Quảng cáo #128

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, đặt sự nghiệp giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm sự nghiệp giáo dục đào tạo, luôn đặt giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, do đó phải nỗ lực thực hiện điều này cho kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Chiều 2/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Uỷ ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo năm 2024. Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan.

su-nghiep-giao-duc-5-1730553890.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp của Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo.(Ảnh: VGP)

Quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông

Báo cáo về định hướng, giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo Kết luận 91, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: Triển khai Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận 91.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 91.

Trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ GD&ĐT đã gửi xin ý kiến góp ý và tiếp thu ý kiến góp ý của 25 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 55 tỉnh, thành phố.

Đến nay, dự thảo Chương trình hành động về cơ bản đã bảo đảm yêu cầu bám sát Kết luận số 91, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai để tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 và Kết luận 91 của Bộ Chính trị và cụ thể hóa phân công đến từng bộ, ngành, cơ quan có liên quan và các địa phương. Trong đó, đã tập trung cụ thể hóa 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cũng đã báo cáo các nội dung cần xin ý kiến Ủy ban quốc gia về “Định hướng giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW khoá XII ”.

Theo đó, Bộ GD&ĐT xin ý kiến các thành viên Uỷ ban về việc thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học; quản lý viên chức ngành Giáo dục; tiền lương cho nhà giáo; thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục và đào tạo tại Việt Nam; giao nhiệm vụ xây dựng chương trình đầu tư công hiện đại hoá giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; các thiết chế trong xây dựng xã hội học tập.

su-nghiep-giao-duc-2-1730553877.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải có đột phá để đưa nền giáo dục và đào tạo nước ta theo kịp, ngang tầm các nước phát triển càng sớm càng tốt. (Ảnh: VGP)

Phát biểu ý kiến, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, Chương trình hành động đã đề cập tới xã hội hoá giáo dục và xây dựng xã hội học tập nhưng cần tập trung hơn nữa.

Đề cập tới một số “điểm nghẽn” của giáo dục hiện nay là thống nhất quản lý nhà nước, quản lý viên chức, tiền lương nhà giáo, GS.TS Nguyễn Thị Doan đề nghị đánh giá, rà soát để có giải pháp cho những vấn đề này.

Với quan điểm muốn phát triển phải có hệ thống giáo dục đại học hoàn chỉnh và phải có các trường đẳng cấp quốc tế, GS.TS Nguyễn Thị Doan cũng đề nghị quan tâm nguồn đầu tư công để hiện đại hoá giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Nhấn mạnh quan tâm thêm tới phân luồng sau THCS và có sự điều chỉnh phù hợp với văn hoá đào tạo của Việt Nam, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, các danh mục công việc trong dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 91 hiện nhiều, nên cần cân nhắc rà lại để đưa những công việc khả thi, đặc biệt các đề án có làm được không, nếu làm được phân định thực hiện theo năm.

Một số chính sách đang xây dựng, như Nghị quyết về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình GDPT 2018; Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050… được Phó Thủ tướng yêu cầu liệt kê vào Chương trình hành động.

Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ ngành, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu tối đa ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện chương trình, kế hoạch, xin ý kiến của Chính phủ để Chính phủ ban hành nghị quyết thực hiện chương trình hành động thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị trong nửa đầu tháng 11 này.

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm sự nghiệp giáo dục đào tạo, luôn đặt giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, do đó phải nỗ lực thực hiện điều này cho kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.  

su-nghiep-giao-duc-3-1730553976.jpg
Các đại biểu dự phiên họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, trong đó có giáo dục, đào tạo. Thủ tướng lưu ý vấn đề thời gian, trí tuệ, khát vọng, tiềm lực, hội nhập.

"Thủ tướng nhấn mạnh 5 vấn đề, về thời gian, các chính sách ban hành liên quan giáo dục, đào tạo phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả. Về trí tuệ, phải dựa vào giáo dục đào tạo và đổi mới sáng tạo. Về khát vọng, đưa nền giáo dục đào tạo ngang tầm, theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt, tự lực, tự cường, tự tin dân tộc. Về hội nhập, phải đi đúng xu hướng của thời đại, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong giáo dục đào tạo", Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý cần tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao tính tự chủ của các địa phương, các cơ sở giáo dục, đào tạo với tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" để phát huy không gian sáng tạo. Nâng cao chất lượng dạy và học, trong đó nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên, tạo cảm hứng, lấy học sinh làm trung tâm, thầy cô làm động lực. Xây dựng cơ chế để đẩy mạnh hình thành xã hội học tập, học tập suốt đời. Trên cơ sở đó tiếp tục rà soát các nội dung xem Kết luận 91 đã được thể hiện trong Chương trình hành động chưa?

Hoàn thiện hồ sơ dự thảo Chương trình hành động, Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm với bố cục gọn nhẹ, nội dung rõ ràng, thể hiện quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hành động có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào ra việc đó, phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm.

su-nghiep-giao-duc-1-1730554023.jpg
Thủ tướng cũng chỉ rõ 5 yếu tố về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập, cùng 3 nội dung cần đặc biệt lưu ý để tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng cũng lưu ý một số nội dung liên quan đến rà soát quy hoạch mạng lưới, chất lượng đội ngũ nhà giáo, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các ngành kinh tế mới nổi (chíp bán dẫn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, kinh tế xanh...); nguồn lực dành cho đầu tư giáo dục; từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2, mở rộng đào tạo các ngoại ngữ khác theo yêu cầu của công việc.

Đối với các vấn đề xin ý kiến của Ủy ban Quốc gia, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu dự họp, cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị thành các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, các nội dung cần ngắn ngọn, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm của các Bộ, cơ quan, địa phương và có thời hạn cụ thể, dễ đôn đốc, dễ kiểm tra, đánh giá.

Đối với việc xây dựng Chiến lược giáo dục, đào tạo, Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành trong quý I/2025 phải xong; đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phải rà soát, đánh giá tổng thể việc thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên cả nước và đề xuất giải pháp quản lý phù hợp, thuận lợi nhất, đã làm phải nhanh, khả thi, kịp thời và hiệu quả, phải đặt lợi ích chung.

Nâng cao cao chất lượng, quản lý chặt chẽ đội ngũ giáo viên; Bộ Nội vụ phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề biên chế, trường lớp phù hợp hoàn cảnh với tinh thần giảm điểm trường, tăng quy mô của trường, chú ý vấn đề liên cấp, số lượng phù hợp điều kiện cụ thể.

Về huy động nguồn lực, Thủ tướng nêu rõ, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Muốn vậy, phải xây dựng chính sách phù hợp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế huy động nguồn lực để giảm gánh nặng của Nhà nước, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt, đóng vai trò là vốn mồi, kích hoạt các nguồn lực xã hội.

Về việc thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục và đào tạo tại Việt Nam. Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì nghiên cứu, xây dựng “Đề án xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục Việt Nam”.

Về các thiết chế trong xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, Thủ tướng yêu cầu, phải có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo đảm tất cả mọi người dân phải bình đẳng tiếp cận vấn đề này; xây dựng phong cách học tập suốt đời…/.

Bình Châu (Tổng hợp)