Đã qua cao điểm khô hạn, vựa lúa lớn nhất Việt Nam vẫn chờ con nước để chấm dứt xâm nhập mặn

“Có thể nhận định mặn Đồng bằng sông Cửu Long đã vượt qua thời kỳ xâm nhập mặn lớn nhất và đang có chiều hướng giảm, tuy nhiên do lượng nước về từ thượng lưu còn ở mức thấp, mùa mưa ở vùng đồng bằng này bắt đầu muộn nên xâm nhập mặn dự báo vẫn ở mức cao và có thể tiếp tục ảnh hưởng đến cuối tháng Năm,” đại diện Ủy ban sông Mekong Việt Nam nhấn mạnh.
phong-chong-han-man-dbscl-02-1714813650.jpg
Mức độ xâm nhập mặn các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Tiền Giang… hiện phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm.(Ảnh minh họa)

Mùa mưa tới muộn nên xâm nhập mặn còn cao

Ngày 4/5, đại diện Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho biết Đồng bằng sông Cửu Long hiện đã qua thời kỳ xâm nhập mặn lớn nhất và tình trạng này có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, do lượng nước về từ thượng lưu còn ở mức thấp, mùa mưa ở vùng “Vựa lúa số 1 Việt Nam” bắt đầu muộn nên xâm nhập mặn vẫn ở mức cao và có thể tiếp tục ảnh hưởng đến cuối tháng 5/2024.

Do vậy, các địa phương cần tiếp tục bám sát thông tin, chủ động điều tiết mặn ngọt để phục vụ sản xuất và giảm thiểu thiệt hại.

Theo công bố diễn biến tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long tháng 5/2024 của Ủy ban sông Mekong Việt Nam, tổng lượng mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong tháng Năm này được dự báo ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 20%.

Thậm chí theo Ủy hội sông Mekong quốc tế và các tổ chức quốc tế, lượng mưa trong tháng 5/2024 trên lưu vực sông Mekong dự báo sẽ thấp hơn trung bình nhiều từ 20-30%. Các hồ trên sông Lan Thương đang chứa ở mức khoảng 40% tổng dung tích hữu ích. Các hồ ở hạ lưu vực sông Mekong cũng đang chứa ở mức khoảng 35% dung tích hữu ích và có thể sẽ tiếp tục phát điện như hiện nay.

Với các điều kiện trên và nhận định dòng chảy từ sông Lan Thương vẫn ở mức thấp, dòng chảy qua trạm Kratie trong tháng 5/2024 biến động trong khoảng từ 8,9 tỷ m3 đến 10,7 tỷ m3 (trong khi lượng nước trữ ở Biển Hồ hiện tại là 1,2 tỷ m3) nên sẽ đóng góp không đáng kể ra dòng chính sông Mekong trong thời gian tới.

Kết hợp các thông tin trên với dự báo thủy triều, tài nguyên nước tới Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 5/2024, Ủy ban sông Mekong Việt Nam nhận định mực nước lớn nhất ngày tại trạm Tân Châu (trên địa bàn tỉnh An Giang) trong tháng Năm có xu thế biến động theo thủy triều trong khoảng từ 0,9 m đến 1,4 m.

“Lưu lượng nước trung bình ngày tới Đồng bằng sông Cửu Long qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc trong tháng Năm được nhận định sẽ biến động trong khoảng từ 3.200 m3/s đến 5.200 m3/s, ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ 2023 nhưng cao hơn so với năm 2020,” đại diện Ủy ban sông Mekong Việt Nam lưu ý.

phong-chong-han-man-dbscl-03-1714813697.jpg
Các địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, mặn từ sớm, từ xa, với tinh thần chủ động cao nhất để bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân.(Ảnh minh họa)

Cũng theo Ủy ban sông Mekong Việt Nam, tổng lượng dòng chảy trong tháng Năm qua hai trạm trên có thể sẽ ở mức từ 9,7 tỷ m3 đến 11 tỷ m3. Đây là mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng từ 19-28%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 khoảng từ 7-18% nhưng cao hơn cùng kỳ năm 2020 khoảng từ 16-30%.

“Có thể nhận định mặn Đồng bằng sông Cửu Long đã vượt qua thời kỳ xâm nhập mặn lớn nhất và đang có chiều hướng giảm, tuy nhiên do lượng nước về từ thượng lưu còn ở mức thấp, mùa mưa ở vùng đồng bằng này bắt đầu muộn nên xâm nhập mặn dự báo vẫn ở mức cao và có thể tiếp tục ảnh hưởng đến cuối tháng Năm,” đại diện Ủy ban sông Mekong Việt Nam nhấn mạnh.

Đặc biệt trên sông Vàm Cỏ Tây, do nguồn nước cung cấp trong thời gian tới vẫn rất hạn chế nên tình hình xâm nhập mặn được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài và có thể ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Dự báo chiều sâu ranh mặn 4‰ tại các sông chính ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ở mức 40-50km trên sông Tiền, sông Hậu, từ 90-110 km trên sông Vàm Cỏ Tây.

Phương án sanrn xuất phụ thuộc nguồn nước thượng nguồn sông Mekong

Với diễn biến nguồn nước và xu thế xâm nhập mặn trên, Ủy ban sông Mekong Việt Nam nhận định tình hình xâm nhập mặn ở vùng “Vựa lúa số 1 Việt Nam” vẫn còn diễn biến phức tạp nên các địa phương cần tiếp tục chủ động giám sát mặn, cập nhật thông tin dự báo mặn để chủ động điều tiết mặn ngọt phục vụ sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như các tác hại khác của hạn mặn.

Đối với các địa phương vùng thượng nguồn Đồng bằng sông Cửu Long, Ủy ban sông Mekong Việt Nam khuyến cáo người dân ở các địa phương cần xem xét xuống giống vụ hè thu sớm tại các chân ruộng đủ điều kiện về nguồn nước.

phong-chong-han-man-dbscl-11-1714813634.jpg
Đối với các địa phương vùng thượng nguồn Đồng bằng sông Cửu Long, người dân cần xem xét xuống giống vụ hè thu sớm tại các chân ruộng đủ điều kiện về nguồn nước. (Ảnh minh họa)

Chuyên gia Phùng Tiến Dũng - Trưởng phòng Dự báo thủy văn, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) cũng dự báo tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long được cảnh báo ở cấp 2. Đáng chú ý, độ mặn xâm nhập sâu trong sông, kênh rạch sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong khu vực.

“Do vậy các địa cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn; tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp phục vụ nông nghiệp và dân sinh,” ông Dũng lưu ý.

Đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới nước, người dân cần kiểm tra nồng độ mặn. Bên cạnh việc lưu trữ và tiết kiệm nước, người dân cần lắp đặt các hệ thống lọc nước mặn để đảm bảo tốt nhất lượng nước sử dụng cho sinh hoạt và tưới tiêu.

Hệ thống lọc nước mặn được xem là biện pháp sử dụng trực tiếp nguồn nước mặn hiện tại. Đối với các hộ nuôi trường thủy sản, phải thực hiện quan trắc theo dõi độ mặn môi trường nuôi. Từ đó xác định khoảng thời gian bắt đầu nuôi và thời điểm kết thúc phù hợp với hiện trạng xâm nhập mặn./.

Bình Nguyên