuỗi cung ứng và cuối cùng tăng cường khả năng quản lý và nguồn lực.

Việc tồn trữ lúa và bảo quản cần phải được thực hiện trong điều kiện nền nhiệt tối ưu nhất là bí quyết quan trọng để nâng cao chất lượng lúa gạo. Hệ sấy cần đảm bảo ẩm độ cho từng hạt lúa, ngoài ra việc lưu trũ và bảo quản hạt lúa trong nền nhiệt, ẩm độ và môi trường để đảm bảo chất lượng hạt lúa cũng vô cùng quan trọng.

Ông Jensen chia sẻ công nghệ của FTT giúp cho người nông dân sử dụng hệ thống giám sát tự động để ưu tiên thứ tự sản xuất tốt nhất; xử lý linh hoạt tất cả các nguyên liệu lúa nhập về ở dạng rời từ nhà máy cho đến khi đóng gói sản phẩm tiêu dùng cuối cùng; tích hợp tất cả các quy trình vào một hệ thống kiểm soát AI với tính năng ghi dữ liệu và sử dụng dữ liệu lịch sử sản xuất để không ngừng cải tiến quy trình sản xuất đồng thời cho phép truy cập nội tuyến vào nhiều địa điểm nhà máy sản xuất để quản lý cũng như hỗ trợ và giám sát vận hành.

Tuy nhiên cũng theo ông Jensen, nông dân không thể hiện đại hóa công nghệ xử lý sau thu hoạch theo hướng hợp tác với nhau mà nông dân cần phải hợp tác vào cùng nhau trong những nhóm liên kết có sự đoàn kết cao trong những loại hình kiểu như liên đoàn hay tổ chức để có thể cùng hợp tác đầu tư, sử dụng công nghệ nhằm tăng cường tối đa hiệu quả lưu trữ bảo quản sản phẩm phục vụ tốt nhất cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Ông Jensen cho biết ngành nông nghiệp ở Đan Mạch trước đây cũng từng gặp những vấn đề tương tự như Việt Nam bây giờ, và nhờ đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ mà sản xuất nông nghiệp mà ngành nông nghiệp Đan Mạch đã có thể phát triển mạnh.

Ngọc Diệp