Đạo đức công vụ - Yêu cầu cấp thiết đối với cán bộ, công chức thời kỳ mới (Phần II)

Quá trình hình thành đạo đức công vụ cũng như quá trình hình thành đạo đức nói chung, là quá trình từ nhận thức, ý thức đến tư duy hành động và cuối cùng được chuẩn hóa thành quy tắc, quy chế, chuẩn mực xã hội và pháp luật của nhà nước.
anh-3-769-1662168958.jpg
Minh họa

Đó cũng chính là quá trình phát triển từ tự phát đến tự giác. Trong quá trình đó, việc hình thành đạo đức của người cán bộ, công chức chịu tác động của một số nhân tố chủ yếu sau đây:

Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội

Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia ảnh hưởng, tác động đến việc hình thành, xây dựng các giá trị đạo đức, trong đó có đạo đức công vụ. Kinh tế phát triển hay đi xuống đều ảnh hưởng đến việc xây dựng đạo đức của người thi hành công vụ, từ việc xây dựng, hoạch định chính sách, xác định các giá trị chuẩn mực cho đến các nguồn lực dành cho tổ chức công sở văn minh, hiện đại; đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trang bị phương tiện, điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã tác động, đặt ra những yêu cầu mới đối với việc xây dựng đạo đức nói chung và đạo đức công vụ nói riêng. Những mặt trái của nền kinh tế thị trường nếu không có biện pháp khắc phục hiệu quả sẽ là điều kiện, môi trường nảy sinh những biểu hiện tiêu cực, phi đạo đức trong đội ngũ cán bộ, công chức.

Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc

Giá trị văn hóa truyền thống là những giá trị thuộc về tư tưởng, lối sống, chuẩn mực thái độ, hành vi được cộng đồng thừa nhận và duy trì, gìn giữ qua các thế hệ. Đạo đức công vụ luôn gắn với đối tượng là cán bộ, công chức - một nhóm đối tượng cụ thể trong xã hội, một cộng đồng người. Các giá trị văn hóa truyền thống chính là nền tảng, cơ sở cho việc hình thành, lựa chọn các giá trị về tổ chức, hoạt động nơi công sở, tới đạo đức và chuẩn mực trong hành vi, lối sống của cán bộ, công chức.

Các giá trị văn hóa truyền thống tác động đến đạo đức công vụ theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực. Những giá trị truyền thống tốt đẹp như lòng yêu nước nồng nàn, ý thức tự cường dân tộc, tinh thần cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù sáng tạo trong lao động, sự tế nhị trong ứng xử, tính giản dị trong cuộc sống,...

Tất cả những yếu tố ấy góp phần hình thành những giá trị, chuẩn mực chân chính cho cán bộ, công chức, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trung thành với Tổ quốc, tận tụy với nhân dân, trách nhiệm với công việc, chuyên nghiệp, có hành vi, thái độ ứng xử đúng mực,... Những giá trị truyền thống lạc hậu, bảo thủ không phù hợp với bối cảnh, tình hình hiện tại, như tiểu nông, cục bộ, bình quân chủ nghĩa,... sẽ tạo ra những lực cản cho sự phát triển của một nền hành chính văn minh, hiện đại.

Pháp luật và việc tổ chức thực hiện pháp luật

Nếu hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, không có “khe hở” thì việc “lách luật” sẽ trở nên khó khăn, do đó sẽ hạn chế được những hành vi sai trái trong việc thực hiện công vụ. Ngược lại, khi tồn tại những bất cập trong pháp luật thì người cán bộ, công chức có thể cố ý hoặc vô ý thực hiện những hành vi trái với đạo đức công vụ, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới hiệu quả công việc, hiệu lực quản lý nhà nước, tới uy tín của nhà nước trước nhân dân.

Do pháp luật bao trùm lên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, của quản lý nhà nước, nên nhìn chung sự hoàn thiện của pháp luật và hiệu quả của việc tổ chức thực hiện pháp luật, đặc biệt là về những nội dung có liên quan trực tiếp đến hoạt động công vụ luôn có sự ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến đạo đức công vụ.

Vai trò của cơ quan hành chính

Cơ quan hành chính có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng uy tín của cơ quan, tạo nên niềm tin, niềm tự hào của chính cán bộ, công chức đối với cơ quan, đơn vị mình. Vị thế của một cơ quan, đơn vị luôn được quyết định bởi kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Nếu thực hiện tốt vai trò thì vị thế sẽ không ngừng được củng cố và phát triển.

