Đánh giá kết quả về xử lý sự cố nghẽn lệnh tại HOSE

Sáng 15/10, Bộ Tài chính làm việc với Công ty cổ phần FPT và Tập đoàn SOVICO để đánh giá kết quả xử lý sự cố nghẽn lệnh tại hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE).
ttxvn-0107-hose-1634282904.jpg
Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) nhiều lần gặp sự cố nghẽn lệnh

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho biết, sắp tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Công ty cổ phần FPT thực hiện các vấn đề về công nghệ trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng ghi nhận Tập đoàn SOVICO đã hỗ trợ tài chính 40 tỷ đồng giúp Bộ Tài chính lập dự án đầu tư công để xử lý nghẽn lệnh sàn HOSE. Bởi nếu không, tình trạng nghẽn lệnh sẽ khiến thời gian kéo dài hơn, làm mất cơ hội của doanh nghiệp và sự phát triển của nền kinh tế.

“Tôi rất mong muốn, thời gian tới, Bộ Tài chính và các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp với nhau, tìm ra sáng kiến, kiến tạo cho sự phát triển chung của đất nước”, Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ.

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FPT Trương Gia Bình, ý kiến của các chuyên gia cho rằng, hệ thống trọng yếu của đất nước phải do người Việt Nam kiểm soát và không thể phụ thuộc vào nước ngoài. Bởi, khi hệ thống giao dịch chứng khoán gặp trục trặc thì việc khắc phục sẽ chậm trễ.

Theo ông Bình, trình độ công nghệ Việt Nam hiện nay đã được ghi nhận ở tầm thế giới. Hiện những đề án về chuyển đổi số của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang có xu hướng được giao về Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam có thể tự xử lý các vấn đề công nghệ, nhất là đối với hệ thống giao dịch chứng khoán.

“Chúng tôi cam kết với Bộ Tài chính, hệ thống giao dịch chứng khoán do FPT cung cấp sẽ tăng từ 3-5 lần khối lượng giao dịch so với hệ thống cũ”, ông Bình nói.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT tập đoàn SOVICO cho biết, Chính phủ và Bộ Tài chính đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân có điều kiện tham gia hỗ trợ các chương trình lớn, của quốc gia như chương trình hỗ trợ hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tập đoàn hiện có 2 đơn vị niêm yết trên thị trường chứng khoán là Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (mã chứng khoán: HDB) và CTCP Hàng không Vietjet - Vietjet Air (mã chứng khoán: VJC) với giá trị vốn hóa khoảng 4,5 tỷ USD. SOVICO đánh giá cao vị trí của thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế quốc gia.

Doanh nghiệp mong muốn, thị trường chứng khoán Việt Nam với tầm nhìn quốc gia phát triển vào năm 2045, sẽ có những lộ trình ngắn nhất để sánh vai với các thị trường chứng khoán như thị trường chứng khoán London và thị trường chứng khoán New York.

“Chúng tôi hy vọng những chương trình đóng góp của FPT của SOVICO sẽ góp phần cho lộ trình này rút ngắn lại, để cho tương lai tươi sáng của thị trường vốn Việt Nam sẽ đến gần hơn”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho rằng, tiềm năng hợp tác của ngành chứng khoán với các doanh nghiệp tư nhân còn nhiều. Thời gian trước mắt, cũng như trong trung hạn, ngành chứng khoán có nhu cầu và mong muốn hợp tác với FPT và khu vực kinh tế tư nhân nói chung để nghiên cứu một số vấn đề trọng tâm.

Đó là, tư vấn chiến lược tổng thể phát triển hệ thống công nghệ thông tin ngành chứng khoán; tư vấn mô hình, thiết kế hệ thống công nghệ thông tin phục vụ giám sát hoạt động thao túng, nội gián trong lĩnh vực chứng khoán; vấn đề chuyển đổi số; vấn đề xây dựng hệ thống dự phòng cho hệ thống công nghệ thông tin hiện tại của HOSE.

Trước đó tình trạng quá tải, chậm xử lý lệnh giao dịch diễn ra tại một số công ty chứng khoán từ cuối năm 2020, Bộ Tài chính đã giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan khẩn trương tìm phương án kỹ thuật, xử lý triệt để tình trạng nghẽn lệnh tại sàn HOSE, lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư và thị trường.

Ngày 6/3/2021, tại Hội nghị “Đối thoại Việt Nam năm 2021 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Tập đoàn SOVICO và Công ty cổ phần FPT đã đề xuất cho phép các doanh nghiệp tư nhân tham gia xử lý vấn đề nghẽn lệnh tại sàn HOSE, bằng nguồn tài chính, nhân lực và công nghệ của chính các công ty, tập đoàn; trong đó, công ty cổ phần Tập đoàn SOVICO đóng góp nguồn lực tài chính, Công ty cổ phần FPTực hiện các giải pháp kỹ thuật, chuyên môn.

Với sự nỗ lực của FPT và nhiều chuyên gia công nghệ, sự hợp tác của HOSE, các đơn vị thành viên và các đơn vị liên quan, sau 3 tháng đưa vào vận hành hệ thống đã hoạt động thông suốt, an toàn và có thể xử lý từ 3-5 triệu lệnh mỗi ngày, tương ứng gấp 3-5 lần so với hệ thống cũ, có khả năng đáp ứng nhu cầu của HOSE ít nhất từ 3 – 5 năm tới. Đồng thời, giúp HOSE hoàn toàn làm chủ công nghệ trong tương lai, không còn phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài.

Tính đến ngày 14/10/2021, số lượng lệnh và giá trị giao dịch trung bình ngày lần lượt là 927.759 lệnh và 21.571 tỷ đồng, bằng 116,64% và 98,61% so với trung bình ngày của 3 tháng trước khi áp dụng giải pháp. Đáng chú ý, có 45/72 phiên giao dịch vượt giới hạn 900.000 lệnh của hệ thống cũ.

Tại buổi làm việc này, Bộ Tài chính đã trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính cho Công ty cổ phần FPT và Tập đoàn SOVICO vì đã có thành tích xuất sắc trong việc tham gia và xử lý sự cố nghẽn lệnh tại hệ thống giao dịch HOSE.