Đầu ra sản phẩm nông nghiệp: "Bức tường" cản trở nhà nông làm giàu

Đất đai phì nhiêu là cơ sở thiết yếu để xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế, nhưng tâm lý lo sợ “được mùa mất giá” đã thành rào cản khiến người nông dân không e ngại.
dau-ra-cho-san-pham2-1697561090.jpg
Với suy nghĩ  "được mùa mất giá" khiến không ít hộ dân không dám mạnh dạn đầu tư phát triển - Ảnh minh họa.

Nông nghiệp là ngành sản xuất có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân cũng như đối với sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, về cơ bản, sản xuất nông nghiệp nước ta phát triển thiếu tính bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, kém sức cạnh tranh và chưa đủ khả năng đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh những mặt hàng chủ lực, được tập trung đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm ra thì phần lớn ngành nông nghiệp nước nhà vẫn nằm trong diện phát triển “cầm chừng” chưa có sức đột phát, từ đó tạo sự cạnh tranh, sản phẩm tạo ra chưa tương xứng với tiềm năng về lợi thế của ngành nông nghiệp. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hệ lụy trên chính là sự vào cuộc của chủ thể sản xuất chưa mặn mà, bên cạnh đó, cơ chế đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại chưa tương xứng.

Chưa có sản phẩm đã lo thị trường

Thanh Hóa là địa phương có đầy đủ các đặc điểm địa hình miền núi, trung du, đồng bằng, chính là điều kiện thuận lợi để phát triển các lĩnh vực sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Với diện tích tự nhiên lớn thứ 5 cả nước, nguồn lao động dồi dào, cùng với những chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp vào đầu tư... đã trở thành lợi thế của tỉnh cho phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại. Thế nhưng nhìn tổng thể, kinh tế từ ngành nông nghiệp ở địa phương mang lại chưa cao.

Nguyên nhân chủ yếu ở đây là do đa phần những người nông dân đều có tâm lý e ngại đầu trong khâu tư sản xuất. Đa phần họ đều có tâm lý lo lắng sản phẩm tạo ra không có thị trường tiêu thụ, hoặc vướng vào bài ca “được mùa mất giá”. Chính bởi vậy mà đa phần diện tích đất canh tác của các hộ dân chỉ trồng lúa hoặc những giống hoa màu thuần chủng, không có sự đột phá.

Ông Ngân Văn Long trú tại thôn Tân Quang, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) cho biết: “Trước đây chúng tôi đều trồng lúa và ngô, sau khi được tuyên truyền cũng thử chuyển đổi trồng sang cao su, mía dứa… tuy nhiên sau khi đến vụ thu hoạch thì lại vướng phải khâu giá thành sản phẩm giảm sút. Hay như đợt trồng dứa, đến vụ thu hoạch lần 2 nhà máy không còn thu mua nên chúng tôi đành mang ra chợ bán, thậm chí chặt phá cho trâu bò ăn”.

Việc tìm đầu ra cho sản phẩm đã vô tình thành sợi dây “trói buộc” những khát vọng vươn xa của những người nông dân. Đa số họ đều mong muốn sản xuất phải ổn định, ít biến động, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại trong quá trình đầu tư sản xuất. Chính vì tâm lý e dè nêu trên nên những người nông dân trở thành tỷ phú ngày nay đang ở con số hạn chế.

Ông Nguyễn Thiện Vũ, xã Yên Trường, huyện Yên Định (Thanh Hóa) cho biết: “từ khi có ít vốn để khởi nghiệp, tôi đã đầu tư xây dựng nhà nuôi dế. Nhưng khi dế đã đến tuổi khai thác thì lại không biết bán cho ai. Nên từ đó gia đình tôi vẫn chưa dám đầu tư phát triển theo mô hình nào cả”

Ông Lê Duy Hòa, Giám đốc HTX Thanh Tân cho biết: “Phần lớn tâm lý bà con đều e dè, ngại đầu tư, phát triển các giống mới, họ lo sợ sau khi sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ. HTX cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên đôn đốc bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để mang lại giá trị cao hơn”.

Cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, trong đó chủ chốt là các mô hình kinh tế tập thể đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, canh tác của người dân, nhưng chỉ dừng ở các thành viên trong hội. Còn đa số những hộ nông dân khác chỉ quay lại canh tác theo kiểu “truyền thống” tự cung, tự cấp.

Cơ chế đầu tư nông nghiệp còn hạn chế

Để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, giá trị kinh tế cao, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương và người sản xuất cần chủ động thay đổi tư duy, cách làm. Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu và là giải pháp hiệu quả đang được triển khai trên địa bàn tỉnh. Từ tiềm năng, lợi thế cũng như những nỗ lực, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, lĩnh vực thu hút đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng kể.

Tính đến tháng 8/2023, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 1.290 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm và thủy sản. có 1.531 DN thành lập mới thì số doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chỉ khiêm tốn ở mức 83 đơn vị, chiếm 5,4%. Ở một tiêu chí khác, toàn tỉnh chấp thuận 33 dự án đầu tư trực tiếp (gồm 24 dự án đầu tư trong nước, 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 8.949 tỷ đồng và 131,4 triệu USD, thì lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chỉ thu hút được 4 dự án. So với tiềm năng về vị trí địa lý thì đây đang là con số khiêm tốn.

Thực tế cho thấy, nông nghiệp là lĩnh vực đầu tư có nhiều rủi ro, luôn đối diện thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn, dịch bệnh, giá cả thị trường biến động, sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng... nên việc mời gọi doanh nghiệp đầu tư không dễ dàng. Bên cạnh đó, Thanh Hóa là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, khí hậu trong khi bảo hiểm nông nghiệp còn nhiều bất cập cũng khiến cho DN e dè trong việc đầu tư. Chính bởi vậy nên tiềm năng nông nghiệp rất lớn nhưng hiệu quả mang lại đến thời điểm chưa cao.