Nếu một cơ quan, đơn vị có uy tín, tạo dựng được vị thế tốt, được nhân dân và xã hội thừa nhận thì bản thân mỗi cán bộ, công chức trong cơ quan đó sẽ yêu nghề hơn, không ngừng phấn đấu, tự giác tuân thủ nội quy, quy chế làm việc, có trách nhiệm hơn với công việc và không ngừng nâng cao hiệu quả công việc.

Ngược lại, nếu hình ảnh, vị thế của cơ quan, đơn vị bị đánh giá thấp, làm mất niềm tin, không đáp ứng yêu cầu của các thành viên trong công sở cũng như người dân, tổ chức thì các giá trị của văn hóa công sở, đạo đức công vụ sẽ không được coi trọng. Vì vậy, cần đặc biệt quan tâm tới việc tạo dựng hình ảnh và vị thế của cơ quan hành chính nhà nước, phải gắn cơ quan hành chính với phương châm vì nhân dân phục vụ, tận tụy hết mình phục vụ nhân dân.

Sự dân chủ, minh bạch, công khai trong hoạt động tại công sở có tác động trực tiếp và sâu sắc đến đạo đức công vụ của cán bộ, công chức. Nếu trong cơ quan, đơn vị mọi hoạt động luôn được công khai, minh bạch, sự dân chủ được tôn trọng thì sẽ tạo điều kiện để các nhân viên, thậm chí nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ, dám thẳng thắn chỉ ra các yếu kém, bất hợp lý hoặc sai phạm trong hoạt động công vụ, nhờ đó làm cho pháp luật được thực thi, đạo đức được tôn trọng, nâng cao.

Ngược lại, nếu thiếu dân chủ thì công chức không được tham gia, bàn bạc những việc quan trọng trong cơ quan, đơn vị, nếu phát hiện sai trái cũng không dám lên tiếng góp ý, phản đối vì sợ bị trù dập; nếu không công khai, minh bạch trong hoạt động thì cán bộ, công chức và nhân dân khó có thể kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.

Vì vậy, những hành vi sai phạm vẫn ngang nhiên tồn tại, tái diễn không được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Điều đó sẽ ảnh hưởng xấu đến đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Trong công sở, mối quan hệ giữa các đồng nghiệp cũng có tác động không nhỏ đến đạo đức công vụ. Nếu các đồng nghiệp luôn tôn trọng, phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau thì vừa có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan đơn vị, vừa nâng cao được đạo đức công vụ của cán bộ, công chức.

Ngược lại, khi giữa các đồng nghiệp luôn có sự đố kỵ, chia rẽ, mâu thuẫn hoặc thiếu sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau thì vừa làm cho nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị không được hoàn thành, vừa tạo ra tâm lý chán nản hoặc những hành vi trái với đạo đức công vụ.

Hoạt động giáo dục, đào tạo

Việc giáo dục, đào tạo ở tất cả mọi hình thức, mọi bậc học, trong nhà trường và trong các cơ quan, công sở không chỉ là trang bị những kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn hướng tới hình thành và củng cố nhân cách cho người học.

Do đó, nếu trong nội dung giáo dục, đào tạo, những vấn đề liên quan đến đạo đức, nhân cách con người được chú trọng thì những người học - nguồn cơ bản của đội ngũ cán bộ, công chức đã sớm được trang bị, hình thành nên những tố chất cần thiết của đạo đức công vụ khi trở thành cán bộ, công chức. Nếu việc giáo dục về nhân cách không được coi trọng đúng mức thì sẽ không tạo ra được cái gốc căn bản của đạo đức công vụ cho người cán bộ, công chức sau này.

Trình độ, năng lực nhận thức và ý thức tu dưỡng rèn luyện đạo đức công vụ của bản thân mỗi cán bộ, công chức

Trình độ, năng lực nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức được biểu hiện qua mức độ nắm vững kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, chức trách, quyền và nghĩa vụ của bản thân; hệ thống các quy tắc ứng xử với cấp trên, cấp dưới, đồng nghiệp và với nhân dân...

Trình độ, năng lực nhận thức còn biểu hiện thông qua mức độ tự giác thực hiện các quy chế, quy định làm việc của cơ quan, các quy tắc, chuẩn mực ứng xử. Nếu cán bộ, công chức nhận thức rõ và có ý thức tuân thủ, bảo vệ và duy trì những quy định đó trong hoạt động thực thi công vụ thì đạo đức công vụ sẽ không ngừng được nâng cao. Việc tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, công chức là yếu tố có vai trò đặc biệt quan trọng đến sự hình thành và nâng cao đạo đức công vụ. (còn nữa)

Lê Hà